Rứa đó, Thu Bồn ơi!

Tùy bút của TƯỜNG LINH 13/10/2013 09:15

Quảng Nam có nhiều con sông chứ không phải chỉ một sông Thu Bồn, nào là sông Vu Gia, Trường Giang, sông Hoài và những sông nhỏ hơn như sông Tranh, Ly Ly, Bà Rén, Cẩm Lệ, sông đào Vĩnh Điện – Câu Nhi… Nhiều nhà thơ đồng hương của tôi ở bên các dòng sông ấy. Với chúng tôi, dù phiêu dạt đến bất cứ phương trời nào, mỗi người đều mang theo dòng sông ký ức ăm ắp kỷ niệm. Sông quê là dòng nguyên phát hữu hình, nhánh hồn của mỗi con người, mỗi nhà thơ xa quê là dòng thứ phát vô hình triền miên hồi lưu về cố quận.

Tôi tự xem mình là nhánh hồn sông Thu vì nhà tôi ở bên dòng sông ấy. Nơi ấy tôi đã chào đời, đã quen từng ngọn gió nam gió nồm cả những cơn bấc cơn chướng của sông qua suốt thời niên thiếu. Tôi là một trong hàng nghìn “nhánh hồn” của con sông Thu. Dòng chảy của sông muôn đời vẫn thế, nhưng tôi đã giữ được trong ký ức diện mạo từng mùa khác nhau của sông Thu. Mùa xuân là thời gian quãng sông nào cũng đẹp. Những trận lụt mùa đông đã qua, mực nước thấp hơn, thiên nhiên như gạn lọc hết màu đục để phù sa lắng xuống cho dòng bình lưu trong vắt lượn qua những làng mạc, bãi bờ.

Mùa xuân “già” một chút thì những đồng lúa vụ mùa tháng ba dọc hai bên sông đã chín vàng. Cảnh này gợi cho tôi nhớ hai câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

(Mùa xuân chín)

Ai có ở bên sông mới thấy tác giả gọi “sông trắng” vừa tài tình lại vừa chuẩn xác. Dòng sông không nhất thiết lúc nào cũng xanh. Cố thi sĩ Hàn Mặc Tử đã nhớ về quãng sông quê nhà vào thời điểm trời đầy nắng, mặt nước trở nên màu trắng. Đây là khoảng tháng ba âm lịch. Mùa xuân chín. Tôi và các bạn cũng thường ngồi trên gành đá ngắm cảnh sông chiều mùa hạ. Mặt trời sắp lặn  phía non tây và ráng đỏ cũng hừng lên phía ấy. Chúng tôi không khỏi nhắc nhau hai câu thơ của Vương Bột (649 – 676):

Lạc hà dữ cô vụ tề phi

Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc

(Ráng chiều và cánh cò đơn lẻ cùng bay/ dòng nước mùa thu và trời chung một màu)

Hai câu trên trích trong bài phú “Đằng Vương các tự” của Vương Bột hay và rất hợp với cảnh chiều mùa hạ nơi quãng sông Thu chảy trước nhà tôi. Cũng có ráng chiều ửng phía non tây và cánh cò  sắp khuất. Nhưng có bạn nêu thắc mắc: sao ông Vương Bột lại gọi “trường thiên”? Người ta nói trời cao, rộng chứ ai nói “trời dài”? Thế rồi cũng chính chúng tôi hiểu ra rằng tác giả không tả màu trời trên cao mà là trời soi bóng dưới nước dài theo một quãng sông. Nước xanh trời cũng xanh.

Vào thu đã có những cơn mưa giao mùa. Nước sông đầy hơn.

Tuy chưa phải lụt nhưng trên sông đôi lúc có những vật từ nguồn cao trôi về. Nhà thơ Huy Cận đã rất tinh tế khi nhận ra một vật thể lênh đênh:

Củi một cành khô lạc mấy dòng

    (Tràng giang)

Và mùa đông mưa dầm gió bấc, người ở bên sông mới hiểu hết ý câu thơ của Vũ Hoàng Chương:
Tiếng trống làng xa dồn mặt nước

Tôi không lạ về tiếng trống ấy. Những ngày mưa lạnh kéo dài, tôi thường nghe từ làng ngoại của tôi bên kia sông vang lên mấy hồi trống chầu. Âm vang tiếng trống rền qua mặt nước tràn bờ, đục ngầu, cuồn cuộn. Người ta đánh trống để “giữ ấm” cho mặt da trống chống lại cái lạnh buốt khiến trống bị giảm âm thanh (trống điếc).

Sông Thu vào mùa nào, tại khúc sông nào cũng có những cảnh tình đáng nhớ. Mỗi lần từ xa về thăm quê tôi đều dành thời gian theo ghe xuôi ngược sông Thu. Tôi say sưa quan sát cảnh vật đôi bờ. Suốt dải trường giang thân yêu ấy đã có rất nhiều điểm khác xưa. Làng mạc đôi bờ hiện rõ cảnh trù phú của  cư dân với nhiều ngôi nhà ngói đỏ. Những ngôi chợ bên sông được xây dựng to đẹp; nhiều bến đò ngang thời trước với những con đò gỗ chèo bởi tay người đã được thay bằng thuyền máy. Mấy cây cầu vững chắc tạo sự nối kết cho những bờ vui.

Tôi có ý tìm lại những hình ảnh chiếc đò dọc xuôi ngược theo sông, buồm căng phồng nhờ sức gió “mai nam thổi xuống chiều nồm thổi lên” nhưng chỉ thấy những chiếc ca nô rẽ sóng… Tâm hồn tôi đan xen hai trạng thái mừng và nhớ. Tất nhiên tôi mừng, rất mừng là đằng khác, về sự đổi đời rộng lớn theo hướng không ngừng đi lên của đất và người nơi cố lý. Rồi tôi không khỏi nhớ những cái đã đổi thay dù đáng đổi thay. Cái mất nào của kỷ niệm cũng gẩy thành nổi nhớ trong tôi dù chẳng biết để làm gì. Chẳng hạn tôi nhớ những ông lái, cô lái đò ngang vang bóng. Suốt thời niên thiếu tôi đã từng quá giang trên những con đò kham khổ ấy. Bây giờ họ đi đâu, về đâu? Hai bên gầm cầu trước mắt tôi xưa kia là bến đò ngang thì nay vắng lặng trái ngược với quang cảnh người, xe qua lại rộn ràng bên trên cầu.

Cũng đã lâu rồi, những làng nhỏ xưa kia dọc hai bên sông đã nhập thành xã lớn. Những xã bây giờ mang địa danh với tên đầu bằng tên đầu của huyện. Xã lớn rộng và đông dân hơn xưa nhiều, rất hợp lý về địa chí, hành chính. Nhưng khi nghĩ về các xã ấy tôi lại nhớ những tên làng cũ quen thuộc như Trung Phước, Tĩnh Yên, Quảng Đại, Giao Thủy, Vân Ly, Lệ Trạch… Tiền nhân quê ta đã chọn địa danh hay thật, vừa có ý nghĩa lại khá nên thơ. Rứa đó, Thu Bồn ơi!

Tùy bút của TƯỜNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rứa đó, Thu Bồn ơi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO