Rừng biên giới sẽ có chủ thực sự

TRẦN HỮU 09/09/2016 09:06

Vụ tàn sát gỗ pơ mu trên vành đai biên giới Việt - Lào thời gian qua đã hé lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý lâm phận của chủ rừng. Nhằm hạn chế tình trạng “cha chung không ai khóc”, UBND tỉnh sẽ xin chủ trương của Chính phủ về việc giao trách nhiệm quản lý rừng khu vực biên giới cho lực lượng biên phòng.

Quảng Nam có 142km đường biên tiếp giáp với các địa phương nước bạn Lào, trong đó huyện Nam Giang có 78km đường biên. Đặc biệt, huyện Nam Giang đang là địa bàn “nóng” cả về lâm sản lẫn khoáng sản. Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang nêu bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực vành đai biên giới lâu nay vì sự chồng chéo. Khu vực xảy ra vụ phá rừng pơ mu tại xã La Dêê vừa qua do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung làm chủ rừng, nhưng kiểm lâm địa bàn lại là người của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, trong khi đó quản lý địa bàn là lực lượng biên phòng. Hiện tại thì giữa các đơn vị vẫn chưa có quy chế phối hợp cụ thể để làm rõ trách nhiệm. Khi xảy ra vụ phá rừng thì khó xử lý cá nhân, đơn vị. Ông Mai cũng đề xuất, đối với các xã biên giới, UBND tỉnh xem xét, thống nhất giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và khoáng sản, các ngành chức năng liên quan cùng với địa phương tham gia phối hợp.

Vụ phá rừng pơ mu vừa qua có nguyên nhân từ sự quản lý lỏng lẻo của chủ rừng và các bên liên quan. Ảnh: T.H
Vụ phá rừng pơ mu vừa qua có nguyên nhân từ sự quản lý lỏng lẻo của chủ rừng và các bên liên quan. Ảnh: T.H

Ông Phan Tuấn  - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh thừa nhận một phần nguyên do phá rừng là chủ quan. “Khu vực rừng biên giới Việt - Lào từ trước đến nay tương đối ổn định, việc chặt phá rừng cũng ít xảy ra nên việc tuần tra biên giới không thường xuyên, dẫn đến vụ việc phát hiện chậm. Lực lượng biên phòng đã được giao quản lý vùng biên nên giao cho lực lượng này quản lý, bảo vệ rừng là phù hợp” - ông Tuấn nói.  Rừng pơ mu do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung làm chủ nhưng nếu nhìn vào vai trò quản lý hiện nay của đơn vị chủ rừng này thì chỉ thấy “hữu danh vô thực”. Theo ông Đỗ Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, tuy là đơn vị quản lý rừng nhưng kiểm lâm cũng không dễ dàng vào được khu vực biên giới, phải báo cáo và xin phép biên phòng. Ông  Đỗ Tuấn cho hay, mỗi lần lực lượng đi tuần tra phải có giấy giới thiệu của bộ đội biên phòng và đến thời điểm này vẫn chưa có quy chế phối hợp giữa đơn vị với các cơ quan khác.

Để siết chặt công tác bảo vệ rừng, ngành nông nghiệp đã có phương án sắp xếp, kiện toàn lại các ban quản lý rừng, chủ rừng, nâng mức dịch vụ trông coi, bảo vệ để người dân gắn bó hơn với rừng. Xem xét, quản lý cán bộ tại các khu vực nhạy cảm, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tố giác tội phạm cho người dân địa phương. Sau sự cố phá rừng pơ mu, ngành kiểm lâm tỉnh tính toán di chuyển các trạm barie vào sát cửa rừng nhằm bảo vệ rừng tận gốc; xây dựng, nâng cao ý thức để mỗi người dân như một kiểm lâm viên, một người bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu thống nhất với đề xuất của chính quyền huyện Nam Giang và các ngành chức năng là giao lực lượng biên phòng vừa quản lý vừa là chủ rừng ở vành đai biên giới. “Muốn giữ rừng mang lại hiệu quả cao hơn, các đơn vị, địa phương cần tăng cường trách nhiệm của nhóm hộ tham gia bảo vệ rừng và chủ rừng; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ rừng” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý. Đồng quan điểm với lãnh đạo tỉnh, ông Đỗ Trọng Kim - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam cho biết, Bộ NN&PTNT ủng hộ đề xuất giao rừng vùng biên giới cho lực lượng biên phòng quản lý. Theo đó, Cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản hướng dẫn kiểm lâm các địa phương tập trung rà soát lại toàn bộ hiện trạng rừng ở khu vực biên giới để tham mưu giao rừng cho bộ đội biên phòng bảo vệ và chịu trách nhiệm trực tiếp.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng biên giới sẽ có chủ thực sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO