Ngày 26.3, bản tin VTV8 phát đi: “Quảng Nam ứng dụng công nghệ cao bảo vệ rừng”. Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đưa vào ứng dụng phần mềm giám sát bảo vệ rừng, kết hợp ảnh vệ tinh viễn thám kết nối với máy tính bảng để truy cập diễn biến bất thường của rừng. Quảng Nam sẽ đầu tư 8 tỷ đồng để mua sắm thêm trang thiết bị, cấp máy tính bảng có kết nối Internet tốc độ cao đến từng nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại các xã miền núi.
Người xem tin, ai cũng mừng!
Ngày 27.3, rất nhiều báo đưa tin: UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ khởi động dự án Trường Sơn xanh. Với nguồn tài trợ gần 24 triệu USD, USAID sẽ hỗ trợ cho 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế (trong đó Quảng Nam hơn 14 triệu USD) nhằm cải thiện công tác quản lý 400 nghìn héc ta rừng nhiệt đới và bảo tồn các loài thực vật, động vật quý hiếm toàn cầu đang hiện hữu ở khu rừng này.
Bạn đọc báo, ai cũng mừng!
Chiều 28.3, thông tin đầu tiên được phát đi từ Báo Quảng Nam online, sau đó hàng loạt báo Thanh Niên, Moitruong.net.vn, Dân Việt, Công an nhân dân… loan báo: rừng phòng hộ bị băm nát. Hàng chục cây gỗ lớn bị chặt hạ nằm ngổn ngang giữa vùng lõi rừng phòng hộ Sông Kôn, đoạn giáp ranh địa bàn 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu (huyện Đông Giang). Khoảng 45m3 gỗ bị đốn hạ, nhiều cây có đường kính 1,2m, có thể thấy quy mô phá không hề nhỏ.
Người dân, ai cũng tiếc.
Thời gian gần đây, thông tin tàn phá rừng trên phương tiện thông tin xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc. Những năm 80 của thế kỷ trước, nguyên nhân rừng bị phá thường được chỉ ra như đốt rừng làm rẫy, du canh du cư, thành lập nông lâm trường… Nhưng những cách đó, chắc chắn không tàn phá rừng khủng khiếp như trong vòng 15 năm trở lại đây. Thủy điện – bao nhiêu cánh rừng nguyên sinh đã theo cách khai thác tận thu, dấu vết gỗ trăm năm bây giờ nằm dưới lòng hồ thăm thẳm. Trồng cây công nghiệp – bao nhiêu cánh rừng được cho là nghèo bị thay thế đi bởi cao su, bởi keo để rồi thấp thỏm và bấp bênh theo thị trường. Khai thác trái phép ở vùng lõi – bao nhiêu gỗ quý được quy cách bằng các kiểu hiện đại của thợ xẻ thời 4.0. Có ai thấy rưng rưng khi ăn của rừng? Cô tôi bảy mươi tuổi. Hai mươi năm trước từng là đầu nậu gỗ có tiếng vùng Vu Gia – Thu Bồn, chỉ cần nhìn thoáng qua phách gỗ là có thể đọc chính xác đến từng phân lẻ. Cô nói rằng, gỗ đi từ rừng ra đến cửa rừng, xuống núi, về đồng bằng, đi thành phố, mỗi đoạn đều phải “mua đường”. Đoạn nào mua được thì mồ hôi nước mắt, đoạn nào không mua được thì có khi phải đổi bằng máu. Ai ăn của rừng mà không rưng rưng. Chỉ là trả vay ngay trước mắt hay sau này mà thôi.
Trên quốc lộ 1, có ai thấy xe đầu kéo rơ moóc chở cây gỗ siêu khủng qua hầu hết chốt giao thông một số tỉnh miền Trung? Hôm qua, báo Dân Trí tiếp tục đưa tin, điểm đầu là Đắk Lắk và đích đến của chiếc xe là khu vườn của nguyên phó cục trưởng cục cảnh sát giao thông.
C.B.L