(Xuân Đinh Dậu) - Chia tách từ năm 1997, nhưng 20 năm qua, tình anh em cật ruột giữa Quảng Nam và Đà Nẵng vẫn đậm đà như muối mặn gừng cay. Chung nguồn cội chiếc nôi văn hóa, hai địa phương cùng xây đắp tương lai với sự chia sẻ, đồng hành trong nghĩa nặng tình sâu...
Ngày chia tay tại nhà hát Trưng Vương, người đi kẻ ở đều tâm niệm sự chia tách về địa giới hành chính không làm tình anh em ruột rà xứ Quảng phôi phai. Trái lại, “như không hề có cuộc chia ly”, càng ngày càng có thêm sự gắn kết của hai địa phương, cùng “chia ngọt sẻ bùi” lúc khó khăn cũng như khi hân hoan đón nhận thành quả mới. Ở đây, sẽ không đề cập nhiều số liệu thống kê về kết quả hoạt động trong chương trình, quy chế phối hợp. Ở đây, cũng không kể hết những chia sẻ suốt hành trình 20 năm đầy chông gai thử thách để “ra riêng” tạo dựng cơ nghiệp. Ở đây, chỉ mỗi nhắc lại vài kỷ niệm và cùng hướng về tương lai của hai anh em trên vùng đất Quảng.
Sông Cổ Cò nối vùng đông bắc Quảng Nam với Đà Nẵng. |
Hạt muối cắn đôi...
Ngay sau tái lập tỉnh, Quảng Nam và Đà Nẵng lập tức đối mặt với muôn vàn gian khó khi thiên tai liên tục ập xuống mảnh đất nghèo. Mấy đợt hạn hán khốc liệt. Mấy cơn đại hồng thủy nhấn chìm bao làng mạc. Quảng Nam có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc” trước nguy cơ vỡ đập Phú Ninh. Vượt lên trên thử thách khắc nghiệt, hai anh em đã chung lưng đấu cật lo cho đời sống đồng bào. Những nắm gạo, tấm áo chuyển đến cho nhau. Những cây cầu bắc qua vùng lũ. Có những tấn xi măng của Hải Vân chấp nhận để nợ cho Quảng Nam tu sửa đường sá, rồi phát triển giao thông nông thôn. Đà Nẵng thiếu rau, thiếu cá, thiếu muối... đồng bào Quảng Nam nhanh chóng khôi phục sản xuất sau lũ để cung cấp cho thành phố, cũng là tiếp thêm thực phẩm tươi cho bà con anh em mình. “Một miếng khi đói...” có ý nghĩa rất lớn, nhờ động viên nhau kịp thời mà cả hai địa phương vượt qua thiên tai, hoạn nạn. Ngay như đến giờ, sau hai cơn lũ muộn vào cuối năm 2016, gây thiệt hại cho Quảng Nam, người anh em Đà Nẵng cử đoàn công tác vào chia sẻ, làm đầu mối cho các tổ chức từ thiện nhân đạo viện trợ khẩn cấp.
Đoàn công tác của Đà Nẵng và Quảng Nam thăm, tặng quà đồng bào Nam Trà My năm 2012. |
Cái sự “ưu tiên” của Đà Nẵng cho Quảng Nam được chọn người và phương tiện vào tỉnh mới đã được nhiều cán bộ chiến sĩ nhắc lại. Nhưng cơ ngơi của thủ phủ tỉnh lỵ Tam Kỳ và nhiều vùng còn quá nghèo nàn, Đà Nẵng lại tiếp tục chi viện trang thiết bị làm việc; kêu gọi hỗ trợ y tế để chống chọi dịch bệnh; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, xây trường học... Nhớ, ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã không quản ngại nguy hiểm bay lên tận Nam Trà My để thăm hỏi, úy lạo đồng bào và khảo sát thực địa xây dựng Trường Phổ thông Cơ sở xã Trà Nam tại nóc Long Túc 3 (thôn 5, xã Trà Nam). Đây là công trình do Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng hỗ trợ huyện Nam Trà My xây dựng với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng. Khi Quảng Nam hình thành trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì cũng nhờ Đà Nẵng góp sức ban đầu. Nhờ ở gần Đà Nẵng, nên Quảng Nam mới đáp ứng đào tạo cấp tốc nguồn nhân lực cán bộ trẻ tăng cường. Ngày nay câu chuyện nguồn nhân lực vẫn còn thời sự với yêu cầu mới, Đà Nẵng vẫn là nơi thu hút đào tạo về cả lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Quảng Nam, đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Nam như du lịch, cơ khí chế tạo...
Nói hạt muối cắn đôi là không phải giàu có gì mà nghĩa tình dành cho nhau vẫn trọn vẹn. Không chỉ là trong công việc làm ăn, lập nghiệp mà còn văn hóa nữa. Từ hai di sản của Quảng Nam được nhân loại tôn vinh đã giúp công cuộc bảo tồn các giá trị văn hóa có thêm động lực. Đà Nẵng là cầu nối cho hợp tác quốc tế về trùng tu di sản, di tích. Và rồi, ngược lại khi Hội An, Mỹ Sơn được đánh thức thì du lịch Đà Nẵng trỗi dậy, đặt tiền đề sau này thành hướng đi phát triển “thành phố du lịch sự kiện”.
Cùng hướng về tương lai
Truyền thống gắn bó máu thịt của Quảng Nam và Đà Nẵng, từ thời chiến tranh đến hòa bình và sau những ngày chia tách tỉnh vẫn sắt son. Ngoái nhìn quá khứ một chút, sẽ biết rằng trong những năm “chia lửa”, cả thành ủy và các quận ủy của Đà Nẵng chủ yếu đứng chân trên địa bàn đất Quảng. Vì thế, những di tích lịch sử còn in kỷ niệm một thời hào hùng mà người Đà Nẵng bây giờ vẫn tri ân, nhắc nhớ. Như xóm Chín Chủ ở Điện Bàn, di tích đã được Đà Nẵng góp sức để bảo tồn, tôn tạo. Như nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của xứ Quảng được các đơn vị, tổ chức ở Đà Nẵng nhận phụng dưỡng...
“Quá khứ chỉ vinh quang khi hiện tại làm đẹp cho đời”, nên điều quan trọng bây giờ là cùng dựng xây và hướng về tương lai. Sự gắn kết, hay nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc trung ương, rằng Đà Nẵng phải “tương tác với Quảng Nam” nhiều hơn, tạo động lực lan tỏa để phát triển cả xứ Quảng và vùng kinh tế động lực miền Trung. Những cung đường APEC, cung đường ven biển, đường xuyên Á, hành lang kinh tế Đông - Tây, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... đều đã, đang và sẽ mở rộng cho sự giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch. Và, Đà Nẵng cần không gian xanh với vành đai Quảng Nam, cần khai thác trục “tam giác di sản” nối Hội An, Mỹ Sơn đến tận vùng phía Nam Quảng Nam để tạo xung lực mới. Con đường thủy qua sông Cổ Cò cần được khơi thông để làm nên sinh lộ của vùng đông bắc Quảng Nam với Đà Nẵng.
Riêng với Quảng Nam, điều cần là “giữ nguồn” cho Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ “khát cháy cổ” nếu hệ thống thủy điện trên nguồn Vu Gia - Thu Bồn không được điều tiết tốt. Đà Nẵng sẽ “khô rang” nếu không có lá phổi xanh của sông, biển và những cánh đồng vùng ngoại ô tiệm cận Quảng Nam. Quảng Nam còn phải giữ làng, nơi tìm về cho những đứa con ở Đà Nẵng mà lòng nhớ thương mít non cá chuồn, nhớ bến đò ngày công chúa Huyền Trân sang sông. Nghĩa là nhớ cội nguồn văn hóa và lịch sử đã nối kết thành một bầu khí quyển chung gọi là xứ Quảng.
Hướng về một tương lai phát triển bền vững, đó là con đường mà Quảng Nam và Đà Nẵng phải sát cánh bên nhau, tiếp tục giữ mối dây máu thịt ruột rà.
Có cái gì sâu thẳm bằng tình ruột rà đã quyện chặt trong câu ca: “Bậu về nhịn ngủ gác tay, có nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng đây...”. Bài ca truyền thống hay hướng đến tương lai đều xuất phát từ cội nguồn sông liền sông, núi liền núi, huyết thống chung dòng, văn hóa chung cội, lối ngõ chung đôi của Quảng Nam và Đà Nẵng.
Có xa xăm lắm chi một khúc đường từ làng ra phố, từ La Qua thành tỉnh ngày xưa ra Hàn?
Có khác nhau gì khi cùng “lồm” tô mỳ Quảng đượm vị nước mắm Nam Ô và hương rau Trà Quế, Bồng Lai,... cắn trái ớt xanh mà cay xè nước mắt tin yêu, hào sảng nghĩa khí?
Vậy thì cùng mùa xuân mà ngưỡng vọng cho một mối tình Quảng Nam - Đà Nẵng thắm nồng chung rượu Hồng Đào “chưa nhấm đà say”...
LÊ NGA