(QNO) - Sáng nay 2.12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức họp trực tuyến với 18 địa phương, nhằm đánh giá rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong tháng 10, 11 vừa qua. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp.
Tại điểm cầu Quảng Nam, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Phụ trách công tác phòng chống thiên tai cùng các thành viên Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tham dự cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: N.Đ |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ giữa tháng 10 đến nay, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng. Đặc biệt là 2 đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 và đầu tháng 11 có tổng lượng mưa rất lớn, đã làm 65 người chết và mất tích; 191.084 nhà bị ngập nước; 22.151ha lúa bị ngập, hư hại... Tổng thiệt hại ước tính trên 7.198 tỷ đồng.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Chính phủ, các bộ ngành đã tập trung hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại; tổng hợp hỗ trợ ban đầu, họp liên ngành và kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh. Nhiều đoàn công tác của các bộ, ngành đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, việc xả lũ hồ chứa, các hoạt động ủng hộ bằng vật chất và tinh thần đối với bà con vùng lũ lụt miền Trung. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương thì sự tham gia, chung sức của cả cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị; trong đó, nổi bật là những hoạt động cứu trợ của hội chữ thập đỏ, các văn nghệ sĩ... đã góp phần đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất sau các đợt mưa lũ.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mặc dù các cấp chính quyền, người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ nên đã hạn chế thấp nhất về thiệt hại, song vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, thách thức. Trong đó, thiệt hại về người vẫn còn lớn, nguyên nhân chính vẫn là do một số bộ phận người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh. Công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, ra đa, lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ, trong khi đòi hỏi phải chính xác và sớm hơn...
Các hồ thủy điện phải thực hiện vận hành xả lũ theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho hạ du trước tình hình mưa lũ đang diễn ra. Ảnh: N.Đ |
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương đã cùng thảo luận, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác triển khai ứng phó, khắc phục thiệt hại tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian vừa qua. Theo nhận định của các bộ ngành, tình hình thiên tai, đặc biệt là bão, mưa lũ đang có diễn biến phức tạp, cực đoan và bất thường đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, công tác chỉ đạo ứng phó với thiên tai luôn phải được chủ động, không được lơ là và rơi vào bị động bất ngờ; phối hợp thực hiện, phát huy hiệu quả tối đa phương châm "4 tại chỗ" trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, công tác dự báo dự phòng phải đi trước một bước.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao, biểu dương các cá nhân, tập thể của các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, người dân trong việc ứng phó, hỗ trợ, giúp đỡ khắc phục thiệt hại do các đợt mưa lũ vừa gây ra. Chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong công tác ứng phó với thiên tai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, miền Trung, Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Vì vậy, đòi hỏi các ngành, các địa phương phải có sự phối hợp ứng phó hiệu quả, nhất là phải thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, tại các địa phương miền Trung, Tây Nguyên đang diễn ra mưa lũ. Do đó bên cạnh tập trung chỉ đạo làm tốt công tác ứng phó, các địa phương cần hết sức quan tâm đến việc khắc phục các thiệt hại, thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, gia đình có người chết, mất tích do mưa lũ; cũng như tìm kiếm người bị nạn. Thực hiện xử lý tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường cho người và con vật nuôi, không để phát sinh lây lan dịch bệnh. Cùng với đó phải chủ động rà soát lại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở để sơ tán người dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, các ngành liên quan cùng phối hợp, chung tay khắc phục hậu quả, đảm bảo giao thông thông suốt; cung ứng điện đầy đủ, an toàn; việc vận hành hồ chứa thủy điện, điều tiết xả lũ phải được thực hiện nghiêm theo quy trình, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du...
NGUYÊN ĐOAN