Khi các con suối đầu nguồn dòng sông A Vương chuyển sang màu trong xanh cũng là lúc người Cơ Tu ở các bản làng huyện miền núi Tây Giang bắt đầu chuyến hành trình săn lùng cá niên (liêng).
Trời vừa hửng sáng. Dòng Among réo gọi ầm ào tung bọt trắng xóa. Men theo con đường sườn dốc cắt cánh rừng già chúng tôi theo chân các “tay săn” cá niên tiến sâu vào vùng thác đầu nguồn dòng suối Among. Các thợ săn ở đây cho biết, loài cá niên sinh sống ở hầu hết con suối, con sông trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang, nhưng tập trung nhiều nhất là ở những con suối lắm thác ghềnh; suối nào càng dốc nước chảy càng mạnh, càng xiết thì cá càng to, càng nhiều. Để bắt được loài cá này các thợ săn phải đối diện với những nguy hiểm, bất trắc có thể xảy ra. Chính vì vậy, muốn săn được cá niên, phải là người có sức khỏe, thông thuộc các thác ghềnh cũng như hiểu biết đặc tính của loài cá và sử dụng thành thạo các dụng cụ đánh bắt cá.
Săn cá niên là một công việc rất vất vả và kỳ công. |
Sau nửa ngày đi bộ, chúng tôi mới vào tới con thác đầu nguồn, nơi dường như chỉ có bước chân của người dân thôn Aur (xã A Vương) mới đặt chân đến. Alăng Ráy – một tay săn được nhiều thanh niên trong xã A Vương kính nể về tài nghệ bắt cá niên cho hay, những năm gần đây, cá niên được tiêu thụ khá mạnh, không chỉ là món ăn ưa thích của đồng bào dân tộc mà còn là đặc sản hấp dẫn du khách khi đặt chân đến vùng đất này. Do thịt cá thơm ngon nên loài cá này đang ngày cạn kiệt, muốn bắt được số lượng nhiều hoặc cá to phải vào đầu nguồn các con suối ở tận rừng sâu.
Theo kinh nghiệm của tay săn Plong Trung Kiên (xã ATiêng, Tây Giang), tùy theo từng địa hình, dòng chạy của suối mà người đi săn sử dụng từng loại dụng cụ đánh bắt phù hợp. Nếu ở vùng nước chảy xiết thì người đi săn phải dùng chài, muốn dùng được dụng cụ này đòi hỏi phải có sức khỏe và kinh nghiệm mới đánh bắt được. Còn ở các vùng nước sâu, dòng chảy chậm và có bề mặt rộng, lắm khe đá thì dùng lưới thả vây là hiệu quả nhất. Đối với khúc suối có nước chảy xiết, lắm dốc thác thì phải dùng loại súng tiêu, người đi săn đằm mình trong nước dùng súng tiêu bắt từng con một.
Những con cá niên to lớn ngày càng hiếm dần ở các con suối Tây Giang nên các thợ săn phải đi xa đánh bắt. |
Vừa thả 4 tay lưới bủa vây lấy một khúc suối, Bhling Hiếu (xã Dang, Tây Giang) mang chiếc mặt nạ lặn lao mình xuống dòng nước, dùng chiếc sào thọc sâu vào trong các hốc đá. Còn Alăng Ráy lặn hụp như một con rái cá, bơi vòng quanh các mỏm đá, hai tay đập sàn sạt trên mặt nước. Cách đó một khúc sông, nơi có dòng nước tuôn rất dữ, Plong Trung Kiên liên tục bắt được những con cá niên to. Có những cú vớt chài tưởng chừng trúng lớn nhưng con nước dữ cuốn đổ người nên cá tuột khỏi tay sổng mất. Bởi vậy, nếu không là “người của sông”, không là cư dân sinh ra và lớn lên giữa núi rừng, lao động mưu sinh từ nhỏ thì có lẽ không một ai có thể bắt được loài cá khôn ngoan này. Theo lời Alăng Ráy, hiện Tây Giang chỉ còn duy nhất dòng suối Among là có nhiều cá niên sinh sống. Đây là nơi suối không rộng nhưng có độ dốc đứng và lắm thác ghềnh.
Trên đường trở về, Alăng Ráy tâm sự, trước đây cư dân ở đây đi bắt cá đều tránh mùa sinh sản và dụng cụ bắt cá chỉ là dụng cụ tự chế tạo, đánh bắt kiểu thô sơ. Chính vì thế mùa nào cũng có cá, ăn quanh năm không hết. Nhưng nay, vì mục đích thương mại, cá niên được giá nên nhiều người từ dưới xuôi lên đã không từ một cách khai thác nào kể cả xung điện và đánh thuốc nổ. “Bây giờ cá lớn chưa kịp sinh sôi, cá con chưa kịp lớn thì đã bị bắt sạch rồi khiến nguồn cá bị cạn kiệt khan hiếm dần, không biết vài năm nữa Tây Giang có còn cá niên hay không” - Alăng Ráy đau đáu.
K.LINH - T.ĐẠI