Sân chơi nghệ thuật cho thiếu nhi là điều mà ai thương yêu con trẻ cũng mong muốn. Thêm một cuộc chơi, nghĩa là thêm vào hành trình trưởng thành của tuổi thơ một mảng ghép đầy sắc màu…
Liên hoan Tiếng hát thiếu nhi tỉnh Quảng Nam lần thứ 2 thu hút sự tham gia của rất đông các bạn nhỏ. ảnh: L.Q |
Hội thi Mỹ thuật thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ X và Liên hoan Tiếng hát thiếu nhi tỉnh Quảng Nam lần thứ 2 vừa kết thúc, như thêm lần nữa khẳng định, sự quan tâm của cả xã hội dành cho thiếu nhi, nhất là việc tổ chức các sân chơi nghệ thuật cho trẻ vào mùa nghỉ hè.
Trẻ con cần “chơi” với nghệ thuật
Tracy Brown Hamilton – một nhà văn, nhà báo tự do của Hà Lan, trong cuốn The Atlantic nổi tiếng của mình, cho rằng, việc được tiếp xúc với nghệ thuật đem lại lợi ích lâu dài về học tập và xã hội cho trẻ em. “Trẻ em ngày càng có ít cơ hội tiếp cận nghệ thuật ở trường học và tại nhà - điều này sẽ để lại những hậu quả lâu dài. Nhiều bằng chứng cho thấy hội họa có những lợi ích phát triển đáng kể cho trẻ nhỏ. Hội họa tạo cho chúng không gian để diễn đạt những điều chúng nghĩ, qua đó, trẻ có thể phóng đại những gì quan trọng với bản thân, hoặc thể hiện những ý tưởng chúng không thể diễn tả được bằng lời. Thông qua nghệ thuật, trẻ nhỏ bộc lộ và mô tả các quan điểm của mình về bản thân, về thế giới và vị trí của chúng trong đó” - Tracy viết. Tracy đề cao vai trò của nghệ thuật trong sự phát triển của trẻ em khi cho rằng nghệ thuật giúp các em tỏ bày bản thân mình cũng như gia tăng các kỹ năng về tương tác hình ảnh, tư duy phản biện, tổ chức và trình bày thông tin, tạo một phương thức giao tiếp vượt qua những rào cản về ngôn ngữ… Việc tạo cơ hội cho trẻ con được “chơi” với nghệ thuật ngay từ nhỏ đang ngày càng trở thành một phương cách nuôi dạy trẻ ở các quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, ở những đô thị lớn, các nhóm, câu lạc bộ, nhà văn hóa thiếu nhi đang hoạt động sôi nổi nhằm nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong mỗi em nhỏ. Trong khi đó, nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng âm nhạc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống thiếu nhi. Ông nói: “người Anh tin rằng âm nhạc là yếu tố quan trọng để hình thành tính cách của những quý ông và quý bà, nên giáo dục bằng âm nhạc là một trong những tiêu chí quan trọng của họ”.
Ở Quảng Nam, khá nhiều bạn trẻ được tìm thấy và nuôi dưỡng năng khiếu nghệ thuật từ các phong trào thiếu nhi. Luôn tìm cách hình thành những sân chơi là điều mà những người hoạt động văn hóa văn nghệ Quảng Nam mong muốn. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Nhà Văn hóa thiếu nhi TP.Tam Kỳ chia sẻ, trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, mức độ phụ huynh quan tâm đến các môn năng khiếu cho con em mình ngày càng tăng. “Đặc biệt vào mùa hè, số lượng các em tìm đến Nhà Văn hóa thiếu nhi có khi lên đến hơn 900 em ở tất cả 26 môn năng khiếu, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao” - ông Dũng nói. Ngay tại Hội thi Mỹ thuật và Tiếng hát thiếu nhi tỉnh vừa diễn ra, gần như các huyện, thành phố đều có đoàn tham gia dự thi. Điều này, theo ông Nguyễn Hoàng Bích, Chủ tịch Hội VHNT, chính là tín hiệu lạc quan cho thấy các bậc cha mẹ và cả cấp chính quyền, đoàn thể địa phương đã thực sự quan tâm đến đời sống tinh thần của con em mình.
Sân chơi mùa hè…
Gần như một mặc định, nhất là ở địa phương tỉnh lẻ như Quảng Nam, chỉ có mùa hè mới có những sân chơi mang tính chuyên nghiệp cho trẻ em. Ông Nguyễn Ngọc Dũng một lần nữa bày tỏ một chút thất vọng khi cho biết, chỉ cần đến khoảng cuối tháng 8, con số hơn 900 em thiếu nhi đang tham gia các lớp học tại Nhà Văn hóa thiếu nhi sẽ sụt giảm đáng kể. “Các lớp năng khiếu chủ yếu mở vào mùa hè chứ không duy trì thường xuyên vì phụ huynh không sắp xếp được lịch học văn hóa của con em mình. Cho nên chúng tôi nhiều khi rất tiếc khi tìm kiếm được nhiều em có tài năng thật sự trong một số bộ môn, nhưng lại không thể giúp các em duy trì việc luyện tập hằng ngày. Cứ đến cuối hè là các em nghỉ, đến đầu mùa hè năm sau bắt đầu trở lại” - ông Dũng nói. Tuy nhiên, khi phụ huynh tích cực đầu tư cho con em mình học năng khiếu vào mỗi hè vẫn mở ra những tín hiệu lạc quan cho việc tạo nên một môi trường nghệ thuật cho thiếu nhi.
Các em thiếu nhi tại lớp mỹ thuật miễn phí của họa sĩ Trương Bách Tường thực hành sáng tác tại đường phố Hội An. Ảnh: T.N.N |
Năm nay, các em yêu thích hội họa của Quảng Nam lại tiếp tục có thêm cơ hội để tỏ bày tình yêu quê hương của mình. Vẽ thực địa tại Làng bích họa Tam Thanh với chính những cảnh quan các em tận mắt thấy, cộng thêm trí tưởng tượng của mình, những bức tranh nhiều sắc màu đã ra đời. Họa sĩ Đoàn Minh Thuần, Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam, cho biết, trong thời buổi mà công nghệ thông tin đang gần như chiếm lĩnh đời sống, việc các em cảm nhận được về hội họa là điều rất đáng quý. Thêm nữa, đến với những phong cảnh ngay trước mắt mình, một cảnh đẹp của quê hương, qua lăng kính nhìn nhận của trẻ thơ, từ màu sắc, bố cục… đều tạo nên những điều thú vị. Cũng như, Liên hoan Tiếng hát thiếu nhi toàn tỉnh là một sân chơi chuyên nghiệp, nơi có thể tìm kiếm những hạt mầm ca hát ở các lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Cùng với những sân chơi ở diện rộng như thế này, tại các địa phương, hàng loạt hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao luôn cuốn hút lứa tuổi thiếu nhi tham gia. Các nhóm nhảy, lớp truyền dạy diễn tuồng cũng như những lớp học vẽ trên phố của thầy giáo – họa sĩ Trương Bách Tường khiến cho đời sống tinh thần của lứa tuổi hoa ở phố cổ thêm phần sinh động.
“Dù bằng cách thức nào, giữ lại những cảm nhận hồn nhiên theo đúng độ tuổi của các em, trong nghệ thuật, đây là điều quan trọng nhất” - họa sĩ Trương Bách Tường nói. Theo chia sẻ của họa sĩ Đoàn Minh Thuần, người chỉ dẫn các bộ môn năng khiếu cho thiếu nhi chỉ nên là người định hướng cũng như cho các em biết về các xu hướng thẩm mỹ khác nhau, còn hãy giữ cho các em có một cách nhìn của riêng mình, giữ tính cách và cảm nhận hồn nhiên của các em. Và một đời sống nghệ thuật phong phú, được duy trì liên tục, vào các mùa mỗi năm, chứ không phải chỉ xuất hiện vào mỗi mùa hè, vẫn là điều trông mong. Hẳn nhiên, không chỉ có trẻ em mới chờ đợi…
LÊ QUÂN