Sản phẩm dịch vụ vùng ven đô Hội An

ĐỖ HUẤN 22/02/2018 09:38

Thời gian qua, người dân vùng ven đô TP.Hội An đã tìm tòi, sáng tạo làm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ gắn với du lịch, thu hút du khách với chất lượng và thương hiệu sản phẩm theo định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa theo hướng phát triển bền vững.

Du khách nước ngoài đạp xe trên đường làng ở các xã vùng ven. Ảnh: Đ.H
Du khách nước ngoài đạp xe trên đường làng ở các xã vùng ven. Ảnh: Đ.H

Ở Hội An, sản xuất nông - ngư nghiệp của người dân ở vùng ven đô mang tính đặc thù rõ nét so với những nơi khác, người dân làm đủ các ngành nghề. Gắn với du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, người dân hướng các sản phẩm làm ra không chỉ mang lại lợi ích kinh tế đơn thuần mà còn gắn với văn hóa, sinh thái, phục vụ du khách và mang lại những giá trị về mặt xã hội. Nhiều sản phẩm bắt nguồn từ nông thôn vùng ven đã góp phần đa dạng, làm nên những sản phẩm du lịch có thương hiệu như gốm Thanh Hà, rau Trà Quế... hoặc những sản phẩm mang tính hàng hóa như hoa, cây cảnh cũng có mặt trên khắp thị trường cả nước mỗi khi tết đến xuân về. Gần đây còn có nhiều sản phẩm được tạo ra từ bàn tay chất phác của người dân đã trở thành những sản phẩm tinh túy phục vụ hiệu quả cho du lịch như các mặt hàng từ tre, dừa nước, các món ẩm thực mang đậm dấu ấn vùng quê sông nước Hội An. Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, cho biết: “Về nông nghiệp, chúng tôi tổ chức hình thức sản xuất dựa trên nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ kết hợp với phát triển du lịch để nâng giá trị tăng thêm. Thứ hai, Cẩm Thanh là vùng quê sông nước sinh thái, một đặc điểm tự nhiên hiếm có đối với Hội An đã tạo tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn  xã. Chúng tôi chọn thêm một hướng đi nữa, ngoài kêu gọi các nhà đầu tư về đầu tư tại Cẩm Thanh thì phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”.

Trong cơn lốc đô thị hóa diễn ra với tốc độ chóng mặt, người dân vùng ven đô Hội An vẫn bình tĩnh chọn ra hướng đi thích hợp, biết khơi dậy tiềm năng, thế mạnh để nâng cao hiệu quả sản xuất, giữ gìn mảnh vườn, ruộng lúa, bờ ao vốn gắn bó từ bao đời, góp phần cho sự phát triển bền vững của thành phố trong thời hội nhập. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân, các hộ nông dân đã liên kết làm dịch vụ này. Các tour, tuyến du lịch khám phá làng quê - sông nước - biển đảo, các dịch vụ lưu trú homestay, các loại hình du lịch cộng đồng... đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo du khách đến với Hội An. “Những tour trải nghiệm gần đây đã đem lại hiệu quả rất tốt. Ví dụ “một ngày làm nông dân Trà Quế”, rồi cày bừa ở Cẩm Thanh, đi du lịch ven vùng nông thôn, rồi chuốt gốm, làm đèn lồng… Một số hoạt động mang tính trải nghiệm đối với du khách đem lại sự thích thú hấp dẫn cho nhiều người” - ông Trần Ánh - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hội An xác nhận.

Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong suy nghĩ và hành động của một bộ phận không nhỏ người dân đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Đó là tư tưởng ỷ lại, trông chờ Nhà nước của một bộ phận người dân, thiếu mạnh dạn trong đầu tư sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp chưa mang tính hàng hóa cao, khả năng cạnh tranh thấp và giá trị tiêu thụ thiếu ổn định. Đó là kiểu làm “ăn xổi ở thì”, manh mún, chụp giựt, “mạnh được yếu thua”... Trong thời gian tới, cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm, việc chú trọng tạo thêm sản phẩm mới, nâng cao chất lượng và thương hiệu cho những sản phẩm làm ra cũng là hướng đi cần được các tầng lớp nhân dân vùng ven đô quan tâm hơn nữa. Rau Trà Quế vào được các siêu thị ở Đà Nẵng không chỉ do hương vị thơm ngon đặc biệt mà còn nhờ yếu tố an toàn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Vậy cá Hội An và những hàng hải sản vùng biển ngang Cửa Đại vốn đã có tiếng là tươi ngon cũng có thể là “cá, hải sản an toàn”, tăng thêm uy tín cho khách hàng! Hoa, cây cảnh của người làm vườn Hội An muốn tạo dựng uy thế cạnh tranh vững chắc hơn thì không chỉ đảm bảo đẹp mà còn phải đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu đa dạng của thị hiếu người “chơi”.

Mục tiêu sự phát triển bền vững là xây dựng Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch, lấy xây dựng thành phố sinh thái và văn hoá làm nền tảng và động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Các lĩnh vực sản xuất vì thế phải gắn với bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường sống (không sử dụng hóa chất độc hại, khai thác bừa bãi nguồn tài nguyên), không làm thu hẹp diện tích làng quê, sông nước và biến dạng cảnh quan sinh thái. Người dân ở vùng ven Hội An vì vậy càng không thể đứng ngoài cuộc các hoạt động vì môi trường như: xây dựng gia đình, thôn-khối phố, xã phường văn hóa, xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc lá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường trồng cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi ni lông...

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản phẩm dịch vụ vùng ven đô Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO