Với 206 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao giai đoạn 2018 - 2020, Quảng Nam trở thành địa phương có số lượng sản phẩm được công nhận nhiều nhất khu vực miền Trung – Tây Nguyên và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ, đòi hỏi các ngành, địa phương cùng những bên liên quan thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp.
Hạn chế trong phát triển sản phẩm
Sau hơn 1 năm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm chả nấm bào ngư và snack nấm bào ngư của hộ ông Nguyễn Chương (Điện Thắng Nam, Điện Bàn) tiêu thụ vẫn khá ít, chủ yếu bán lẻ cho những khách hàng quen. Bình quân mỗi tháng ông Chương xuất ra thị trường 200 – 300 gói (trọng lượng 40g/gói). Nguyên nhân là thiếu nguồn nguyên liệu và không chủ động được thị trường, chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương phối hợp Sở NN&PTNT đã tổ chức 2 hội nghị kết nối đối tác OCOP nhằm kết nối các tổ chức, cơ sở kinh tế tham gia OCOP với những đối tác tiềm năng, đảm bảo cung ứng các dịch vụ về thiết kế, bao bì, xây dựng nhãn mác hàng hóa, máy móc, thiết bị công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh - quản trị; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm định chất lượng sản phẩm; cung cấp dịch vụ tín dụng; cung cấp nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất; xây dựng website; xây dựng và đăng ký thương hiệu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ...
Tương tự, sản phẩm vòng trầm hương của cơ sở Tâm An Thịnh Phát (Quế Trung, Nông Sơn) cũng khó mở rộng do thị trường hạn chế. Theo ông Lê Tiến Minh – chủ cơ sở Tâm An Thịnh Phát, khách hàng chính của sản phẩm chủ yếu từ Trung Quốc và khách du lịch. Thế nhưng, 2 năm nay, dịch Covid-19 bùng phát nhiều đợt kéo dài, du lịch đình đốn khiến sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nếu không muốn nói là bế tắc.
Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, giai đoạn 2018 - 2020 Quảng Nam huy động gần 281,5 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, chủ yếu là hỗ trợ các chủ thể xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, thiết lập nhãn mác – bao bì, đăng ký thương hiệu sản phẩm và nhiều phần việc khác. Nhờ vậy, 3 năm qua toàn tỉnh có 206 sản phẩm các loại của nhiều nhóm ngành hàng (gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất và trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn...) được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 179 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển sản phẩm OCOP ở Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Theo đó, phần lớn hộ sản xuất - kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP năng lực sản xuất nhỏ lẻ, trình độ và kiến thức quản trị hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường.
Nhiều chủ thể chưa ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, chủ yếu là sản xuất bán thủ công và thủ công. Các địa phương, đơn vị chưa quy hoạch xây dựng được vùng nguyên liệu để đảm bảo chủ động phục vụ sản xuất hàng hóa. Không ít chủ thể đăng ký tham gia chương trình cùng một loại sản phẩm với chất lượng và bao bì mẫu mã tương tự nên không mang ý tưởng mới, thiếu tính sáng tạo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, hầu hết địa phương còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP nhưng chưa tập trung khai thác hiệu quả. Cạnh đó, mẫu mã bao bì của không ít sản phẩm chưa thật ấn tượng; nhiều sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo; việc phân lô sản xuất để theo dõi, quản lý chất lượng sản phẩm chưa được chú trọng. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa thực sự mạnh...
Tạo dựng "chỗ đứng" trên thị trường
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công Thương phối hợp Sở NN&PTNT đã tổ chức 2 hội nghị kết nối đối tác OCOP nhằm kết nối các tổ chức, cơ sở kinh tế tham gia OCOP với những đối tác tiềm năng, đảm bảo cung ứng các dịch vụ về thiết kế, bao bì, xây dựng nhãn mác hàng hóa, máy móc, thiết bị công nghệ; đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh - quản trị; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm định chất lượng sản phẩm; cung cấp dịch vụ tín dụng; cung cấp nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất; xây dựng website; xây dựng và đăng ký thương hiệu; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ...
Trong 206 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2018 – 2020, có rất nhiều sản phẩm đã được đưa ra thị trường bằng nhiều kênh khác nhau như bán lẻ, online, cửa hàng, siêu thị… mang lại doanh thu khá cao.
Bà Nguyễn Thị Tố Nga – đại diện cơ sở sản xuất dầu mè đen và dầu phụng nguyên chất Nguyễn Thanh Toàn (Tiên Cẩm, Tiên Phước) cho biết, bình quân mỗi tháng cơ sở của bà xuất bán ra thị trường khoảng 30 nghìn chai dầu các loại. Hiện tại, sản phẩm của cơ sở đã được đưa vào các cửa hàng Mẹ & Bé, kể cả những siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Hầu hết chủ thể tham gia Chương trình OCOP cho rằng, để sản phẩm có vị trí vững chắc trên thị trường, ngoài chất lượng, mẫu mã thì việc kết nối giới thiệu sản phẩm là rất quan trọng. Những năm qua, một số sản phẩm như yến sào Đất Quảng, nước mắm Cửa Khe, mỹ phẩm thiên nhiên Hoa Mẫn Vy... đã bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng tại các siêu thị ở Đà Nẵng.
Qua khảo sát cho thấy, phần lớn chủ thể sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP đều tăng năng suất hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ. Doanh thu trung bình đạt 649 triệu đồng/sản phẩm/năm và lợi nhuận bình quân đạt 181 triệu đồng/sản phẩm/năm. So với trước khi tham gia Chương trình OCOP, doanh thu tăng gần 32% và lợi nhuận tăng 34%.
Đến nay, Quảng Nam đã hình thành được 10 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương. Một số sản phẩm OCOP 3 sao trở lên cũng đã có thể thâm nhập các siêu thị nhưng số lượng còn hạn chế.
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận, sản phẩm OCOP của tỉnh dù số lượng nhiều nhưng chưa mang đậm nét Quảng, hàm lượng khoa học kỹ thuật, tính mới - sáng tạo chưa rõ nét, chưa sản phẩm nào được xây dựng, phát triển thành thương hiệu Quảng Nam, quốc gia và quốc tế. Nguyên nhân là chưa có chiến lược phát triển, chủ yếu manh mún, do đó phải nâng tầm sản phẩm OCOP.
Theo ông Dự, sắp tới Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh lựa chọn những sản phẩm OCOP tiêu biểu để đầu tư có trọng điểm, sử dụng các nguồn từ hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chứng nhận ISO, khuyến công… tập trung đầu tư vào một số sản phẩm tiềm năng nhằm thúc đẩy phát triển mạnh, tránh dàn trải, chia về nhiều ngành.
“Nhà nước cũng cần tạo chính sách, đất đai, nguồn nguyên liệu để cho doanh nghiệp yên tâm phát triển sản phẩm. Khi có đất đai, chủ động nguồn nguyên liệu thì đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp sẽ ổn định” – ông Dự nói thêm.
Xây dựng sàn thương mại điện tử
Thời gian qua, tỉnh cũng đã hỗ trợ một số sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường hiệu quả bằng nhiều cơ chế, nhất là chú trọng vào nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, QR code… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Ông Đặng Bá Dự khẳng định, trong 5 năm tới thị trường đầu ra của sản phẩm OCOP Quảng Nam sẽ là TP.Hồ Chí Minh, do nơi đây đã xây dựng được mạng lưới tốt, nhất là đã kết nối được với Hiệp hội doanh nhân Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh (QNB). Đồng thời tỉnh cũng đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại TP.Hồ Chí Minh tổ chức các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, sẽ chú trọng thị trường trong tỉnh gắn với một số điểm kinh doanh thương mại, điểm dừng chân (trong 46 điểm giới thiệu OCOP theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh); làm việc với siêu thị Coopmart để có gian hàng riêng về OCOP Quảng Nam; tổ chức các hội chợ, triển lãm theo chủ đề; đưa hàng vào các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ, hướng tới tổ chức các năm OCOP, quý OCOP, tháng OCOP và tuần OCOP.
Sở Công Thương sẽ chủ công xây dựng sàn thương mại điện tử để giới thiệu, liên kết cung cầu, kết nối sản phẩm và người tiêu dùng. Tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về OCOP.
Xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng kết nối cung cầu sản phẩm OCOP cho giai đoạn 2021 - 2025 để trình UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo thực hiện đảm bảo trọng tâm, trọng điểm.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng người tiêu dùng, hưởng ứng “Người Việt Nam tiêu thụ hàng Việt Nam”. “Vấn đề đáng quan tâm nhất là phải chú trọng phát triển thị trường nội địa gắn với thương mại điện tử” - ông Dự nhấn mạnh.