Từ năm 2018, Bộ Y tế và dự án tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia có sự chuyển đổi sử dụng vắc xin trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, chuyển đổi 3 vắc xin mới gồm sởi - rubella do Việt Nam sản xuất, vắc xin 5 trong 1 ComBe Five do Ấn Độ sản xuất và đưa vắc xin bại liệt vào chương trình TCMR. Đến nay, Quảng Nam đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi này.
Đưa trẻ đi tiêm phòng tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: C.N |
Đảm bảo nguồn cung
Theo bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phần, hiệu quả, nói chung là “bản chất” của vắc xin thay thế các loại vắc xin đang dùng là tương tự và điều này đã được kiểm chứng. Do đó, sắp tới đây, người dân có thể yên tâm khi sử dụng vắc xin mới thay thế. Hiện tại, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo cho ngành y tế các huyện tổ chức thông tin, tuyên truyền cho người dân hiểu về các loại vắc xin mới trước khi triển khai thực hiện... Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết thêm, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin sởi - rubella nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Sau khi triển khai thí điểm tại 4 tỉnh, thành phố trong cả nước, cho thấy tính an toàn tương tự như vắc xin sởi - rubella đã sử dụng trong giai đoạn 2014 - 2016. Nên theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2018 này, vắc xin sởi - rubella (viết tắt là MRVAC) do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc thay cho vắc xin sởi - rubella nhập khẩu. Do tính chất vắc xin tương tự như nhau nên lịch tiêm, liều lượng, bảo quản... không thay đổi và được áp dụng trên toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng đến 24 tháng tuổi.
Đối với việc chuyển đổi vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin Quinvaxem), theo bác sĩ Huỳnh Công Quang, trong 7 năm qua, chương trình TCMR đã sử dụng vắc xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, đến nay nhà sản xuất Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngừng sản xuất loại vắc xin này. Số vắc xin Quinvaxem còn lại sử dụng đến hết tháng 5.2018. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 (do Ấn Độ sản xuất) tương tự về thành phần và hiệu quả dự phòng. Theo kế hoạch, sau khi triển khai thí điểm tại 4 tỉnh Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định và Kon Tum, Bộ Y tế sẽ triển khai trên quy mô toàn quốc từ tháng 8.2018. Do tính chất giữa 2 loại vắc xin là tương tự nhau, gồm 5 thành phần là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib nên trong quá trình chuyển đổi triển khai, trẻ em dưới 1 tuổi vẫn được tiêm và tính là mũi tiêm tiếp theo, song cần lưu ý tiêm bù cho trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm vắc xin Quinvaxem từ tháng 5.2018 đến trước thời điểm triển khai tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib. “Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện dần dần. Khi nào hết vắc xin Quinvaxem, sẽ thay thế bằng loại vắc xin mới do Ấn Độ sản xuất nên hy vọng sẽ đủ vắc xin cung cấp cho người dân” - bác sĩ Trần Văn Hoàn nói.
Chú trọng vùng cao
Năm 2018, Quảng Nam phấn đấu đạt các chỉ tiêu về tiêm chủng trong chương trình TCMR như sau: tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (bạch hầu, ho gà, uốn ván, hib, viêm gan B, lao, bại liệt và sởi) cho trẻ dưới 1 tuổi đạt hơn 95% theo quy mô xã; tiêm viêm gan B sơ sinh đạt hơn 70%; tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, sởi - rubella và bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) cho trẻ từ 18 - 24 tháng đạt hơn 92%; tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ (VAT) 2(+) cho phụ nữ mang thai đạt hơn 92%. Đồng thời phấn đấu đạt các chỉ số về phát hiện liệt mềm cấp, chết sơ sinh và sốt phát ban nghi sởi/ rubella. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, từ tháng 5.2016 vắc xin bại liệt uống bOPV (gồm 2 týp là týp 1 và 3) được thay thế cho vắc xin bại liệt uống tOPV (gồm 3 týp là týp 1, 2 và 3). Để duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, cùng với việc tiếp tục cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV, từ tháng 7.2018, Bộ Y tế sẽ đưa vắc xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào chương trình TCMR nhằm bổ sung vi rút bại liệt týp 2.
Bác sĩ Huỳnh Công Quang thông tin thêm, do Quảng Nam có 6 huyện miền núi cao khó khăn, nên ngoài những chuyển đổi 3 loại vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên, theo kế hoạch của dự án TCMR quốc gia, trong năm 2018 Quảng Nam còn triển khai thêm 3 chiến dịch tiêm chủng bổ sung. Đó là chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 3 cho trẻ từ 6 đến 15 tuổi tại huyện Tây Giang (trong năm 2017 đã tiêm 2 mũi vắc xin loại này cho 3.817 trẻ từ 6 đến 15 tuổi; năm 2018 đối tượng này cần được tiêm mũi 3 vắc xin viêm não Nhật Bản); chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi vùng nguy cơ cao triển khai tại 6 huyện miền núi cao Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My với khoảng 29.468 trường hợp; và chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 4 tuổi vùng nguy cơ cao (tại 6 huyện miền núi cao) với khoảng 18.900 trường hợp.
CHÂU NỮ