Sẵn sàng vào vụ tết

PHƯƠNG NAM 24/01/2018 12:02

Như thường lệ, đầu tháng Chạp, các cơ sở sản xuất bánh cổ truyền, các vườn hoa quanh khu vực thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) lại hối hả tăng cường nhân lực, vật lực để chuẩn bị sản phẩm phục vụ Tết Mậu Tuất 2018.

Ông Nguyễn Đức Tám - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng ở khu 2, cho biết, từ rằm tháng 11 âm lịch, cơ sở của ông bắt đầu gia tăng sản xuất để phục vụ nhu cầu dịp tết. Ngày thường, cơ sở chỉ sản xuất trung bình 30kg bánh tráng khô nhưng trong những ngày cận tết, lượng bánh xuất tăng hàng chục lần. Hiện mỗi ngày cơ sở phải dùng đến 500kg gạo để sản xuất bánh tráng. Ngoài ra, cơ sở còn duy trì sản xuất sợi phở khô và mì tươi cung cấp cho các quán ăn hằng ngày. Ông Tám chia sẻ, nhờ phối hợp nhiều loại gạo khác nhau nên bánh tráng của cơ sở có độ dẻo dai, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Cơ sở của ông Tám sử dụng lò sấy khép kín nên giá thành sản phẩm cao hơn một số cơ sở khác. Đổi lại, bánh tráng ở đây ít bị bám bụi bẩn, chất lượng rất ổn định, có nhiều khách hàng mua sỉ, nhiều người xa quê thường ghé mua để làm quà. Để chuẩn bị cho dịp tết, ông Tám đã dự trữ hàng chục tấn gạo các loại, thuê 7 - 8 nhân công lao động làm việc liên tục hàng ngày.

Ghé thăm cơ sở sản xuất bánh tổ tại khu 7, chúng tôi được chủ cơ sở Lê Phước Chín chia sẻ, ông đã sẵn sàng cho vụ bánh tết. Thường ngày, cơ sở này chỉ xuất xưởng 15 - 20 chiếc bánh, nhưng vào dịp tết, nhu cầu mua bánh tổ để thờ cúng, làm quà biếu tăng cao nên cơ sở cũng tăng cường sản xuất. Khác với các loại bánh khác, bánh tổ không thể bảo quản được lâu nên vào khoảng 20 tháng Chạp mới bắt đầu làm bánh tết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Chín đã dự trữ hơn 1 tấn nếp, hơn 1 tấn đường để chuẩn bị cho dịp tết. Ngoài ra, ông cũng đã thuê hơn 10 nhân công, đặt mua lá chuối tươi và mua sắm một số vật liệu cần thiết khác như rọ tre, củi đun... để sản xuất bánh tổ với số lượng lớn. Ông Chín cho hay, quy trình sản xuất bánh tổ khá đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được bánh ngon. Ngoài việc chọn loại nếp, loại đường, tỷ lệ phối trộn thì phải có kinh nghiệm trong việc tính kỹ thời gian hấp bánh, nếu không sẽ dễ cho ra những chiếc bánh “sống”, không đạt chất lượng.

Cũng như nhiều cơ sở sản xuất bánh cổ truyền khác ở Đại Lộc, cơ sở bánh in của chị Nguyễn Thị Huệ ở khu 5, cũng đã tăng số lượng bánh in bột đậu xanh hàng ngày ngay từ đầu tháng Chạp. Cùng với đó, một số lượng khá lớn đậu xanh, đường kính cũng đã được đưa về dự trữ để khoảng ngày 20 tháng Chạp bắt tay vào làm bánh hạt sen, liên tục cho đến tết.

Tết cũng là cơ hội tăng thu nhập của các vườn hoa quanh khu vực thị trấn Ái Nghĩa. Dạo quanh khu 8 có thể nhận ra nhiều vườn hoa cúc, hoa mai đang hé nụ để chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Các vườn hoa ở đây tuy không lớn nhưng cũng góp phần giải quyết nhu cầu hoa tươi dùng cho việc cúng bái, trang hoàng của người dân địa phương trong dịp tết. Ông Nguyễn Văn Chế cho biết, ông có hơn 2 sào đất, chia thành 4 lô, mỗi lô nửa sào để luân phiên trồng hoa cúc bán quanh năm. Thông thường, khi ông bán hết hoa ở lô này cũng là lúc đến kỳ lô khác nở hoa. Riêng vụ tết, tất cả diện tích đất được đồng loạt xuống giống để cho ra lứa hoa với số lượng lớn. Theo đó, đầu tháng 10 âm lịch, ông Chế xuống giống cho cả 2 sào đất. Ông Chế cho hay, cái thuận lợi năm nay là năm nhuận, lũ kết thúc sớm nên đất kịp khô ráo cho vụ hoa tết. Tuy nhiên gần đây, thời tiết mưa kéo dài liên tục và có những đợt rét khiến hoa phát triển không đẹp. Ngoài ra, đây là vùng đất thịt nên bộ rễ cây không phát triển mạnh, lại thêm một số bệnh thường xuất hiện trên hoa cúc nên việc chăm sóc hết sức vất vả. Mặc dù vậy, với kinh nghiệm hơn 30 năm trồng hoa, đến thời điểm này, hơn 2 vạn cây hoa cúc của ông Chế đã đồng loạt hé nụ, hứa hẹn một vụ hoa tết bội thu.

PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng vào vụ tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO