Năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới. Để hiểu rõ hơn về mức đóng, quyền lợi, vướng mắc trong thực hiện Luật BHYT, Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.
PV: Thưa ông, đầu năm học 2015 - 2016, phụ huynh và HSSV trong cả nước đều có phản ứng đối với mức thu BHYT theo Luật BHYT mới. Tại Quảng Nam, tình hình thu BHYT HSSV được thực hiện như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Hà: Trước hết, Luật BHYT mới tiếp tục khẳng định BHYT là một chính sách xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Phụ huynh và HSSV phản ứng vì mức thu năm này cao hơn năm ngoái, mức đóng của HSSV tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở/tháng (1.150.000 đồng). Theo Thông tư 41 Liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, trong đó quy định từ năm 2015 thu tiền tham gia BHYT theo năm tài chính chứ không theo năm học. Như vậy, nếu như trước đây thu theo năm học từ ngày 1.10 năm trước đến 30.9 năm sau (12 tháng) thì năm nay thu theo năm tài chính nên phải dồn thời gian thu lên 15 tháng (tức từ 1.10.2015 đến 31.12.2016). Sau khi được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% (tương đương 232.875 đồng), HSSV sẽ đóng trên 543.000 đồng cho 15 tháng. Tuy nhiên, Quảng Nam không thu 15 tháng mà chỉ thu 12 tháng như cách thu cũ, vậy mức đóng là 434.700 đồng. Mức này cao hơn năm ngoái, nhưng không cao vọt như cách thu 15 tháng nên cơ bản phụ huynh và HSSV không có phản ứng như ở các tỉnh thành khác.
Học sinh sinh viên tiếp tục là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: D.L |
PV: BHXH tỉnh đã có cách làm như thế nào để phụ huynh, HSSV hiểu và tham gia tốt, thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Hà: Trước khi vào năm học mới, BHXH tỉnh phối hợp với các huyện tuyên truyền chính sách mới đến tận xã, với từng người dân. Và BHXH cũng phối hợp với các ngành khác liên tục tuyên truyền về chính sách mới. Ở cơ sở thì các huyện liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Lúc tuyên truyền như thế, rất nhiều ý kiến thắc mắc của người dân về mọi mặt của BHYT đều được giải đáp cặn kẽ. Vì thế mà người dân hiểu chính sách mới, có tâm thế chuẩn bị trước nên không bị bất ngờ về mức đóng BHYT HSSV theo Luật BHYT mới. Đây chính là khâu quan trọng mà chúng tôi đã thực hiện trước khi thực thi Luật BHYT.
PV:Mặc dù vậy, vẫn còn số đông các trường học cũng như phụ huynh phàn nàn về quyền lợi khi tham gia BHYT. BHXH tỉnh sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Ngọc Hà: Phần đông ý kiến của các trường tập trung vào nguồn kinh phí trích lại từ nguồn thu BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. Để sử dụng được nguồn kinh phí này, các trường phải có cán bộ y tế (chuyên trách, bán chuyên trách hoặc hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên), trình độ trung cấp y, và có phòng y tế thì mới đủ điều kiện tiếp nhận kinh phí này để thực hiện việc khám chữa bệnh ban đầu. Đây là khó khăn rất nhiều trường gặp phải, và cũng là vướng mắc của Luật BHYT, chúng tôi cũng đã có kiến nghị về khó khăn này lên Trung ương tháo gỡ nhưng hiện vẫn chưa giải quyết được. Trước mắt, BHXH tỉnh phối hợp với ngành giáo dục, y tế tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn cho các trường tập trung kiện toàn hệ thống y tế trường học theo quy định để có cơ sở tiếp nhận nguồn kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, về cả con người và trình độ chuyên môn. Bây giờ, hướng dẫn cho các trường quyết toán nguồn kinh phí của năm học trước và tiếp tục tiếp nhận nguồn kinh phí mới phát sinh để thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV theo đúng quy định.
PV: Trong thực tế, nhiều phụ huynh không tham gia BHYT cho con vì không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh BHYT. Ông nói sao về điều này?
Ông Phạm Ngọc Hà: Đúng là có nhiều phụ huynh vì ngại chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới nên không tham gia BHYT cho con em mình. BHXH tỉnh cùng với ngành y tế sẽ nghiêm túc khắc phục tình trạng này, về cả cung cách phục vụ bệnh nhân BHYT cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, từ chính nguồn thu BHYT được trích lại để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Chúng tôi rất hiểu để xã hội đồng tình với một chính sách thì chính sách đóng - hưởng cần công bằng, vì thế thu cao hơn thì chất lượng phải tốt hơn. Đặc biệt đối với học sinh, ở lứa tuổi hiếu động, rất dễ xảy ra rủi ro, tai nạn, việc tham gia không chỉ cần thiết đối với bản thân các cháu mà còn mang tính chia sẻ rủi ro cộng đồng cao. Đồng thời đây cũng là một phần quan trọng của quá trình tiến đến BHYT toàn dân mà chúng ta đang thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!
DIỄM LỆ (thực hiện)