Săn tôm dưới đáy biển

Phóng sự của THÀNH CÔNG 01/05/2018 10:36

Họ mất hút trong làn nước màu ngọc bích của biển. Ở đáy nước, với độ sâu chừng mười mét, những thợ lặn kỳ cựu của làng biển Thuận An (xã đảo Tam Hải, Núi Thành) bắt đầu một ngày mưu sinh với nghề đặc biệt: lặn bắt “tôm nhí”.

Thợ lặn gieo mình xuống nước, bắt đầu một đợt lặn bắt tôm nhí.Ảnh: P.G
Thợ lặn gieo mình xuống nước, bắt đầu một đợt lặn bắt tôm nhí.Ảnh: P.G

Cuộc dạo chơi dưới  đáy biển

Bình minh lấp lóa trên biển. Tháng tư, nhiều ngư dân bắt đầu chuyến lặn với lỉnh kỉnh đồ đạc, đi về phía bãi cát dài. Ở đó, thuyền đã chờ sẵn. Ngư dân Trần Văn Thủy (52 tuổi, thôn Thuận An) chất máy thổi khí và mớ ống dây, đồ lặn lên thuyền, cùng hai ngư dân khác dong khơi. Cách bãi đá Bàn Than chừng 5 cây số, thuyền thả neo, hai thợ lặn bắt đầu mặc áo lặn, đeo dây chì, kính và bộ đồ nghề gồm một que sắt nhỏ cùng chiếc bình con đựng tôm nhí (tôm hùm con), rồi nhảy ùm xuống nước. Chút bọt sóng trào lên, bóng người thợ lặn mất hút dưới dòng nước, chỉ còn lại ống thở dập dềnh theo con sóng.

Thôn Thuận An có đến 70% số hộ theo nghề lặn, với gần 350 thợ lặn bắt tôm nhí và khoảng 100 hộ làm nghề đánh bắt gần bờ và khai thác rong mơ. Đội thợ lặn của thôn có cả nam lẫn nữ, với thu nhập ổn định nhờ nghề lặn bắt tôm nhí. Đây cũng là địa phương cung cấp nguồn tôm hùm giống được các thương lái ưa thích, bán cho các hộ nuôi tôm hùm ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa…

Ông Thủy không rời mắt khỏi hai chiếc ống dây. Máy thổi khí nổ đều. Ông cẩn thận kiểm tra lại từng đoạn ống, khớp nối với máy thổi, rồi lại lia mắt sang đoạn ống đang nổi dập dềnh trên biển. Nhiệm vụ của ông là đảm bảo để hai ống dẫn khí luôn thẳng, không bị cuốn vào nhau, bởi chiếc ống nhỏ kia neo giữ cả mạng sống của hai thợ lặn đang lần tìm từng gềnh đá sâu dưới đáy biển. Ba mươi lăm năm sống với nghề lặn biển đủ để một người dạn dày kinh nghiệm như ông hiểu những rủi ro có thể xảy đến, nếu lơ là dù chỉ vài giây. “Thợ lặn sẽ đi trên từng tảng đá ngầm tìm tôm nhí. Dưới đáy biển, tôm nhí rất nhỏ, lại nấp kỹ trong từng hốc đá. Phải quan sát thật kỹ để phát hiện râu tôm, hoặc thân tôm trong từng kẽ đá, rồi dùng que sắt lùa bắt. Loài này có đặc điểm di chuyển rất chậm, nên cái khó nhất là tìm được tôm nhí, còn chuyện bắt thì đơn giản hơn, chỉ cần dùng tay bắt rồi cho vào chai nhựa” - ông Thủy nói, mắt vẫn không rời chiếc máy diezel sục khí và đoạn ống dây dẫn.

Con thuyền lắc lư theo sóng. Chỉ có tiếng máy nổ đều, và con nước vỗ vào mạn thuyền. Hai tiếng trôi qua trong thanh âm đơn điệu ấy. Ngư dân Trần Văn Ngân (con trai ông Thủy) bất chợt trồi lên mặt nước, giơ chiếc chai rỗng, anh Ngân khoát tay: “Nước đục quá, phải di chuyển chỗ khác chứ không thấy được”. Vài phút sau, ngư dân Lê Văn Phú cũng nổi lên mặt nước. May mắn hơn anh Ngân, trong chiếc chai nhựa của anh Phú có 3 con tôm nhí “rằn ri”. Họ thu dây, rồi di chuyển đến một đoạn biển khác. Đợt lặn đầu tiên, hai thợ lặn gặp phải trở ngại: con nước dưới đáy biển chảy mạnh. Đáy biển đục, thuyền đành dời đi nơi khác theo đề nghị của anh Ngân.

Thuyền nổ máy. Câu chuyện giữa chúng tôi và hai thợ lặn thi thoảng đứt quãng vì tiếng động cơ ầm ào và tiếng sóng. Anh Ngân kể, những điểm lặn thường có độ sâu chừng mười mét. Thợ lặn đi dưới đáy biển, nhưng cũng tùy thuộc vào con nước. Biển êm, nước trong thì dễ tìm thấy tôm nhí. Gặp những ngày sau khi biển động, dòng nước ngầm dưới đáy biển cuốn cát nổi đục ngầu, thợ lặn phải đến nơi đáy biển êm để tìm tôm nhí. “Thu hoạch thì hên xui, có bữa được đến vài chục con, cũng có bữa về tay trắng. Nói chung, một ngày kiếm được chừng mười con tôm nhí thì coi như chuyến lặn thành công” - anh Ngân nói.

Sinh tử với nghề

Thuận An là làng biển sản sinh ra nhiều thợ lặn thạo nghề bậc nhất đất Quảng, nhiều người đã có hàng chục năm lặn biển bắt tôm nhí. Thế nhưng, cái cách ông Thủy căng mắt dõi theo bình sục khí, cùng khoảng lặng suốt hai tiếng đồng hồ dập dềnh trên con sóng, đủ để cho chúng tôi hình dung về những hiểm nguy rình rập với nghề. Chúng tôi chưa kịp nhận ra một tín hiệu bất thường nào, thì ông lão đã lao về phía ống dây, ra sức kéo. Anh Ngân ngoi lên mặt nước, tháo kính lặn, thở mạnh. Sự cảnh giác của lão ngư dạn dày kinh nghiệm đã giải cứu cho anh con trai, khi máy bị sự cố thiếu khí. Phát hiện dấu hiệu, anh Phú cũng theo dây bơi ngược lên mặt nước, leo trở về thuyền. Ông Thủy bảo, anh Ngân sức khỏe không được tốt bằng anh Phú, thỉnh thoảng thường bị đau đầu, khó thở, là triệu chứng của những người lặn biển nhiều năm. Một chiếc thuyền đánh cá đi ngang, ông Thủy vẫy tay, sau đó điều khiển thuyền cập mạn, cho anh Ngân theo thuyền đánh cá vào bờ. Thuyền lại di chuyển, tìm một địa điểm tiếp theo để anh Phú tiếp tục đợt lặn mới.

Số tôm nhí rằn ri được bắt lên từ đáy biển.
Số tôm nhí rằn ri được bắt lên từ đáy biển.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là cuối mùa lặn tôm nhí. Số lượng tôm thời điểm này cũng ít hơn nhiều so với đầu mùa. Giá cả cũng tùy thuộc từng loại, đắt nhất là tôm rằn ri với giá chừng hai trăm đến hơn ba trăm nghìn đồng một con. Đầu mùa, thợ lặn có ngày kiếm được vài chục triệu đồng là chuyện thường. Ông Thủy kể, cách đây hai năm, có một thợ lặn trong thôn trúng đậm, kiếm được hơn 300 triệu đồng chỉ trong một chuyến lặn biển săn tôm nhí. Nhưng đổi lại, là những rủi ro mà đến những người có hàng chục năm lặn biển như ông Thủy vẫn phải e dè. Dưới đáy biển, ngâm mình hàng tiếng đồng hồ cùng áp suất nước lớn, thợ lặn bị chảy máu mũi, máu tai là chuyện thường. Có người vì quá ham bắt tôm nhí mà gắng gượng lặn lâu, rồi bị liệt, thậm chí mất mạng. Ông Thủy kể vanh vách những cái tên vắn số vì nghề lặn biển bắt tôm hùm. Chúng tôi hỏi, biết thế, sao ông và những ngư dân như anh Thủy, anh Phú vẫn lao xuống biển. Ông già cười, cái cười nhẹ như không, rằng sinh nghề tử nghiệp. Chuyện mưu sinh, đó cũng là cái giá phải trả cho nghề. Thợ lặn có chuyên nghiệp cỡ nào, nhiều khi cũng phải trả giá đắt vì không lường hết được những sự cố nảy sinh. Đành cẩn thận nhất có thể, và cũng phải biết tự lường sức mình. “Sinh mạng của thợ lặn, hơn một nửa nằm ở người hậu cần trực trên thuyền. Phải canh máy sục, tính toán lượng khí sao cho vừa đủ, tránh để ống dẫn khí mắc vào nhau và phải canh lái thuyền để ống sục khí không mắc vào chân vịt tàu khác. Thợ lặn phát hiện thiếu hơi, phải lập tức tháo dây chì để ngoi lên. Sơ suất là toi mạng” - ông Thủy nói.

Ngư dân Lê Văn Phú ngoi lên lần cuối cùng, sau 4 đợt lặn. Cuối chiều, gần tròn một ngày lênh đênh trên biển, có tổng cộng 10 con tôm nhí rằn ri được cho vào thùng xốp. Ông Thủy thu vén đồ nghề, rồi dong thuyền vào bờ. Trừ chi phí, mỗi ngư dân được khoảng 1 triệu đồng từ tiền bán tôm nhí. Thuyền lên bãi. Một chuyến biển bình yên, chúng tôi theo chân những ngư dân, trở về…

Phóng sự của THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Săn tôm dưới đáy biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO