Sản xuất hướng đến thị trường

VĂN SỰ 19/12/2014 09:27

Phát triển nông nghiệp hàng hóa là hướng đi tất yếu trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua huyện Đại Lộc đã dốc sức cho công tác này nhằm giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất.

Thực hiện xong khâu dồn điền đổi thửa và thi công đồng bộ hạ tầng thủy lợi, từ năm 2012 đến nay người dân thôn Phú Mỹ (xã Đại Minh) bắt tay vào việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn rồi liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa hàng hóa nhằm tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Bà Nguyễn Thị Ngọc – một người dân địa phương cho biết, mấy vụ gần đây bà và nhiều hộ dân khác trong vùng thường phối hợp với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình – Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên canh tác hàng chục héc ta giống lúa thuần BC15. “Được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên nhà nông chúng tôi rất yên tâm về chuyện đầu ra. Thực tế cho thấy, làm 1ha giống lúa này mỗi vụ thu được không dưới 53 triệu đồng, tăng 15 - 18 triệu đồng so với sản xuất lúa thương phẩm” – bà Ngọc chia sẻ.

Trồng chuối lùn chuyên canh, mỗi năm nông dân Đại Lộc thu về 130 - 160 triệu đồng/ha. Ảnh: VĂN SỰ
Trồng chuối lùn chuyên canh, mỗi năm nông dân Đại Lộc thu về 130 - 160 triệu đồng/ha. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho hay, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía nên thời gian qua nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được 27 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 1.257ha. Ông Mẫn nói: “Qua thống kê tại nhiều địa phương, năng suất lúa ở tất cả mô hình cánh đồng mẫu đều đạt từ 65 đến trên 70 tạ/ha, cao hơn so với những chân ruộng sản xuất đại trà khoảng 4 - 5 tạ/ha, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”. Theo ông Mẫn, ở các cánh đồng mẫu, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân bố trí sản xuất 204ha hạt giống lúa lai F1, còn lại canh tác hạt giống lúa thuần và lúa chất lượng cao có sự tham gia bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp.

Bên cạnh việc phát triển cây lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, những năm qua huyện Đại Lộc cũng chọn các loại cây trồng cạn làm hướng chủ lực nhằm tạo bước đột phá trên lĩnh vực nông nghiệp. Ông Trần Văn Bốn – chuyên viên Phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, tính đến thời điểm này nông dân toàn huyện đã hình thành được hàng nghìn mô hình chuyên canh cây chuối lùn theo phương thức sản xuất hàng hóa với tổng diện tích 650ha, nhiều nhất là tại xã Đại Hòa, Đại Hiệp và thị trấn Ái Nghĩa. Bình quân 1ha chuối lùn mỗi năm người dân thu về 130 - 160 triệu đồng. Đây thực sự là mô hình rất có triển vọng ở Đại Lộc.

VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sản xuất hướng đến thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO