Nhiều diện tích lúa gieo sạ vụ đông xuân bị ngập úng, nhiều vùng chuyên canh rau màu bị hư hỏng… là thực tế mà nông dân huyện Phú Ninh đang phải đối mặt do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Một hộ dân ở thôn An Hòa (xã Tam An) cần thận trải từng lớp rơm, ni lông đề phòng mưa làm hỏng luống cải mầm vừa mới gieo hạt. Ảnh: V.A |
Lỡ vụ rau tết
Xã Tam An là địa phương có diện tích trồng rau màu lớn của huyện Phú Ninh với khoảng 70ha. Đặc biệt, trên địa bàn có nhiều vùng được quy hoạch trồng rau chuyên canh lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như đồng Gò Sen, La Nghi ở thôn An Hòa, đồng rau diếp cá thôn An Thiện. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết cộng với điều kiện địa hình thấp trũng, việc sản xuất rau màu vụ đông xuân của xã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu vụ, nhiều cánh đồng chuyên canh rau gặp mưa lụt gây ngập úng, hư hỏng phần lớn diện tích. Mưa nhiều trong thời gian vừa qua tiếp tục cản trở bà con xuống giống, gieo trồng lại. Hy vọng vào một vụ rau tết thắng lợi xem như không còn với nhiều hộ dân trong xã.
Thời điểm này, cánh đồng chuyên canh rau Gò Sen không được nhộn nhịp, tất bật như mấy năm trước. Trên đồng không có nhiều nông dân làm việc; một vài đám ruộng còn bỏ hoang chưa canh tác trở lại vì đất ấm ướt. Những cây trồng có giá trị như dưa leo, khổ qua, bí đao… hầu như không có, mà chủ yếu là các loại rau ngắn ngày. Vợ chồng bà Đoàn Thị Hòa, một trong số ít những nông dân có mặt trên đồng đang cẩn trọng với luống cải mầm vừa xuống giống. Sau khi gieo hạt, vợ chồng bà trải phía trên 2 lớp rơm khô và ni lông để che chắn phòng trời mưa. “Trời nắng ráo thì không phải cực như ri. Cải mầm dễ trồng, xuống giống 7 ngày là có thu hoạch rồi. Nhưng đợt này mưa nhiều quá, phải làm như ri mới chắc chắn” - bà Hòa nói.
Không chỉ ngoài đồng, trong vườn nhiều hộ gia đình thôn An Hòa cũng không khả quan gì. Một số vườn khổ qua dây đã leo giàn, cho quả nhưng lại bị úa vàng, hư hỏng cũng vì mưa nhiều. Ông Huỳnh Tuấn Nhật - Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết, vụ rau đông xuân là thời điểm nông dân trong xã tập trung sản xuất lớn, vừa để cung cấp cho thị trường vừa phục vụ nhu cầu rau, củ quả tăng cao dịp tết. “Thời tiết thuận lợi, những năm trước có gia đình thu hàng chục triệu đồng vụ rau tết là bình thường. Nhưng năm nay thì hoàn toàn ngược lại, thời tiết bất lợi khiến cho việc trồng rau gặp khó khăn. Nhiều gia đình trông vào vụ rau tết để có tiền mua sắm, tiêu dùng, nhưng thời tiết lại không ủng hộ bà con” - ông Nhật nói.
Lúa ngập úng
Mặc dù lịch thời vụ đã qua khá lâu nhưng thời điểm này trên một số cánh đồng của huyện Phú Ninh vẫn còn cảnh nông dân đang tất bật gieo sạ lúa vụ đông xuân. Nhiều nông dân cho biết, do mưa nhiều gây ngập úng cục bộ nên một số diện tích gieo sạ bị hư hỏng phải sạ lại 3 - 4 lần. Số diện tích lúa bị ảnh hưởng tập trung nhiều nhất ở xã Tam An vì địa hình trũng thấp. Ông Huỳnh Tuấn Nhật cho biết tổng diện tích lúa vụ đông xuân phải gieo sạ lại lần thứ 3 khoảng 40ha, tập trung chủ yếu ở thôn An Thiện và An Thọ. Diện tích phải sạ lại, người dân không còn giống chuẩn mà buộc phải sử dụng giống lúa do mình trồng. Điều này có khả năng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ đông xuân.
Thực trạng lúa gieo sạ vụ đông xuân bị ngập úng, hư hại cũng được ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh xác nhận. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, diện tích lúa bị ngập, hư hỏng trên toàn huyện khoảng 100ha. Nhiều khu vực gần sông suối bị trôi giống, đến nay vẫn chưa thể sạ lại vì mưa kéo dài. Cùng với đó, việc sản xuất rau màu vụ đông của nông dân trong huyện cũng gặp không ít khó khăn vì mưa kéo dài. Ông Anh cho biết: “Huyện đang cho các địa phương thống kê thiệt hại, báo cáo tình hình sản xuất vụ đông xuân; đồng thời chỉ đạo địa phương vận động bà con nông dân kịp thời gieo sạ những vùng bị ngập khi nước rút và tích cực chăm sóc rau màu, cây trồng cạn”.
Trước tình hình dự báo thời tiết trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi có nhiều ngày rét kèm theo mưa, UBND huyện Phú Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng, con vật nuôi trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi. Theo đó, UBND huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn hỗ trợ bà con nông dân khắc phục những khó khăn sau mưa rét, tranh thủ thời tiết nắng ấm tiến hành gieo tỉa các loại cây trồng cạn; phòng trừ các đối tượng dịch hại nguy hiểm như chuộc, ốc bươu vàng, bọ trĩ, rầy nâu, rầy trắng hại lúa vụ đông xuân; vận động nhân dân tích cực vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh truyền nhiễm trên con vật nuôi;...
VINH ANH