Sáng kiến làm giàu từ du lịch

NAM KHA 31/05/2017 09:09

“Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện vùng sâu đất liền Quảng Nam” và “Hỗ trợ sản phẩm thủ công dấu ấn của di sản thế giới” được đánh giá là những sáng kiến, góp phần thúc đẩy tiến trình giảm nghèo thông qua con đường du lịch tại Quảng Nam. Tại kỳ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013, những sáng kiến này đã đi vào thực tế bằng những mô hình, sản phẩm cụ thể, và đến nay cũng phần nào cho thấy hiệu quả. Song câu hỏi liệu những mô hình, sáng kiến này có bền vững hay không vẫn còn đặt ra.

Khai trương làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013.  Ảnh: NGỌC ÂN
Khai trương làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V-2013. Ảnh: NGỌC ÂN

Dấu ấn từ các sáng kiến

Bữa tối ở nhà ông Nguyễn Nha tại làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn có đầy đủ sản vật địa phương. Mâm cơm có đủ màu sắc của chả trứng, thịt gà thả vườn, canh khổ qua, rau muống luộc và những chén cơm thơm dẻo mà hạt gạo lấy từ những mảnh ruộng quanh khu vực di sản. Ông Nha nói dù Công ty Du lịch Trà Kiệu đã không còn hợp đồng đưa khách đến, nhưng 5 căn phòng do ILO tài trợ cho 5 gia đình làm du lịch cộng đồng làng Mỹ Sơn vẫn có khách đến trú. Tổ nấu ăn vẫn có những đơn hàng. “Hướng dẫn viên” Võ Văn Xoa vẫn có những cuộc hướng dẫn khách thám hiểm rừng Mỹ Sơn. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cũng đã hoàn tất 2 căn nhà tranh, vách đất để đón khách theo kiểu homestay…

Tại Đông Giang, kể từ giữa năm 2013, hai căn nhà gỗ hai tầng của Briu Nheng và Pling Xéch dựng lên cách nhau 100m trên một mỏm đồi cao của làng Đhrôồng dường như luôn có khách, và họ rất vui vì điều đó. Còn Briu Đô ở làng Bhơ Hôồng - một cung thủ nổi tiếng, có niềm vui riêng khi bán được hàng mây tre. Briu Đô nói, khi Công ty TNHH Du lịch mạo hiểm Việt Nam xây dựng làng du lịch cộng đồng tại Bhơ Hôồng cam kết chỉ thu lợi từ chuyện mang khách theo tour và lưu trú, không bán thêm bất cứ sản phẩm nào cho khách. Những sản vật từ nước, thức ăn, hàng lưu niệm… đều sử dụng tại địa phương đã tạo cơ hội cho người làng. Sự hướng dẫn của các chuyên gia, những mẫu mã mới, cách điệu cho sản phẩm mây tre như khay trà, đĩa… đã giúp làng bán được rất nhiều hàng cho khách. Briu Đô nói người làng đã có thể sống được với nghề đan lát…

Nếu ILO tạo ra những ngôi làng cộng đồng mang theo hy vọng thay đổi sự mất cân bằng và chênh lệch quá lớn lượng khách đến đồng bằng và miền núi thông qua dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện vùng sâu đất liền Quảng Nam” thì UNESCO cũng đã tạo ra “dấu ấn sản phẩm thủ công mỹ nghệ”. Những nhà chuyên môn như Craft Link đã thiết kế một số sản phẩm mới. Họ tận dụng gỗ thừa, vụn, trang trí hoa văn kiến trúc đặc trưng của đô thị cổ; thử nghiệm các mẫu thuyền thu nhỏ, phát triển thành những món đồ trang trí mang đậm dấu ấn cuộc sống của cư dân vùng sông nước cho mộc Kim Bồng. Tăng giá trị sản phẩm đậm nét văn hóa Chăm của gốm Hạ (Điện Bàn), Duy Quá (Duy Xuyên) thông qua các hoa văn, họa tiết… mang sự tích đặc trưng. Kỹ thuật truyền thống gốm Thanh Hà kết hợp kỹ thuật thủ công mới trong tạo hình, tạo nên các sản phẩm cổ truyền như nồi đất, lọ hoa, con thổi và các sản phẩm mới như chân nến, chậu hoa… trên nền chất liệu nung màu đỏ đặc trưng của sản phẩm làng nghề.

Cần thêm thời gian

Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn đã gặt hái chút ít thành công từ dịch vụ nấu ăn trưa nhờ số lượng du khách đến Mỹ Sơn ngày càng lớn. Nhưng kinh doanh lưu trú qua đêm và các dịch vụ khác đòi hỏi nhiều thời gian hơn để phát triển. Hai ngôi làng còn lại là Bhơ Hôồng, Đhrôồng cũng cần thêm thời gian để tăng lượng khách đến. Dự án “Hỗ trợ sản phẩm thủ công dấu ấn của di sản thế giới” hướng tới việc hỗ trợ làng nghề tiêu biểu Quảng Nam định hướng lại sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa, tạo thu nhập cho cộng đồng địa phương xung quanh các di sản thế giới, thông qua việc tăng cường mối gắn kết giữa sản xuất sản phẩm thủ công và du lịch.

Có thể trong mắt các nhà kinh tế, những sáng kiến này vẫn chưa thể đem lại sự giàu có cho người dân địa phương và ít hiệu quả. Nhưng ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng các sáng kiến này chính là sự khác biệt, mang đến sinh khí mới hy vọng chấn hưng làng nghề và phát triển văn hóa làng. Các làng du lịch cộng đồng sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu cho các làng khác có tiềm năng phát triển du lịch phía tây Quảng Nam. Cho dù hiện tại những hoạt động của các sáng kiến này vẫn còn yếu ớt nhưng không thể phủ nhận chính các dự án này đã thực sự làm thay đổi quan niệm về kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số.

Có lẽ chưa bao giờ những người dân ở núi được biết đến các kỹ năng bán hàng, đàm phán, thương thảo, nấu ăn và cả cách tạo sự hấp dẫn của căn nhà để đón khách, khởi đầu cho cái nhìn mới về chuyện làm ăn cho những gia đình trên rẻo cao thông qua con đường du lịch (dù biết trên thực tế là chuyện không dễ dàng gì). Du khách cũng không cần phải vội vã trở lại thành phố cuối chiều hoặc ngược lên thị trấn P’rao để trú qua đêm nữa khi những gác trọ trên non đã được mở. Không chỉ Briu Nheng nói vui rằng nhà của anh, anh đâu có đầu tư gì. Người ta đã đầu tư một nhà vệ sinh, khách tới ở thì tốt, không thì cũng chẳng sao, đâu có mất cái gì. Hay ALăng Đức, ATing Pay khởi sự kinh doanh của mình bằng việc mở quán cà phê ngay cạnh một trong các hộ lưu trú ở khu vực giữa làng Bhơ Hôồng. Hoặc một Đinh Thị Thìn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho dân làng, với sự giúp đỡ của giáo viên tình nguyện Canada và Anh quốc. Chị Thìn cũng đã lập nên một cuốn sổ tay “Tiếng Anh căn bản cho du lịch dựa vào cộng đồng” với các từ, câu đơn giản… Tất cả điều đó đã là một sự thay đổi không thể ngờ được chỉ chừng vài năm qua khi các sáng kiến này khởi sự

Ông Đinh Hài nói, hiện sự liên kết giữa chính quyền sở tại, người sản xuất và doanh nghiệp về lợi ích vẫn là câu chuyện đau đầu của các cơ quan quản lý. Sự hợp tác, liên kết giữa nghệ nhân, cơ sở làng nghề và doanh nghiệp du lịch vẫn còn kém. Nhất là việc tìm kiếm thị trường thích hợp. Còn du lịch cộng đồng, so với 2 làng du lịch cộng đồng miền núi, làng Mỹ Sơn khó khăn hơn. Chỉ có những người ưa khám phá văn hóa Chăm hay “khai quật” quá khứ mới tính chuyện ở lại, những vị khách khác sẽ chọn nơi đô hội để vui chơi, nên du lịch cộng đồng Mỹ Sơn chưa phát triển mạnh cũng là chuyện thường. Các sáng kiến này phải được chính người thụ hưởng và chính quyền sở tại tự tìm cách phát triển. Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích cụ thể hơn để giúp các sáng kiến làm giàu du lịch này thoát khỏi những khó khăn để trở thành một trong những động lực giảm nghèo thông qua con đường du lịch.

NAM KHA

_____________________

Tác phẩm tham dự cuộc thi "Đồng hành với di sản Quảng Nam"

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sáng kiến làm giàu từ du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO