Sắp xếp, di dời tiểu thương xung quanh chợ Tam Kỳ: Đi rồi lại về

XUÂN TRƯỜNG 03/04/2018 12:04

Việc hình thành chợ đêm Tam Kỳ cùng những giải pháp hoàn thiện hạ tầng, miễn tiền thuê mặt bằng ban đầu tại các đình chợ chính và chợ phụ của chợ Vườn Lài (phường An Sơn) là để di dời tiểu thương buôn bán khu vực xung quanh chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa) đến buôn bán, kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, chợ vắng người mua nên chỉ trong thời gian ngắn, tiểu thương đã trở về chỗ cũ - vỉa hè, lòng đường - để buôn bán, gây mất trật tự đô thị, an toàn giao thông.

Nơi mới vắng khách, tiểu thương lại trở về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Bạch Đằng (phía sau chợ Tam Kỳ) vừa hoàn thiện hạ tầng để buôn  bán.  Ảnh: X.T
Nơi mới vắng khách, tiểu thương lại trở về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường Bạch Đằng (phía sau chợ Tam Kỳ) vừa hoàn thiện hạ tầng để buôn bán. Ảnh: X.T

Chợ đêm vắng khách

Đưa vào hoạt động từ cuối tháng 12.2017, chợ đêm Tam Kỳ (nằm ở khu vực trước sân chợ Vườn Lài) với nhiều gian hàng giày dép, quần áo, không gian ẩm thực, văn hóa văn nghệ… Thời gian đầu khách đến khá đông đúc nên các gian hàng lấp đầy. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán 2018 đến nay tình hình kinh doanh buôn bán tại đây trở nên ế ẩm. Nếu như trước tết có gần 100 sạp hàng được kinh doanh, bày bán thì nay chỉ còn trên dưới 10 sạp hàng khi sức mua của người dân gần như không có. Chị Lê Thị Hoa - một trong số ít tiểu thương còn nán lại buôn bán tại chợ đêm Tam Kỳ nói: “Từ 4 giờ chiều tôi đã bày hàng ra bán đến 10 giờ đêm, nhưng gần như đêm nào cũng chỉ bán được khoảng 100 nghìn đồng. Tôi cầm chừng lại đây để buôn bán vì còn tiếc tiền thuê mặt bằng ban đầu chứ có lời lãi gì đâu”.

Trong khi đó, không gian ẩm thực và văn hóa văn nghệ tại khu vực chợ đêm Tam Kỳ sau những ngày ảm đạm nay cũng đã “đóng cửa”. Ông Nguyễn Huy Thành - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ nói, từ sau tết đến nay chợ đêm Tam Kỳ bắt đầu dần vắng khách nên các tiểu thương bỏ trống ki ốt không buôn bán. Ngoài tiền thuê mặt bằng ban đầu 12,6 triệu đồng/ki ốt trong 2 năm, mỗi đêm bán, tiểu thương phải đóng phí điện, nước, vệ sinh môi trường 25.000 đồng. Nhiều tiểu thương bán không đủ lãi để trả tiền phí hằng đêm nên đành bỏ trống ki ốt. Không có người bán nên khách đến chợ vốn đã ít lại càng thêm vắng. “Chúng tôi đã có buổi làm việc với công ty Triều Phát, là đơn vị đầu tư thực hiện và quản lý chợ đêm Tam Kỳ. Trong đó có bàn về những bất cập tại chợ đêm hiện nay như chính sách thu phí điện nước hàng đêm quá cao, chưa có giải pháp hiệu quả thu hút khách hàng, không đổi mới hình thức văn hóa, văn nghệ, không gian ẩm thực. Và đề nghị công ty xây dựng phương án, giải pháp cụ thể để đông chợ trở lại. Nhưng đến nay công ty vẫn chưa phản hồi” - ông Thành nói. Theo ông Nguyễn Văn Duyên - Phó Trưởng ban quản lý chợ Tam Kỳ, chợ đêm Tam Kỳ đưa vào hoạt động dịp trước tết nên đông khách vì đúng thời điểm có sức mua cao, hơn nữa nhiều người đến vì tò mò. Tuy nhiên, hiện nay khách hàng chủ yếu là sinh viên nên sức mua thấp. Do vậy, nếu đơn vị đầu tư không có chính sách đổi mới mặt hàng, hình thức kinh doanh thì sẽ khó thu hút khách trở lại.

Lại bán hàng ở vỉa hè, lòng đường

Việc hình thành chợ đêm Tam Kỳ cùng những giải pháp hoàn thiện hạ tầng, miễn tiền thuê mặt bằng ban đầu tại các đình chợ chính và chợ phụ của chợ Vườn Lài là để di dời 160 tiểu thương thuộc các ngành hàng: rau sỉ đêm, rau bênh kênh ADB, hàng tôm hồ, cá tại chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa) đến buôn bán, kinh doanh ổn định. Tuy nhiên, chợ vắng người mua nên hầu hết tiểu thương trở về lại chỗ cũ để buôn bán. Do không có vị trí, địa điểm ổn định, nhiều người lại lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, gây mất trật tự đô thị, an toàn giao thông.

Theo ghi nhận, con đường bên cạnh tuyến kênh ADB sau chợ Tam Kỳ (thuộc tổ 25, khối phố 4, phường Phước Hòa) từ 4 giờ sáng đến tối chật kín tiểu thương buôn bán các mặt hàng: chuối già, dưa muối, mắm, hàng khô, rau sỉ và lẻ. Trong khi đó, đoạn đường Bạch Đằng (giai đoạn 2) đi qua sau chợ Tam Kỳ cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng nay lại bị tiểu thương lấn chiếm vỉa hè để buôn bán hàng cá tôm, gây mất an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Một tiểu thương buôn bán rau lẻ dọc tuyến kênh ADB cho hay: “Thực hiện theo chủ trương chung, chúng tôi đã di dời lên chợ An Sơn từ trước tết. Thời điểm đó buôn bán cũng được. Nhưng sau tết chợ Vườn Lài vắng khách dần nên chúng tôi phải về lại đây để bán. Nếu bây giờ di dời lên lại phải kéo theo ngành hàng cá, tôm thì mới có khách mua rau được”.

Ông Nguyễn Văn Duyên - Phó Trưởng ban quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, trước tình hình buôn bán, kinh doanh xung quanh khu vực chợ Tam Kỳ có dấu hiệu phức tạp, đơn vị đã tiếp tục xây dựng phương án di dời các nhóm ngành hàng từ chợ Tam Kỳ trở về buôn bán tại chợ Vườn Lài. Trong đó có 120 tiểu thương hàng rau củ quả kinh doanh vào ban đêm và buổi sáng cạnh kênh ADB; 10 tiểu thương hàng cá đông lạnh và 30 tiểu thương hàng tôm hồ kinh doanh từ 3 - 8 giờ sáng tại đường Bạch Đằng. Riêng các trường hợp buôn bán hàng dưa muối, mắm, hàng khô, chuối già… sẽ được sắp xếp gọn tại khu vực bờ kè ADB để trả lại lòng đường dẫn vào khu dân cư. “Trong thời gian tới, ngoài việc vận động bà con tiểu thương di dời, sắp xếp ổn định. Chúng tôi sẽ phối hợp với các lực lượng công an, đội quy tắc đô thị thành phố xử lý nghiêm trường hợp tiểu thương lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán” - ông Duyên nói.

XUÂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp, di dời tiểu thương xung quanh chợ Tam Kỳ: Đi rồi lại về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO