Khu vực biển đảo Quảng Nam đang chịu xói lở, xâm thực và ô nhiễm. Bên cạnh nguyên nhân từ thiên tai còn có các hoạt động thiếu kiểm soát của con người.
Mối nguy từ bờ
|
Sạt lở gây biến dạng bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An), Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) hay Cửa Lở (Núi Thành) đang là nỗi lo của nhiều người dân. Mất đi nhiều diện tích bờ biển do xâm thực đã khiến các hoạt động kinh tế - xã hội ở đây đối diện với nhiều nguy cơ, trước hết là thiếu an toàn về chỗ ở. Trong khi đó, nếu như tại Hội An, công trình chắn sóng được triển khai tương đối hiệu quả thì tại nhiều khu vực khác, hoặc chưa xây dựng kè chắn sóng hoặc kè chắn sóng nhanh chóng bị hư hỏng. Từ năm 2008 đến nay, kè chắn sóng bảo vệ bờ biển qua 4 thôn Hạ Thanh 1, Hạ Thanh 2, Trung Thanh, Thượng Thanh của xã Tam Thanh bị sạt, hư hỏng nhiều chỗ. “Xã đã nhiều lần báo cáo UBND TP.Tam Kỳ về tình trạng này. Người dân địa phương rất bất an, nhất là mỗi mùa biển động nhưng không thể làm được gì hơn” - ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết.
Sạt lở gây biến dạng bờ biển Quảng Nam.Ảnh: QUANG VIỆT |
Ngoài sạt lở thì tình trạng bồi tụ cũng xảy ra ở nhiều vùng biển. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình không thể ra khơi do cửa biển Cửa Đại bị bồi lấp. Sự bồi lấp này ngày càng dẫn sâu vào bên trong khi âu thuyền Hồng Triều (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cũng bị cạn luồng lạch khiến phương tiện khai thác hải sản của ngư dân khó vào neo đậu. Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tại các xã Bình Dương (Thăng Bình) và Duy Nghĩa (Duy Xuyên), nhiều ngư dân khẩn thiết đề nghị tỉnh có giải pháp căn cơ, lâu dài để khai thông luồng lạch giúp ngư dân an tâm sản xuất.
Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Tổng cục Biển & hải đảo về công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đảo mới đây, bà Nguyễn Hoàng Yến - Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam cho biết, bờ biển Quảng Nam luôn phải “đón nhận” nhiều mối nguy. Đó là tình trạng xả thải chưa qua xử lý của các hoạt động nuôi tôm nước lợ hay sản xuất công nghiệp và dịch vụ du lịch. “Ngoài những mối nguy từ tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu, bờ biển Quảng Nam cũng bị tác động xấu bởi nhiều hoạt động kinh tế - xã hội. Quy hoạch phát triển và khai thác tài nguyên chưa hợp lý cũng gây nhiều áp lực xấu lên vùng bờ biển của tỉnh” - bà Yến nói.
Ở nhiều bến cá, chất thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp vào biển.Ảnh: P.THẢO |
Ô nhiễm vùng biển
Ngoài tài nguyên hải sản, vùng biển Quảng Nam có tính đa dạng sinh học cao, là nơi trú ngụ của san hô, cỏ biển và nhiều loài nhuyễn thể có giá trị khác. Cụm đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) đã được đầu tư xây dựng thành khu bảo tồn biển tiêu biểu của cả nước và được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Tuy nhiên, các cuộc quan trắc môi trường biển trong thời gian qua đã cho thấy chất lượng nước tại đây bị ô nhiễm. Chất lượng nguồn nước bị suy giảm là do các tác động từ vùng cửa sông Thu Bồn, đặc biệt trong mùa mưa bão. Đã có hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải tăng dần tại các vùng rạn san hô trong khu bảo tồn biển. TS. Chu Mạnh Trinh - Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, những tác động từ tai biến thiên nhiên trong những năm qua cùng sự ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế - xã hội từ đất liền thông qua nguồn nước lũ phát tán qua sông Thu Bồn đã và đang đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của đa dạng tài nguyên trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Việc quản lý ở khu bảo tồn biển đang gặp nhiều khó khăn do những tác động bất lợi từ bên ngoài, có nguồn gốc từ đất liền hoặc các hoạt động ở những khu vực lân cận.
Trong khi đó, các hoạt động của chính người dân trên đảo cũng đã trực tiếp tác động tiêu cực đến vùng biển Cù Lao Chàm. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, doanh thu từ các hoạt động du lịch tại đây ngày một gia tăng và chiếm hơn 30% tổng doanh thu của các hoạt động kinh tế của xã đảo. Tuy nhiên hơn 70% sản phẩm du lịch lại hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn lợi đánh bắt từ biển và rừng. Khai thác quá mức tài nguyên biển đảo đã khiến cho đa dạng sinh học tại đây suy giảm. Độ phủ của rạn san hô, mật độ loài hải sản quanh rạn đã bị giảm sút. Nhiều loài hải sản có giá trị như bào ngư, điệp, ốc vú nàng, ốc nón, sao biển, trai tai tượng hạn chế về số lượng. “Song hành với hiện trạng khai thác khó kiểm soát của người ngoài địa phương, thế mạnh về nguồn lợi hải sản và đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm bị suy giảm. Điều cần thiết là phải có giải pháp ngăn chặn, thay thế dần sinh kế, nếu không nguồn lợi tự nhiên càng bị suy giảm” - ông Lê Ngọc Thảo, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết.
Sự suy giảm của tài nguyên biển có nguyên nhân gián tiếp từ sự phối hợp, gắn kết chưa đồng bộ của các ngành, các cấp, thiếu thuyết phục cộng đồng tham gia bảo vệ. TS. Chu Mạnh Trinh cho rằng, trong chiến lược phát triển bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng tài nguyên biển đảo cần phải bao gồm các nội dung về truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng; nghiên cứu khoa học và trình bày kết quả; phối hợp thống nhất của các bên liên quan; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá và đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực cho hôm nay và trong tương lai.
NGUYỄN QUANG VIỆT