Sau bài báo "Nguy cơ mất mùa vì phân bón Sao Việt": Doanh nghiệp và người dân cùng khắc phục

PHƯƠNG NAM 12/02/2015 10:10

Sau khi báo Quảng Nam có bài phản ánh về “Nguy cơ mất mùa vì phân bón Sao Việt” của nông dân thôn Thượng Phước (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc), đại diện Tổng Công ty Nông nghiệp Quảng Bình và các cơ quan liên quan đã tích cực tìm giải pháp khắc phục. Đến nay, hoa màu đã bắt đầu tươi xanh trở lại.

Ông Nguyễn Thế Nam - Giám đốc Chi nhánh Phân bón Sao Việt tại Quảng Nam cho biết, trước khi vào vụ, công ty có tổ chức tập huấn cho nông dân cách sử dụng các loại phân bón. Tuy nhiên, trong buổi tập huấn đó cán bộ kỹ thuật chỉ tập trung hướng dẫn cách sử dụng phân NPK bón cho lúa mà không hướng dẫn kỹ cách sử dụng phân NPK đa dùng 18-8-10+4S+Mg+B+TE bón cho hoa màu. Chính vì vậy, đa số nông dân sử dụng phân bón cho hoa màu giống như cách sử dụng phân bón cho lúa là không phù hợp, và hậu quả là cây hoa màu chậm phát triển.

Ông Hà Bảy - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hòa cho biết, buổi tập huấn được tổ chức tại hội trường UBND xã. Vì hội trường nhỏ nên mỗi thôn chỉ cử 7 - 8 người dự, sau đó những người này về truyền đạt lại cho những hộ khác. Trong lúc tập huấn, cán bộ kỹ thuật có dặn dò nông dân “chỉ bón phân Sao Việt, không được trộn lẫn phân nào khác” nhưng lại không nói rõ yêu cầu này chỉ áp dụng riêng đối với lúa khiến bà con nhầm tưởng sử dụng phân NPK cho hoa màu cũng như vậy. Chính vì việc sử dụng phân không đúng cách nên đã dẫn đến cây bị còi cọc, vàng lá, đẻ nhánh ít. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, nông dân không chủ động tưới nước mà dựa vào nước trời. Trong khi đó, năm 2014, vùng Thượng Phước không bị ngập lụt và đầu vụ cũng không có mưa nên đất bị khô khiến phân khó hòa tan.

Giải thích việc công ty khuyến cáo “chỉ sử dụng phân Sao Việt”, ông Nam cho biết, sản phẩm NPK Sao Việt được sản xuất theo hướng chuyên dùng. Đối với cây lúa, phân Sao Việt có nhiều loại phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây và có hiệu quả cao khi sử dụng khép kín, tức là không sử dụng kèm với phân khác. Tuy nhiên, đối với hoa màu ngắn ngày như đậu cô ve, ớt, do đặc điểm bộ rễ phát triển chậm và yếu nên khi bón lót phải sử dụng phân NPK 18-8-10+4S+Mg+B+TE kết hợp với phân lân, phân chuồng hoai mục thì mới đạt hiệu quả.

Sau khi nhận được phản ánh của nông dân về tình trạng cây trồng chậm phát triển, phía công ty cùng Hội Nông dân tỉnh, huyện tổ chức khảo sát, đánh giá và hướng dẫn bà con các biện pháp khắc phục. Đồng thời công ty sẽ tiếp nhận lại số phân bón chưa được sử dụng nếu nông dân có nhu cầu trả lại. Theo quan sát của chúng tôi, sau 10 ngày được bổ sung phân u rê và nước, phần lớn diện tích hoa màu đã phát triển tươi tốt, ra nhiều hoa. Bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1960, thôn Thượng Phước) xác nhận: “Tôi đã bổ sung thêm 4kg urê cho mỗi sào đậu, đồng thời tưới nước, đến nay hoa màu của tôi đã được cải thiện đáng kể”. Ông Nguyễn Thế Nam cho biết thêm, phía công ty sẽ tiếp tục theo dõi hoa màu cho đến khi thu hoạch. Những hộ nào năng suất thấp, công ty sẽ hỗ trợ một phần.

    PHƯƠNG NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sau bài báo "Nguy cơ mất mùa vì phân bón Sao Việt": Doanh nghiệp và người dân cùng khắc phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO