Rất nhiều lần cựu binh Trần Văn Tiến (47 tuổi, sống ở TP.Đà Nẵng) đứt gãy những ký ức, những câu chuyện đời lính. Những lần vụn vỡ ấy, mắt ông hướng về phía biển, để bình tâm trở lại và tiếp tục câu chuyện.
Ông Tiến - người đi thay áo di ảnh cho liệt sĩ Gạc Ma. Ảnh: X.K |
Câu chuyện của người cựu binh này, là kế hoạch “thay áo” di ảnh cho tất cả liệt sĩ Gạc Ma còn lại trên cả nước, như một trong những nghĩa cử mà ông và Ban liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng giai đoạn 1984 - 1988 đã ân cần với các liệt sĩ Gạc Ma trong thời gian qua.
1. Theo lối mòn tư duy cũ rích, tôi suýt… chưng hửng khi ông Tiến nói rằng mình không phải là lính Trường Sa, càng không phải là lính Gạc Ma! Nói ngay luôn, ông chỉ là lính thông tin. Thế thôi! “Vậy thì lý do nào khiến ông nặng lòng với những liệt sĩ Gạc Ma như vậy?” - tôi hỏi. Ông Tiến vốn dân Hải Phòng, và thời ông lớn lên, đã cảm nhận về nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh mang đến. Lúc đó, năm 1988, cả nước đều khí thế sục sôi hướng về Trường Sa. Chàng thanh niên 17 tuổi Trần Văn Tiến nhớ rất rõ câu khẩu hiệu “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” phát dồn dập, liên hồi từ loa phát thanh của xã. “Được cầm súng bảo vệ Tổ quốc, đóng góp công sức cho đất nước là niềm vinh dự lớn nhất của lứa thanh niên chúng tôi vào thời điểm đó” - ông Tiến nhớ lại. Ông viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Niềm vui ấy chẳng kéo dài được mấy, khi lúc ở trên về nhận quân, ông đã phải nhận cái lắc đầu vì chỉ mới 17 tuổi, trong khi điều kiện để được ra chiến trường là phải từ 18 tuổi.
“Hẳn là ông buồn lắm?” - tôi hỏi điều thừa thãi. “Tất nhiên” - ông đáp. Từ văn phòng công ty ông, qua ô cửa kính trong suốt, tôi thấy mấy cánh sóng đang đi vào hướng bờ. Đôi mắt ông Tiến đang nhìn về hướng đấy: “Tôi còn thấy xấu hổ nữa”. “Vì không được nhận?” - tôi máy móc hỏi. “Đúng vậy. Và nghĩ mình thật vô dụng, tuổi 17 rồi chứ còn nhỏ nhoi gì nữa đâu. Ở thời điểm ấy, anh mới thấu hiểu được hết nỗi niềm của kẻ trai tráng không được xông pha trận mạc” - ông Tiến bày tỏ nỗi lòng, trong khi mắt vẫn không rời hướng biển. “Cũng may là sau đó, họ hướng dẫn tôi đăng ký đi tình nguyện. Điều đó làm tôi rất vui, mà chính xác hơn là lâng lâng cảm giác hạnh phúc. Tôi đăng ký đi Trường Sa, nhưng cấp trên, tổ chức sắp xếp tôi làm nhiệm vụ thông tin liên lạc ở đất liền. Đó là sự phân công nhiệm vụ, và mình phải chấp hành. Dù sao thì cũng có điều kiện phụng sự cho Tổ quốc, là diễm phúc rồi” - ông Tiến nhớ lại.
Công việc thông tin của ông không chỉ là kết nối liên lạc giữa đất liền với nhau, mà còn kết nối đất liền với biển đảo. Và thông qua kênh liên lạc này, ông biết được tình hình Trung Quốc gây ra tội ác ở Gạc Ma vào ngày 14.3.1988. Những chiến sĩ hy sinh, hay bị Trung Quốc bắt giam sau trận chiến ấy, đều rất trẻ. Hy sinh tuổi trẻ cho Tổ quốc, luôn là điều vinh dự. Nhưng với những gì đã xảy ra với 64 chiến sĩ Gạc Ma, hình như tức tưởi quá. Ông Tiến hiểu điều đó, và nguyện sẽ làm những gì có thể, để an ủi vong linh đồng đội, san sẻ nỗi đau mà thân nhân đồng đội đang nặng mang.
2. Chiến tranh khép lại, người lính trở về với cuộc sống đời thường, nhưng những ý nghĩ về đồng đội chưa vào giờ phai nhạt. Ban liên lạc bộ đội Trường Sa Đà Nẵng giai đoạn 1984 - 1988 (gọi tắt là ban liên lạc) được thành lập, những người cựu binh Trường Sa, tất nhiên có cả bộ đội Gạc Ma ở giai đoạn này tìm đến, kết nối với nhau. Họ chia sẻ những khó khăn về cuộc sống hiện tại, nhắc nhớ về quá khứ hào hùng, và hơn hết, là thắp lên ngọn lửa Gạc Ma bất diệt qua những buổi cầu siêu, lễ tưởng niệm trận chiến Gạc Ma vào ngày 14.3 hằng năm tại Đà Nẵng. Và có lẽ, trong ban liên lạc này, ông Tiến là người duy nhất không phải lính đảo.
Ông Tiến chào đồng đội trong dịp thả hoa đăng tưởng nhớ liệt sĩ Gạc Ma hy sinh vào ngày 14.3 vừa rồi. Ảnh: THÀNH NGUYỄN |
Những người cựu binh tìm đến nhau, bằng tất cả tình yêu thương sau khi đi qua cuộc chiến. Gác súng, ai cũng phải bước vào guồng quay cuộc sống mưu sinh. Ông Tiến cho rằng mình may mắn hơn đại đa số đồng đội, khi có công việc và cơ ngơi khá ổn định. Hiện công ty của ông triển khai các nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng thiết bị cứu sinh, cứu hỏa bảo đảm an toàn cho con người và thiết bị trên biển. Công ty ông luôn rộng cửa ưu tiên cho nhân viên, học viên là những bộ đội xuất ngũ. Bởi theo quan niệm của ông, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất quan trọng của người lính chính là hết mình với nhiệm vụ được giao và tinh thần đoàn kết, hỗ trợ đồng đội khi có thể. Vì thế, trong những lần các cựu chiến binh Gạc Ma tề tựu về Đà Nẵng để làm lễ tưởng niệm, hay chỉ đơn thuần là hội ngộ nhau, ông Tiến đã ủng hộ rất nhiều kinh phí cho những cuộc hạnh ngộ này. “Đó chính là lý do vì sao, mà cái trụ sở của công ty mình, tôi xây ngay sát biển và nhiều phòng hơn so với nhu cầu thực tế. Đó sẽ là nơi để thân nhân, hay các anh em về đây ăn ở trong những ngày gặp mặt, giản đơn mà ấm cúng lắm” - ông Tiến tâm sự.
Tất nhiên, trong một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày làm lụng, những thân nhân hay cựu chiến binh hoàn toàn có thể dành dùm ít tiền để dành cho mấy ngày gặp gỡ tại Đà Nẵng. Nhưng việc ông Tiến chu toàn như thế, tất nhiên còn có sự chung tay của những đồng đội khác, là vì ông muốn có những bữa ăn thân mật như gia đình. Và sau mỗi bữa ăn đấy, cả nhà quây quần bên nhau trò chuyện.
3. “Vậy câu chuyện đi “thay áo” di ảnh cho liệt sĩ Gạc Ma, là như thế nào?” - tôi hỏi. Ông không trả lời ngay, mà nhớ về cuối năm 1988, khi cùng chỉ huy ra Trường Sa. Lần đầu đến đó, ông không biết đảo nào ra đảo nào, ngoài ý niệm về sự dũng cảm của những người đã hy sinh xương máu của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đảo. Rồi năm 2013, khi tham gia ban liên lạc, đến thắp nhang cho các liệt sĩ Gạc Ma, ông nhận ra rằng bởi những lý do khác nhau, di ảnh của các liệt sĩ đã bị hoen ố rất nhiều. “Nhưng cái chung nhất, là hình ảnh thờ của các liệt sĩ đều là thường phục. Với một số gia đình mà trên bàn thờ có nhiều di ảnh như thế, thì thật khó để người ngoài biết đâu là di ảnh của liệt sĩ Gạc Ma” - ông Tiến nói về lý do chính đã thôi thúc ông đi “thay áo” di ảnh cho đồng đội.
Đầu tiên, ông đến gặp ông Nguyễn Văn Tấn - trưởng ban liên lạc, để bày tỏ nguyện vọng. Tất nhiên, ông Tấn đồng ý, nhưng điều ông Tấn băn khoăn là vấn đề kinh phí. “Tôi tự bỏ tiền túi, hoặc vận động thêm” - ông Tiến xua tan điều đang làm ông Tấn phân vân. Ông không rành về nhiếp ảnh hay các thứ liên quan, vì thế ông phải thuê thợ. Nhưng đó không là vấn đề khó khăn lắm trong quá trình hoàn thành tâm nguyện của ông. Mà chính là thân nhân liệt sĩ, họ sợ “động” đến vong linh người đã hy sinh. Những khi ấy, phải nhờ ban liên lạc vận động gia đình, rồi qua các thủ tục về mặt tâm linh, ông mới có thể bắt tay vào công việc của mình.
“Vậy thì, niềm vui lớn nhất của ông là gì?” - tôi hỏi. “À, đó không phải lời cảm ơn, mà chính là niềm vui trên khuôn mặt các mẹ, các thân nhân liệt sĩ” - ông Tiến tâm sự. Điều này, làm tôi nhớ đến câu chuyện mà ông kể về việc thay áo di ảnh của liệt sĩ Gạc Ma Nguyễn Bá Cường ở thị xã Điện Bàn. Di ảnh cũ của liệt sĩ Cường không phải là ảnh chụp, mà là phác họa lại. Nên việc thay áo di ảnh gặp nhiều khó khăn hơn. Nhưng rồi bằng tất cả tấm lòng của những người lính dành cho nhau, họ đã mang đến nụ cười viên mãn cho thân nhân liệt sĩ Cường. Trở lại câu chuyện thay áo di ảnh, ông Tiến cho rằng một việc không kém phần quan trọng, là xác định quân hàm, cấp bậc của các liệt sĩ cho đúng theo đồng phục hải quân.
Nhưng rồi ông Tiến không nói thêm về chuyện cũ nữa, mà thổ lộ về kế hoạch thay áo di ảnh cho tất cả liệt sĩ Gạc Ma còn lại trên cả nước. Ông mong rằng trước khi bước vào ngày kỷ niệm tròn 30 năm trận chiến Gạc Ma vào ngày 14.3.2018, tất cả 64 liệt sĩ Gạc Ma phải có di ảnh mới. Rồi ông không nói thêm gì nữa, lẳng lặng nhìn về phía biển. Và tôi biết, sâu thẳm trong mắt ông, là ánh mắt của biển mẹ vẫn đang mỗi ngày dõi theo những trái tim luôn mang trong mình nhịp đập trách nhiệm với đồng đội đã khuất; đó cũng là trách nhiệm với công cuộc giữ gìn biển đảo vốn đang nóng lên mỗi ngày vậy!
XUÂN KHÁNH