Sáng 4.11, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp thông qua 2 nội dung trình Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII gồm: quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; phân bổ biên chế hành chính và quyết định biên chế sự nghiệp tỉnh năm 2014.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, một số mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh quy định tại Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 16.6.2009 của UBND tỉnh đến nay là quá thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế để khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Qua đó, UBND tỉnh thống nhất phương án thu phí bảo vệ môi trường với mức tối đa, theo quy định của pháp luật đối với hoạt động khai thác khoáng sản, các loại khoáng sản: sắt, mangan, titan, vonfram, antimoan, đồng, than antraxit hầm lò, than antraxit lộ thiên là các loại khoáng sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, công nghệ khai thác và chế biến có tác động lớn đến môi trường... riêng đối với vàng, bạc tăng từ 10.000 đồng đến 180.000 đồng/m3. Các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đề xuất giữ nguyên mức phí nhằm đảm bảo giữ ổn định giá thành xây dựng phục vụ cho việc phát triển cơ sở hạ tầng tại địa phương. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng.
Ngoài ra, theo sự thống nhất của UBND tỉnh, biên chế công chức năm 2014 được giữ nguyên như tổng biên chế năm 2013 là 3.568 biên chế; chỉ tăng biên chế sự nghiệp năm 2014 đối với các đơn vị sự nghiệp được thành lập mới; giữ nguyên định mức cán bộ, nhân viên đối với các cơ sở bảo trợ xã hội giai đoạn 2013 - 2015 là 234 định mức và định mức lao động như số giao năm 2013 đối với các tổ chức hội là 90 định mức.
ĐÔNG PHƯƠNG