Sẽ hỗ trợ 30 đến gần 80 tỷ đồng đào tạo nghề mỗi năm

DIỄM LỆ 26/06/2016 08:13

(QNO) - Ngày 24.6, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì buổi làm việc với các sở ngành, trường đào tạo nghề và 9 huyện miền núi nhằm bàn về cơ chế đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trong giai đoạn mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp bàn cơ chế đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm ngành may mặc. Ảnh: DIỄM LỆ
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp bàn cơ chế đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm ngành may mặc. Ảnh: DIỄM LỆ

Theo dự thảo kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nghề được chọn là may mặc. Theo đó, kế hoạch này là bước đầu tiên để hoàn thiện cơ chế đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với ngành may mặc, sau đó sẽ mở rộng ra các ngành khác.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp may mặc, sử dụng trên 20 nghìn lao động. Thời gian tới, các dự án lớn về may mặc và công nghiệp phụ trợ ngành may sẽ cần trên 30 nghìn lao động. Trước nhu cầu về lao động quá lớn này, UBND tỉnh bàn thảo cơ chế ưu đãi dành cho người đi học nghề may cũng như các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề may cho người lao động. Các cơ sở đào tạo nghề ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trên cơ sở cầu nối là nhà nước, đào tạo theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp và bàn giao lao động theo đúng hợp đồng. Trong đó, UBND tỉnh ưu tiên chế độ dành cho lao động là người miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo dự thảo, người lao động sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ở trình độ sơ cấp nghề, nghề dưới 3 tháng, hỗ trợ tiền ăn, đi lại, tư trang cá nhân, tiền ở trọ trong thời gian học nghề và thời gian đầu khi đi làm. Ước tính tổng nguồn kinh phí dành cho cơ chế ưu đãi này vào năm 2016 là hơn 30 tỷ đồng, năm 2017 trở đi mỗi năm từ 66 tỷ đồng đến hơn 79 tỷ đồng, được trích từ nguồn ngân sách tỉnh và các địa phương, nguồn vốn lồng ghép khác từ các chương trình, dự án.

Các giải pháp cũng đã được bàn bạc trong cuộc họp, như tăng cường công tác tuyên truyền chính sách để người lao động tham gia học nghề, nhất là đối với người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi nhận thức về học nghề, lập nghiệp; trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cần được nâng cao; chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề phải đổi mới toàn diện theo nhu cầu của doanh nghiệp chứ không theo những gì cơ sở đào tạo đang có; vận động doanh nghiệp ngành may mặc cùng tham gia trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu giao trách nhiệm cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh hoàn thiện cơ chế đào tạo nghề, mời các ngành, địa phương, cơ sở đào tạo cùng tham gia ý kiến và trình UBND tỉnh xem xét thông qua, để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới. Chủ tịch Đinh Văn Thu khẳng định, đây sẽ là một cơ chế nhằm tạo đột phá trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với nhu cầu phát triển nghề may mặc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẽ hỗ trợ 30 đến gần 80 tỷ đồng đào tạo nghề mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO