Khắp nơi trong tỉnh đã và đang tổ chức những hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam). Ở nhiều địa phương diễn ra ngày hội đại đoàn kết sôi nổi. Đáng quý khi có nơi tiết kiệm không rình rang làm “bữa cơm đoàn kết” mà dành kinh phí hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, sẻ chia với đồng bào bị thiên tai bão lụt. Ngày hội này, lần nữa khơi dậy ý thức đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư mà trọng tâm là giúp nhau xóa đói giảm nghèo, giữ gìn sự bình yên thôn xóm, phát triển đời sống văn hóa…
Trong không khí đó, thật không phải khi nhắc những chuyện không vui như tình trạng vẫn còn mất an ninh trật tự ở một số nơi. Vì tranh chấp đất đai, những người hàng xóm xô xát với nhau gây nên thương tích phải đưa đi bệnh viện như vụ vừa xảy ra ở Bình Phú, Thăng Bình. Nạn đánh bạc, đề đóm, biêu hụi còn gây nên các vụ chém người, xiết của mà báo chí đã nhiều lần phản ánh. Tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn còn dai dẳng, nhức nhối. Thống kê từ các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cho biết, từ năm 2008 đến tháng 6.2013 đã có gần 6,7 ngàn đơn thư khiếu nại, 438 đơn tố cáo kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư và các tranh chấp dân sự… Rõ ràng, đó là những chuyện dù không muốn cũng phải nhắc đến, để ngẫm nghĩ thêm về việc xây dựng đời sống văn hóa. Rõ ràng, những tiềm ẩn nguy cơ bất an vẫn hiện diện đâu đó trong lòng cộng đồng xã hội mà vì sĩ diện hão chúng ta không thấu triệt để công nhận các danh hiệu văn hóa cho những địa phương, đơn vị chưa xứng đáng.
Ở phía khác, suy ngẫm về hậu quả của cái tính sĩ diện hão sẽ còn nhiều góc độ biểu hiện. Như cái “bệnh thành tích” ăn sâu trong tâm thức của một số cộng đồng dân cư. Rằng có những vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, thậm chí vi phạm pháp luật, song vẫn bị nhắm mắt “đoàn kết” cho qua để khỏi ảnh hưởng thành tích chung, nhằm xét công nhận danh hiệu gì đấy cho mình. Không cơ quan nào đủ tai mắt để kiểm chứng thực tế đến từng chi tiết và vì vậy không ngoại trừ có trường hợp lọt sổ, được công nhận là thôn, khối phố văn hóa nhưng có tệ nạn xã hội, những tranh chấp dân sự bị che đậy. Hay như tình trạng lạ đời là khi đi xin kinh phí đầu tư, xin dự án thì bảo là địa bàn còn nhiều hộ nghèo đói, nhưng khi để công nhận thôn văn hóa, xã anh hùng thì liệt kê cơ man thành tích ấn tượng về kinh tế - xã hội. Trong trường hợp này, vượt ngoài sự sĩ diện hão là lòng tự trọng đã trở thành bức tranh biếm họa.
Vui cùng ngày hội đoàn kết toàn dân, song ngẫm lại đôi điều như thế để thấy những vấn đề còn nan giải, đặt gánh nặng thử thách lên vai những người làm công tác văn hóa, dân vận, đoàn thể Mặt trận, cả phía chính quyền và người dân. Để khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân là cả một hành trình, trong đó lòng tự trọng thành thực với khát vọng xây dựng cuộc sống an lành, hạnh phúc, ấm no là điều tiên quyết. Những nguy cơ bất an cần được ngăn ngừa; những thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự phải là con số thực; tình làng nghĩa xóm và sự cố kết cộng đồng trong mối tương thân tương ái được đắp xây bền bỉ… đó là các nhân tố để làm nên đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
BẢO TRÂN