Siết chặt quản lý rượu

Hoàng Tân - Lê Quân 15/01/2013 07:10

Theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP (NĐ94) về sản xuất, kinh doanh rượu, tất cả những loại rượu đều phải gán tem, nhãn và việc sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép. NĐ94 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1.1.2013, tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên, hiện trên thị trường nội tỉnh, rượu không có nhãn mác vẫn được sản xuất và bày bán tràn lan...

Nhiều loại men không rõ nguồn gốc được người dân sử dụng để nấu rượu. (Ảnh mang tính minh họa)
Nhiều loại men không rõ nguồn gốc được người dân sử dụng để nấu rượu. (Ảnh mang tính minh họa)

Rượu “quê” tràn lan

Dạo quanh một vòng tại các quán nhậu trên địa bàn TP.Tam Kỳ vẫn thấy tràn lan rượu không nhãn mác được bày bán. Tại một quán nhậu bình dân trên đường Lý Thường Kiệt, chiều đến khách rất đông, chủ yếu là khách lao động phổ thông. Trung bình mỗi ngày quán bán từ 5 - 7 lít rượu gạo. Rượu được chiết ra từ can nhựa lớn, đem ra bàn, khách sử dụng mà không cần để ý đến nhãn mác. Chị Hồng, chủ quán cho biết: “Tôi chưa nắm được NĐ94 qui định những gì, cũng chưa ai đến nhắc nhở. Lâu ni rượu bán không đăng ký gì cả. Cứ mua ở nhà người quen nấu rồi về chiết ra chai mà bán...”.

Nhiều quán nhậu tại Tam Kỳ trưng bày hàng chục loại rượu, trong đó có cả rượu ngâm động-thực vật quí hiếm, giá hàng trăm nghìn đồng/lít nhưng đều không có nhãn mác. Một người “sành điệu” về loại rượu này cho biết, động-thực vật trong chai là cũ, chỉ có rượu là mới. Chất lượng thì chỉ người uống mới biết. Ở nông thôn, khi có đám cưới, đám giỗ người dân thường đặt rượu trắng với lượng lớn. Theo người dân, rượu trắng hay rượu ngâm đều khó phát hiện rượu dỏm, chỉ uống theo cảm nhận và có đảm bảo sức khỏe hay không cũng theo kiểu “hên xui”!

Rượu gạo có từ lâu đời. Nhiều người xem nghề nấu rượu cho thu nhập tương đối ổn định. Theo cách nấu thủ công truyền thống từ nếp, gạo thì rượu này rất đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, gần đây một số người chạy theo lợi nhuận nên nấu rượu gạo theo kiểu “siêu tốc” (dùng men ướp trực tiếp vào gạo thay vì nấu thành cơm) làm ảnh hưởng đến sức khỏe người uống và người nấu rượu chân chính. Anh Bùi Thanh Xuân (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, trung bình mỗi ngày gia đình anh nấu khoảng 25 lít rượu. Rượu được bán cho các quán nhậu quen và những người hàng xóm. Nhưng hiện anh chưa nắm rõ NĐ94 qui định những gì. “Gia đình tôi sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ thì đăng ký nhãn mác quá rườm rà, khó thực hiện được...” - anh Xuân nói.

Điều 17 của NĐ94 quy định điều kiện cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu khá đơn giản, bao gồm: có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu, có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, trang thiết bị theo qui định... Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các qui định về sản xuất, kinh doanh rượu tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Đang vào mùa tết nên số lượng rượu được nấu và bán ra thị trường gấp nhiều lần ngày bình thường, nhưng hầu hết người nấu rượu chưa thực hiện theo qui định của NĐ94. Anh Nguyễn Văn Mỹ (khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) cho hay: «Hiện đã nghe thông tin trên đài về những qui định bắt buộc đối với người nấu rượu, nhưng nấu rượu theo kiểu nhà quê như mình, việc đăng ký nhãn mác cũng khó nên vẫn cứ “2 không” (không nhãn mác, không giấy phép)”.

Sẽ siết chặt quản lý

NĐ94 ra đời nhằm khống chế nạn nấu rượu “dỏm”, rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, để đưa nghị định vào cuộc sống, giúp người dân hiểu và thực hiện là khoảng thời gian dài nếu như các ngành chức năng không quyết liệt vào cuộc. Theo ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thời gian tới sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý thị trường đối với việc sản xuất rượu. Theo đó, các địa phương cần thống kê lại tất cả các loại hình, dịch vụ này để có cách hướng dẫn người dân thực hiện; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và làm theo.

Ông Cần cũng cho biết những qui định tại NĐ94 rất cần thiết, mang tính cảnh báo và ngăn ngừa đối với người dân sản xuất và kinh doanh rượu không đạt chất lượng. Để người dân nắm được qui định này, các đội nghiệp vụ của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh rượu làm cam kết và hướng dẫn xin giấy phép, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm. “Làm tốt được vấn đề này sẽ siết chặt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, góp phần giúp thị trường tiêu thụ mặt hàng này lành mạnh hơn...” – ông Cần nói.

Theo ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, dịp tết này ngành chức năng địa phương đã ra quân kiểm tra hầu hết các cửa hàng, cửa hiệu, buôn bán nhỏ về rượu, chưa phát hiện trường hợp sai phạm, kinh doanh rượu giả. Về thực hiện theo NĐ94 thì ngành kinh tế địa phương chưa nắm rõ ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ có ý kiến chỉ đạo về các địa phương để siết chặt hơn việc quản lý sản xuất, kinh danh rượu. Ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) cũng cho hay, tại phường có khoảng 100 hộ nấu rượu. Để thực hiện NĐ94, cần có sự phối hợp giữa các ngành liên quan. Tuy nhiên, ai sẽ là người đứng ra giám sát, kiểm tra, quản lý vấn đề này trong thời gian dài, trong khi kinh phí hoạt động thì không có? Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, phường cũng sẽ có kế hoạch tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện theo tinh thần của NĐ94 trong thời gian sớm nhất.

Hoàng Tân - Lê Quân

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt quản lý rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO