GS-TS. Đặng Đình Đào, chủ nhiệm đề tài “Luận cứ và giải pháp cho việc xây dựng các mô hình sinh kế bền vững vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam” cho biết, mô hình sinh kế 2+3 đang phù hợp ở miền núi Quảng Nam. Mô hình này gồm 2 yếu tố: đất đai và lao động người dân tự lo, 3 yếu tố: vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ nhà nước hỗ trợ. Điều này dựa trên kết quả điều tra xã hội học (lấy ý kiến từ phía người dân và lãnh đạo 6 huyện miền núi) cùng với quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tế.
Cần hỗ trợ sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi. Ảnh: Hồng Anh |
Đây là mô hình tổng thể, khi triển khai vào thực tế, tùy theo đặc trưng vùng đồng bào thiểu số sống tập trung hay không tập trung mà cân nhắc áp dụng mô hình 2+3 hay 1+4 (lao động dân tự lo, 4 yếu tố còn lại nhà nước hỗ trợ). Theo đó, có 4 mô hình sinh kế bền vững được đề tài đề xuất gồm: mô hình sinh kế dựa vào tài nguyên rừng, dựa vào làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm zara, trầm hương, dó bầu, rượu cần, tà vạt…), dựa vào du lịch văn hóa hay du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng và mô hình sinh kế dựa vào phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi, đa dạng hóa cây trồng, con vật nuôi.
Trong mô hình sinh kế dựa vào tài nguyên rừng, nhóm nghiên cứu đề xuất, nhà nước và địa phương cần có chính sách giao đất giao rừng, hỗ trợ đồng bào ươm giống và tổ chức trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế phù hợp với đặc thù miền núi (cao su, ba kích, keo lá tràm…). Hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ kỹ thuật để giúp bà con phát triển và nhân rộng mô hình. Đối với mô hình sinh kế dựa vào du lịch văn hóa hay du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, nhóm nghiên cứu đề xuất, nhà nước và các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư khai thác lợi thế từ các thắng cảnh đẹp, nổi tiếng của miền núi như Bờ hồồng (Đông Giang), thác Grăng (Nam Giang), khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Nam Giang)… Cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng dịch vụ, kiện toàn hệ thống giao thông, kêu gọi doanh nghiệp xúc tiến đầu tư du lịch nhằm thay đổi diện mạo miền núi và giúp bà con hưởng lợi từ các loại hình này…
Phó chủ tịch Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài Nguyễn Văn Khương đánh giá: “Vấn đề nhức nhối ở miền núi là trình độ dân trí còn thấp, nên bất cứ mô hình, dự án nào cũng cần triển khai theo hướng “cầm tay chỉ việc” và tuyên truyền thay đổi nhận thức đồng bào, có chính sách hỗ trợ vốn vay để họ phát triển kinh tế”. Còn theo ông Võ Hồng - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh: Sinh kế dựa vào phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi, đa dạng hóa các loại cây trồng, con vật nuôi đang là mô hình phù hợp với miền núi. Để nghiên cứu về miền núi không rơi vào lý thuyết suông, ngành KH-CN cần có cơ chế chuyển giao, gắn trách nhiệm với chủ nhiệm đề tài trong việc phối hợp với các địa phương triển khai mô hình điểm, nhân rộng trong đồng bào. Theo ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, điểm mới của đề tài là đã xây dựng được mô hình sinh kế cụ thể 2+3 hay 1+4 và 4 mô hình phù hợp với miền núi. Vấn đề còn lại là áp dụng các mô hình trên như thế nào để phù hợp với từng địa phương.
HỒNG ANH