Nỗ lực tìm giải pháp đa dạng sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thu hẹp khoảng cách về thu nhập và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững là những điều được phân tích, mổ xẻ tại Diễn đàn Phát triển DTTS năm 2018: Sâm Ngọc Linh - tiếp cận chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS diễn ra tại Quảng Nam mới đây.
Quảng Nam hiện có gần 100 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L |
ĐẦU TƯ MẠNH CHO SÂM NGỌC LINH
Cây sâm Ngọc Linh được xem là cây “tăng giàu, giảm nghèo” gắn với bảo vệ rừng, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, xứng đáng được gọi là “quốc bảo”.
Cây “tăng giàu, giảm nghèo”
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia, nhà khoa học xác định, sâm Ngọc Linh là cây “tăng giàu, giảm nghèo” khi giá trị của sâm Ngọc Linh đã vượt xa nhiều loại cây lâm đặc sản hiện nay. Theo TS. Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cây sâm Ngọc Linh là kết tinh của các giá trị: dược liệu, kinh tế, bảo vệ môi trường rừng và cả sự kết tinh văn hóa. Thể hiện ở chỗ đồng bào vùng cao Nam Trà My đã ý thức trồng cây sâm gắn với giữ rừng nguyên sinh; truyền thống tốt đẹp là mỗi em bé sinh ra ở vùng này đã sở hữu những hạt sâm giống từ những người thân trao tặng. Vì vậy, cần gia tăng giá trị của cây sâm Ngọc Linh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong chính sách phát triển vùng dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng, tháo gỡ những khó khăn trong việc xác định giá trị cây thuốc cũng như xây dựng chiến lược về thương hiệu, quy trình quản lý, chứng nhận chất lượng để tạo đà cho phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS. Ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận: “Nếu quy ra giá trị, một cây gỗ rừng không có giá trị bằng một cân sâm Ngọc Linh. Vì vậy cần đặc biệt đầu tư mạnh cho cây sâm, đầu tư chế biến sâm, tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng cao, đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường thế giới. Việt Nam muốn trở thành quốc gia có ngành công nghiệp dược liệu phát triển thì phải ưu tiên mạnh cho cây sâm Ngọc Linh. Cùng với đó là phát triển các loài dược liệu đặc hữu như đẳng sâm, ba kích vùng Tây Giang”.
Trên thực tế, chủ trương “tăng giàu, giảm nghèo” ở vùng đồng bào DTTS đối diện với không ít khó khăn, trở ngại. Bên cạnh các yếu tố khách quan như đất sản xuất rộng lớn nhưng điều kiện canh tác bất lợi, vùng sản xuất đối mặt với rủi ro thiên tai, trình độ canh tác còn lạc hậu… thì thách thức không nhỏ chính là ý chí, khát vọng làm giàu ở đồng bào còn hạn chế, khó có thể phát triển. Về thực trạng này, ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng người DTTS về mục tiêu giảm nghèo, cải thiện sinh kế, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Ủy ban Dân tộc cũng chủ động đề xuất các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình, kết nối thông tin, hỗ trợ xây dựng hệ thống giao thông cũng như chính sách phù hợp hỗ trợ căn bản sản xuất, giao đất sản xuất ổn định cho vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, từ mô hình chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh có hiệu quả, sẽ đề xuất chính sách tạo điều kiện nhân rộng và phát triển.
Một yếu kém nữa trong phát triển sản phẩm từ sâm là khâu tìm kiếm thị trường, đối tác, giao dịch. TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, sản phẩm nông nghiệp để tiếp cận được thị trường hiện đại, đòi hỏi rất chặt chẽ về chất lượng, thông tin sản phẩm, trong khi miền núi chưa làm được. Chưa kể, muốn tiếp cận thị trường chất lượng cao thì phải sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình, tiếp cận với kỹ thuật tiến bộ, phải có các loại chứng nhận tiêu chuẩn như VietGAP, Global GAP… Rào cản trong việc tham gia thị trường lớn, tạo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đối với vùng đồng bào DTTS là rất lớn.
Di thực sâm Ngọc Linh
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Sâm Ngọc Linh là một trong những lâm sản ngoài gỗ điển hình với giá trị kinh tế cao. Xây dựng thành công chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh chính là tiền đề để phát triển các loại lâm sản ngoài gỗ khác. Để nâng cao giá trị cho sâm Ngọc Linh từ một loài thuốc quý của đồng bào DTTS trở thành sản phẩm quốc gia thì việc áp dụng khoa học và công nghệ là giải pháp đột phá, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Cần áp dụng các giải pháp công nghệ trong việc bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh, di thực cây sâm ra những vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với vùng Ngọc Linh và có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. |
Chủ trương di thực cây sâm Ngọc Linh (mọc ở độ cao 1.500 - 2.000m ở đỉnh Ngọc Linh) ra vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, trồng ở vùng núi có độ cao từ 1.000m trở lên không phải là mới, song có thể nói, đây là đề xuất chính thức tại diễn đàn lần này được giới khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp khá quan tâm. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kiến nghị, bên cạnh có một số dự án hỗ trợ cây sâm, Chính phủ nên có dự án quốc gia về di thực cây sâm Ngọc Linh, tạo vùng nguyên liệu phát triển công nghiệp sâm. Ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam chia sẻ thêm, phía Liên minh HTX Việt Nam sẽ giúp tỉnh di thực một số loài dược liệu, xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu của quốc gia, đồng thời sẽ giúp di thực cây sâm Ngọc Linh ra một số vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng…
Theo đề xuất của giới khoa học, trước hết cần nghiên cứu, di thực cây sâm Ngọc Linh ra vùng núi cao thuộc miền Trung, gần nhất với vùng núi Ngọc Linh của Quảng Nam và Kon Tum có ngọn núi Cà Đam (độ cao 1.413m, có nhiệt độ trung bình từ 21 - 23 độ C). Ngay trên đỉnh núi Cà Đam cũng có giống sâm 7 lá chất lượng nên được đánh giá khá phù hợp để di thực sâm Ngọc Linh tạo nên “tam giác sâm Ngọc Linh” giữa Quảng Nam - Kon Tum - Quảng Ngãi. Trả lời về tính khoa học và thực tiễn của chủ trương di thực cây sâm Ngọc Linh, ông Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xác nhận: “Muốn di thực sâm Ngọc Linh phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, đánh giá hiệu quả trong thực tế rồi mới nhân rộng chứ không phải một lúc có thể làm được. Không phải ngẫu nhiên khi đánh giá sâm Ngọc Linh có thể phù hợp với nhiều vùng có khí hậu tương đồng ở các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi và một số vùng của Quảng Nam… Vùng di thực có chất lượng sâm đạt 80 - 90% so với vùng sâm gốc đã là thành công rồi” - ông Chiến nói.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, Quảng Nam có nhiều loài dược liệu quý, đặc biệt cây sâm Ngọc Linh là loài dược liệu quý hiếm, có giá trị cao nhất trong các loại cây trồng hiện nay. Việc nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh phục vụ trồng ở những địa phương vùng di thực có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng là hết sức cần thiết. Quảng Nam kêu gọi sự ủng hộ của các nhà khoa học, các bộ ngành, đi sâu phân tích, đánh giá điều kiện tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng, di thực, khảo nghiệm cây sâm Ngọc Linh ra một số nơi cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ trong khâu tạo giống, phát triển vùng nguyên liệu hàng hóa, phát triển công nghiệp sâm…
THÚC ĐẨY CHÍNH SÁCH LÂM NGHIỆP
Phát triển chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, tăng cường các chính sách lâm nghiệp, thúc đẩy sinh kế bền vững vùng đồng bào DTTS vẫn đang là vấn đề đầy thách thức.
Biểu diễn văn nghệ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh tại lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần 8.2018. Ảnh: H.L |
Thu hẹp khoảng cách
Theo đánh giá của các chuyên gia tại Diễn đàn phát triển DTTS 2018 tại Quảng Nam, dù thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong cải thiện nền kinh tế và trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, song vẫn còn những tồn tại, thách thức lớn, đó là sự tụt hậu trên nhiều phương diện. Theo bà Madhu Raghunath - Trưởng nhóm Chương trình phát triển bền vững, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tỷ lệ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 57% năm 2014 xuống còn 44% trong năm 2016; 90% đồng bào DTTS được tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ 2 - 3 tuổi đi học mầm non ở vùng đồng bào DTTS tăng 20%... Song, một thực tế khác được bà Madhu Raghunath chỉ ra là tỷ lệ trẻ em chậm lớn ở nhóm đồng bào DTTS cao gấp 2 lần (31%), khoảng 6,6 trên tổng số 9 triệu người (73%) người nghèo hiện nay là người DTTS. Tỷ lệ tiêu thụ trên đầu người của nhóm DTTS thấp hơn 45% so với nhóm người Kinh. Khoảng cách về thu nhập giữa nhóm DTTS và nhóm người Kinh quá lớn là kết quả của việc thiếu cơ hội tiếp cận các nguồn thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp có giá trị…
Giải pháp phát triển kinh tế cho nhóm DTTS là vấn đề trọng tâm được các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước mổ xẻ tại diễn đàn. Ông Achim Fock - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, một giải pháp quan trọng là cần tạo thêm và tăng cường tiếp cận đối với các nguồn thu nhập thuộc các giá trị cao trong nền kinh tế, tăng cường sự tham gia của đồng bào DTTS vào nhóm nghề có thu nhập cao hơn, đa dạng hóa sinh kế theo hướng phân khúc giá trị cao của nền kinh tế. Cũng theo ông Achim Fock, để giải quyết vấn đề gốc rễ của đói nghèo, cần có chính sách và đầu tư để nâng cao năng lực cho nhóm DTTS. Đó là hỗ trợ phát triển kỹ năng (chính sách giáo dục đào tạo, đào tạo nghề, khuyến nông); nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay (các chương trình, chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp, các khoản vốn vay…); nâng cao khả năng tiếp cận thông tin (thị trường lao động, áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất); tăng cường kết nối (đầu tư hạ tầng cung ứng đến điểm đầu cuối, vận chuyển…). “Đồng bào DTTS rất đa dạng, cần có sự quyết tâm tìm ra nhiều cách tiếp cận, thực hiện nhiều nhóm giải pháp. Cần hỗ trợ, tạo sự đa dạng trong sinh kế của người đồng bào thiểu số. Phần lớn thu nhập của người DTTS đến từ nông nghiệp, mà đất đai khai thác lâu năm trở nên cằn cỗi, bạc màu, cây trồng có giá trị thấp nên cần phải cải thiện các cây trồng có giá trị cao, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp trong cộng đồng DTTS, tăng năng suất lao động, giá trị sản xuất…” - ông Achim Fock nói.
Chính sách lâm nghiệp bền vững
“Để tạo chuỗi giá trị, người dân vùng đồng bào DTTS phải tiếp cận được thông tin thị trường, tạo chuỗi sản phẩm bản địa, đảm bảo minh bạch thông tin từ người sản xuất đến người tiêu dùng, tạo niềm tin từ 2 phía. Để chuỗi giá trị hoạt động được, cần các dịch vụ hỗ trợ (hạ tầng, giao thông, đào tạo, tăng cường năng lực, kỹ năng, các điều kiện về tài chính, cho vay, tín dụng trong các hợp tác xã, các loại chứng nhận tiêu chuẩn…), có như vậy mới tiếp cận được thị trường hiện đại. Với hướng đi này, Việt Nam chỉ mới thành công với mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, song chính sách đối với miền núi thì chưa có, hoặc chưa hiệu quả. Với mô hình kinh doanh trong chuỗi giá trị, nông dân phải tham gia các chuỗi giá trị, các hợp tác xã, nhận thức của người dân được tăng lên, phải có doanh nghiệp đầu tàu…” - TS. Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. |
Chia sẻ, đánh giá tiềm năng và cơ hội từ chính sách phát triển kinh tế rừng, cải thiện sinh kế của đồng bào DTTS ở Việt Nam là rất lớn, nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách đã đề xuất xu hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp dựa vào rừng song vẫn giữ được rừng, cải thiện đời sống vùng đồng bào DTTS. GS-TS. Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, cần phải giải quyết bài toán gắn kết giữa lâm nghiệp với cải thiện sinh kế, tạo sự phát triển bền vững. “Phát triển sinh kế dựa vào bảo tồn rừng có khai thác. Giá trị của rừng ở một số quốc gia như Nhật Bản (giá trị rừng chiếm 96%, lâm sản chiếm 4%) gợi suy cho chúng ta hướng phát triển lâm nghiệp môi trường. Ở Việt Nam, giá trị rừng và gỗ rừng, lâm sản rừng ngang bằng nhau, cho thấy cơ hội tiếp cận dịch vụ rừng, thu nhập từ rừng, phát triển du lịch, phát triển nông lâm kết hợp là rất lớn. Luật Lâm nghiệp mới đã quy định lâm nghiệp là một ngành kinh tế đặc thù trong nền kinh tế. Việc liên kết các chuỗi giá trị, liên kết với các chủ rừng theo nguyên tắc phát triển rừng bền vững, lấy con người làm trung tâm… đang là hướng đi bền vững”.
Song cũng theo GS. Điển, tồn tại, thách thức hiện nay ở miền núi là đất lâm nghiệp chưa trở thành tài sản của người đồng bào DTTS, thiếu liên kết trong phát triển chuỗi giá trị sản xuất ở vùng đồng bào. “Khâu liên kết theo chuỗi đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân phải đóng vai trò chủ đạo, hợp tác xã phải là nòng cốt liên kết xây dựng các chuỗi giá trị lâm nghiệp giữa doanh nghiệp và người dân. Cùng với Luật Lâm nghiệp mới, Nghị định 75 của Chính phủ về phát triển rừng bền vững gắn với vùng đồng bào DTTS có nhiều chính sách mới cho sự phát triển. Song, yêu cầu đặt ra là cần có chính sách tích tụ đất lâm nghiệp, nếu không thì khó sẽ hình thành vùng sản xuất hàng hóa” - GS. Điển nói.
PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My:
Khó khăn về giống
Để phát triển nền công nghiệp sâm Ngọc Linh, cần chú trọng đầu tư đồng bộ, từ cơ sở hạ tầng, giống sâm, di thực sâm, sản phẩm từ sâm, an ninh sâm, văn hóa sâm (du lịch sâm, ẩm thực sâm, hình ảnh, sáng tác nghệ thuật về vùng sâm)… Để phát triển chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh, cần đầu tư mạnh cho cây sâm, tháo gỡ khó khăn về giống bởi hiện chưa có nguồn giống chuẩn phục vụ trồng tạo vùng nguyên liệu hàng hóa. Các nước khác để có nền công nghiệp sâm thì phải có vùng nguyên liệu, trong khi chúng ta đã có gần 100 sản phẩm từ sâm nhưng chủ yếu là thực phẩm chức năng, còn mỹ phẩm và dược phẩm thì chưa có…
Sâm Ngọc Linh được bày bán tại hội chợ sâm Ngọc Linh. Ảnh: H.L |
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT:
Cần xây dựng các hợp tác xã phát triển sâm
Kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi giá trị ở Quảng Nam là phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia chuỗi giá trị. Quảng Nam khá thành công từ chính sách giao khoán, bảo vệ rừng, hỗ trợ cho đồng bào quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sâm củ Ngọc Linh. Bản thân người dân hợp tác sản xuất rồi, chúng ta cần thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sâm. Hợp tác xã có thể làm dịch vụ đầu vào, tổ chức thu gom các hạt giống của các thành viên, cung ứng cho hạt giống đầu vào, tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh. Chính sách mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý, vùng sản xuất sâm Ngọc Linh góp phần phát triển vùng nguyên liệu. Mục tiêu đến năm 2030, cả tỉnh sản xuất hơn 6.000ha và đến năm 2030, cả nước phát triển 15.000ha sâm, nếu đạt được mục tiêu này thì quá tuyệt vời. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi từ cơ chế, chính sách rồi, song cái khó hiện nay là phát triển giống sâm, chắc chắn các doanh nghiệp đang chủ động tìm kiếm nguồn giống để nhân giống. Về khâu chế biến sâu sản phẩm, tỉnh có chủ trương bố trí quỹ đất. Cùng với đó, cần có những cơ chế, chính sách thông thoáng của Chính phủ, các bộ ngành để phát triển công nghiệp sâm…
Bà Madhu Raghunath - Ngân hàng thế giới tại Việt Nam:
“Cần phát huy vai trò của người dân”
Làm thế nào để tăng cường sự tham gia của người dân vào chuỗi giá trị? Câu chuyện ở đây liên quan đến nhu cầu của người dân thiểu số, cuộc sống gắn với rừng. Cần bảo tồn và phát triển rừng gắn với sinh kế bền vững người đồng bào DTTS. Cần “thổi hồn” vào các sản phẩm văn hóa gắn với rừng, biến người dân trở thành đối tác trong chuỗi giá trị, phát triển chuỗi giá trị. Ngân hàng Thế giới luôn sát cánh cùng với Việt Nam trong phát triển chuỗi giá trị, xây dựng sinh kế cho người nghèo. Chính phủ cần tăng cường các chương trình hỗ trợ quốc gia về phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ công nghệ, đưa thông tin đến đồng bào DTTS, giúp họ thay đổi nhận thức…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình:
Kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp
Phải đặc biệt lưu ý tới câu chuyện phát triển các chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ ở miền núi. Cần có chính sách hữu hiệu bảo vệ và phát triển rừng, kêu gọi người đồng bào DTTS tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như tạo điều kiện để người dân nơi đây yên tâm gắn bó với rừng, làm giàu từ rừng. Tăng cường liên kết, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sâm Ngọc Linh và lâm sản ngoài gỗ, đưa cây sâm Ngọc Linh xứng tầm với sản phẩm quốc gia. Cùng với đó, kêu gọi sự hợp tác phát triển của các thành phần kinh tế tư nhân vào vùng sâm. Đặc biệt, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền núi, vùng đồng bào DTTS với các vùng là chủ trương hết sức quan trọng.
BÍCH LIÊN