Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học và ước muốn góp phần để bảo vệ môi trường, một nhóm sinh viên quê Quảng Nam đang học tại Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng đã chế tạo ra tổ hợp máy xử lý chất thải rắn.
Trong những năm gần đây, Trường ĐHBK Đà Nẵng khuyến khích sinh viên theo học tại trường nghiên cứu sáng tạo, có những công trình khoa học hướng đến việc bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, trong một lần nghe bạn bè sinh sống ở Cù Lao Chàm chia sẻ rằng việc xử lý rác không phân hủy phải vận chuyển vào đất liền khá nhiêu khê nên Nguyễn Thanh Đô (xã Điện Phương, Điện Bàn) và Đoàn Công Trung (xã Duy Trung, Duy Xuyên), đang học tại Khoa Cơ khí đã cùng với một người bạn cùng lớp ở Nghệ An mày mò sáng chế ra chiếc máy xử lý chất thải rắn. Bắt tay vào công việc từ tháng 12.2016, trong khoảng 5 tháng, nhóm bạn trẻ này đã dành hầu hết thời gian rảnh để mua các vật liệu về rồi ra xưởng tự tay hàn, khớp nối các chi tiết máy. Nguyễn Thanh Đô chia sẻ, nhà trường hỗ trợ một phần chi phí, còn lại các bạn phải “bù vào” bằng cách dạy học, làm thêm của các thành viên trong nhóm, vì có nhiều chi tiết phức tạp phải làm đi làm lại do chưa có kinh nghiệm nên tổng kinh phí để chế tạo hơn 10 triệu đồng.
Được biết, tổ hợp máy xử lý chất thải rắn của nhóm gồm 3 chiếc máy có thể hoạt động độc lập với nhau. Chiếc máy thứ nhất có chức năng nghiền các loại rác thải, tại đây các loại rác khó phân hủy như chai nhựa khi cho vào sẽ được nghiền nát ra thành những hạt nhựa nhỏ tựa như bột mịn. Chiếc máy thứ hai lại có công dụng kéo sợi, khi bỏ 1kg nhựa vào máy có thể kéo được 40 mét sợi, từ những mét sợi này hoặc các hạt nhựa nhỏ có được từ chiếc máy thứ nhất có thể đem sang chiếc máy thứ 3 để đúc các sản phẩm đơn giản có thể sử dụng trong đời sống thường nhật. Đoàn Công Trung cho biết, hiện tại do nhóm chưa có nhiều kinh nghiệm nên sản phẩm đúc được từ chiếc máy thứ ba mới chỉ là hộp đựng bút bi hoặc sọt rác nhỏ trong gia đình. Trong ba chiếc máy trên, chiếc máy nghiền tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc của nhóm nhất vì có một động cơ có giá tới 1,5 triệu đồng nhưng nhóm làm cháy phải đặt hàng tận TP.Hồ Chí Minh để làm lại.
Đầu tháng 6 vừa rồi, tại Bình Thuận, sản phẩm của nhóm đã vinh dự đại diện cho Trường ĐHBK Đà Nẵng tham dự chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc 2017” với chủ đề “Vững chủ quyền, khởi nghiệp từ biển” cùng nhiều trường đại học khác trên toàn quốc. Được biết, những chiếc máy này được thiết kế tự động hóa và dễ dàng sử dụng đối với cả những người không rành về công nghệ, đối tượng sử dụng mà nhóm hướng đến trong tương lai nếu phát triển được là các nhà hàng hoặc cộng đồng khu dân cư. Hiện tại, nhóm vẫn đang nghiên cứu phát triển từng bước để cải tiến sản phẩm dần hoàn thiện hơn. Mục tiêu của nhóm là nâng công suất hoạt động, giảm chi phí sản xuất sản phẩm để có thể cạnh tranh, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong thời gian tới.
QUỐC TUẤN