Nhiều cơ chế ưu đãi, nhất là sự hỗ trợ về tài chính từ Quỹ hỗ trợ ngư dân, đã tác động mạnh đến nỗ lực vươn khơi của ngư dân. Nhiều làng nghề đóng tàu truyền thống cũng có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, trên thực tế lại nảy sinh các vấn đề mới khiến nhiều nơi “sợ” đóng tàu lớn, do thủ tục thiết kế và đăng kiểm rườm rà…
.Kêu khó vì… thủ tục
Những năm qua, Nhà nước luôn tạo điều kiện khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cũ để đánh bắt hiệu quả hơn. Những quy định về “giấy khai sinh”, đăng kiểm tàu thuyền cũng trở nên chặt chẽ nhằm hạn chế rủi ro cho ngư dân khi vươn khơi. Từ ngày 28.11.2007, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành quy chế đăng kiểm tàu cá (Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN). Thế nhưng, đến năm 2010, Quảng Nam mới có phương án triển khai thực hiện đăng kiểm. Cụ thể, từ 1.7.2010, tàu đóng mới có công suất 250CV trở lên, các tàu hoạt động ở vùng biển hạn chế cấp I hoặc không hạn chế… khi đóng mới bắt buộc phải có thiết kế kỹ thuật được cơ quan đăng kiểm phê duyệt. Còn tàu có công suất từ 90CV đến dưới 250CV, đóng theo mẫu dân gian Quảng Nam, thì yêu cầu phải có hồ sơ hoàn công.
Để tồn tại, không ít cơ sở chỉ “dám” đóng tàu loại nhỏ. Ảnh: H.PHÚC |
Ông Trần Ngọc Hoàng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hà Tiên Khôi (đóng tại thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) là chủ xưởng đóng tàu thuyền truyền thống hàng chục năm nay. Phải mất thời gian khá dài, thương hiệu “tàu Tân Phú” của ông mới được khẳng định, tạo uy tín với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Vậy mà, 3 năm trở lại đây, làng nghề tụt dốc, hoạt động èo uột. Những dự án đóng tàu vươn khơi đành dang dở, “bạn hàng” truyền thống dần rời xa. Năm 2012, doanh nghiệp này chỉ đóng vỏn vẹn 10 tàu thuyền, tất cả đều dưới công suất 250CV. Cuối năm vừa qua, đang phấn khởi nhận đóng tàu 320CV có giá trị hợp đồng tiền tỷ cho một ngư dân Quảng Ngãi, thì đột nhiên khách hàng thay đổi, chỉ thanh toán phần thân gỗ tàu; còn máy móc, các thủ tục pháp lý về “lai lịch” con tàu họ tự đem về quê lo liệu.
Theo lý giải của ông Hoàng, hợp đồng bị thay đổi do phía đối tác chờ đợi thời gian phê duyệt thiết kế tàu, cơ quan đăng kiểm thẩm định quá lâu nên… hết kiên nhẫn. Bất cập ở chỗ, tại Quảng Nam chưa có đơn vị tư vấn thiết kế tàu, mà phải tìm đến Đà Nẵng hay vào tận Nha Trang. Hồ sơ, văn bản gửi đi hết cơ quan này đến cơ quan khác, tốn chi phí không nhỏ. Trước đây, khách hàng ở Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng tìm đến làng Tân Phú đặt hàng bởi làng nghề này có ưu thế mẫu mã tàu đẹp, giá rẻ hơn nơi khác. Nhưng từ ngày quy định thủ tục pháp lý này, cơ sở thưa vắng dần khách hàng. “Để đóng con tàu 250CV trở lên, chủ xưởng và chủ tàu phải gõ cửa nhiều cơ quan mới mong đến ngày tàu “xuống nước”. Vì quá phiền phức với thủ tục, nên năm 2012 cơ sở tôi đóng toàn loại tàu nhỏ, không phải lập hồ sơ thiết kế chi hết” – ông Hoàng nói.
Nhiều chủ cơ sở đóng tàu ở làng Tân Phú cũng rơi vào tình trạng mất khách hàng. Vì thủ tục thẩm định phương tiện phức tạp, nên các cơ sở vừa đóng vừa lo “chạy” thủ tục. Như trường hợp cơ sở của ông Trần Văn Trung (làng Tân Phú), tàu đã được cho “xuống nước” nhưng đành phải “mắc cạn” vì cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện thiếu hồ sơ, thủ tục đăng kiểm. Tìm hiểu ở xã Duy Vinh (Duy Xuyên), xã Tam Quang (Núi Thành)…, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở đóng tàu thuyền cũng mắc lỗi như tàu đã hoàn thành khung sườn, đang làm mê nhưng vẫn chưa có thiết kế…
Bất cập
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đóng 47 tàu công suất 250CV trở lên. Do hạn chế về năng lực, cơ sở vật chất kỹ thuật của cơ sở đóng tàu nên chất lượng tàu cá không cao, nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn theo quy định. |
Ngư dân làm nghề đánh bắt xa bờ có quan niệm tín ngưỡng, tâm linh rất đặc thù. Không phải tàu thuyền được đóng xong là có thể hạ thủy ngay. Mẫu mã, việc lựa chọn loại gỗ cho tàu, các thông số kỹ thuật… đều dựa theo công thức truyền thống. Họ xem ngày giờ, thủy triều để “xuống nước” cũng theo kinh nghiệm dân gian. Trong khi đó, những quy định hành chính của Nhà nước thì lại đòi hỏi độ an toàn cao về khâu kỹ thuật, tính pháp lý ràng buộc và không thể làm thỏa mãn thói quen, kinh nghiệm dân gian của người dân.
Theo quy định, chủ cơ sở muốn đóng tàu công suất 250CV trở lên phải hợp đồng với một trung tâm tư vấn thiết kế tàu thuyền. Sau khi đơn vị này hoàn tất hồ sơ, chủ cơ sở gửi ra Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (thuộc Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản) thẩm định, phê duyệt. Cuối cùng, xin văn bản chấp thuận của Sở NN&PTNT (ủy quyền cho Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản), khi có hợp đồng giám sát đóng mới tàu.
Ông Ngô Văn Định - Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam - khẳng định, những quy định này dù chặt chẽ và cần thiết nhưng trên thực tế lại gây không ít khó khăn cho chủ tàu, chủ xưởng. Vướng mắc ở chỗ, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm tư vấn thiết kế tàu thuyền, do vậy khi muốn đóng mới tàu công suất 250CV trở lên, chủ tàu phải liên hệ với đơn vị thiết kế ở các nơi khác. “Lỗi sai phạm phổ biến nhất của các chủ xưởng đóng tàu là đăng ký một đường thi công một nẻo. Để “lách” quy định, phải có hồ sơ thiết kế đóng tàu. Một số trường hợp đăng ký đóng tàu dưới 250CV, nhưng qua kiểm tra, máy móc công suất lớn, không đảm bảo nguyên tắc, buộc họ phải khắc phục, hoán cải. Những cơ sở có thiết kế thì chấp hành rất nghiêm túc” – ông Định nói. Cũng theo ông Định, việc lập hồ sơ thiết kế, đăng kiểm tốn kém tiền bạc cũng là một trong những nguyên nhân khiến các chủ xưởng ngại nhận đóng tàu lớn.
Trong khi đó, nhiều chủ cơ sở đóng tàu khẳng định họ vẫn biết việc đóng tàu khi chưa hoàn tất thủ tục hồ sơ là sai quy trình và quy định pháp luật, nhưng chuyện tìm đơn vị thiết kế không dễ. Thêm vào đó, thời gian thẩm định lại khá lâu, bất đắc dĩ họ đóng tàu trước rồi lo thủ tục sau. Vì thế, tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô” đang trở nên khá phổ biến ở các làng nghề đóng tàu truyền thống hiện nay.
HỮU PHÚC