Tới thời điểm này, Đề án số hóa truyền hình tại Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn I và 8 tỉnh/thành thuộc giai đoạn II cũng đã hoàn thành đúng lộ trình đặt ra. Bộ TT-TT xúc tiến đẩy nhanh tiến độ, gỡ vướng cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền hình tại Việt Nam được thực hiện theo 4 giai đoạn, theo đó, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương được phân chia thành 4 nhóm số hóa. Các địa bàn đã thực hiện số hóa xong bao gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang. Theo ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn I và một phần giai đoạn II chiếm gần 50% dân số cả nước. 15 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) từ 1.7.2017. Một số tỉnh thuộc nhóm III gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ ngừng phát sóng analog từ ngày 31.12.2017.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho rằng, để việc triển khai đề án đúng tiến độ, phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề liên quan đến việc lựa chọn hạ tầng truyền dẫn phát sóng (mặt đất, vệ tinh hay kết hợp), kinh phí cho truyền dẫn phát sóng và việc lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện truyền dẫn phát sóng. Trong đó, khó khăn là việc lựa chọn giải pháp truyền dẫn phát sóng phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, kỹ thuật của từng địa phương và hiện rất khó có giải pháp chung cho tất cả. Ngoài khó khăn vì kinh phí dành cho công tác truyền thông hạn hẹp; thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đầu thu DVB-T2 khá cao; vướng mắc lớn phát sinh từ việc khảo sát, xác định địa bàn bị ảnh hưởng cũng như số lượng hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ phát sinh nhiều so với dự kiến... Trong 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog đợt II vào 1.7.2017, có gần 590.000 hộ nghèo, cận nghèo, lớn hơn tổng số đầu thu đã hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 1 và đợt 1 của giai đoạn 2. Kinh phí đầu tư cho mua đầu thu hỗ trợ cho người nghèo tăng thêm so với dự kiến cũng là trở ngại lớn.
Theo Ban Chỉ đạo đề án số hóa truyền hình Việt Nam, cần kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT) và truyền hình số qua vệ tinh (DTH) nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả phủ sóng, phù hợp với điều kiện thực tế ở những địa bàn miền núi, hải đảo. Đặc biệt, với một số tỉnh thuộc nhóm II và phần lớn các tỉnh thuộc nhóm III, IV có địa bàn trung du, đồi núi, việc kết hợp phủ sóng truyền hình số mặt đất tại các địa bàn nằm trong vùng phủ của trạm phát chính và sử dụng truyền hình qua vệ tinh tại các địa bàn phủ sóng bằng các trạm phát lại để thực hiện số hóa là phù hợp. Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án, trách nhiệm của địa phương về thông tin tuyên truyền, hỗ trợ STB cho một số đối tượng chính sách khó khăn, tổ chức truyền dẫn, phát sóng kênh truyền hình địa phương… là rất lớn. UBND tỉnh và Sở TT-TT các tỉnh phải vào cuộc, chỉ đạo Đài PT-TH địa phương nêu cao trách nhiệm trong quá trình này. Bộ TT-TT cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, cơ chế điều hành để các doanh nghiệp, tổ chức truyền dẫn phát sóng có thể cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn nữa…
TRIÊU NHAN (tổng hợp)