Sợ tết

MỘC MIÊN 13/01/2020 11:01

Có một trạng thái mâu thuẫn ở con người mình, là tết thì vui, nhưng sợ. Chẳng chết ai, nhưng cứ sợ. “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, Nguyễn Công Trứ phơi bày trạng thái vui sống, kêu gọi giao hòa với trời đất như thế, bởi đời người có mấy đâu, nhưng càng lớn càng sợ tết.

Tết là mệt. Có ba ngày mà nó hành tả tơi. Ai cũng than vậy. Trăm thứ việc, cuối năm phải chạy đua, từ cơ quan đến nhà riêng. Nợ nần, mình nợ họ, họ nợ mình. Tiền chính là cái trục làm khổ. Chi tiêu mua sắm, cho biếu tặng, sửa sang xe cộ nhà cửa, rồi dành dụm để năm tới còn phải lo này nọ. Kẻ ở xa thì tính có nên về quê không. Người ở quê thì mong được gặp người thân, nó không về thì mình sẽ phải chờ, đón tết thiếu vắng.

Sợ, khi nhìn mẹ cha già thêm, ngày trăm tuổi tới gần, mà phận con thì chưa tròn. Tới lúc nào đó, tết thiếu vắng song thân. Rồi cũng sẽ đến lượt mình, lúc đó con mình sẽ nghĩ như mình. Nghĩ đến con mà xót ruột. Ai có con tết không về nhà với mẹ cha anh em, mới thấm nỗi trống vắng. Một bữa ăn đủ đầy người thân ngày tết như chén rượu ấm nồng. Thiếu một chỗ ngồi, thì như giọt mưa buồn rơi trên mái tranh.

Sợ, bởi không chống nổi thời gian. Một người có lẽ cả đời triết lý như Phạm Công Thiện, có nói rằng thời gian thực ra đứng yên, nó chạy là do mình nghĩ, mình ý niệm, vận vào, nghĩ rằng… Tức là mình thành nô lệ của nó. Coi nó ngoài mình, là ngoại thân, thì chẳng sợ gì nữa. Tóm lại là ngộ về hữu hạn và vô hạn. Nhưng đời thì sờ sờ ra đó, bao người suốt ngày ăn chay đi chùa tụng kinh niệm Phật, lời dạy về thân tứ đại là vô thường, cõi này là tạm… thuộc làu làu, nhưng thực tế sống là khác, chẳng thoát khỏi hỉ nộ ái ố, tết về than một câu “mình lại thêm một tuổi, già rồi”. Nói xong họ đưa tay vuốt tóc, có loi hoi mấy sợi bạc hay còn rậm rạp xanh đen, cũng không cản được đôi mắt tiếc rẻ như muốn ứa ra giọt nước. Lúc đó, thấy phận người thiệt tội.

Làm sao để hết sợ? Tránh được nó, như coi thường được lợi danh (mà cũng chưa chắc, khi nỗi cô đơn có tên là gương mặt thứ hai của kiếp người). Nhiều người qua bên kia dốc cuộc đời, chữ nghĩa xem ra đầy mình, nói toàn thánh hiền minh triết vạn đại, nhưng hình như vẫn sợ thiên hạ không biết mình, quên mình rồi, cũng cố ngoi lên chút, dù thoi thóp, để rồi mọi thứ như vân cẩu trên trời. Lúc đầu nghĩ họ tào lao, nhưng ngẫm lại, thấy thương. Họ sợ. Nó là thuộc tính. Tinh thần vô úy chỉ có thể có khi tịnh khẩu, và nếu đúng như thế, thì có quyền nghi ngờ cả Phạm Công Thiện bởi làm sao siêu âm được tư tưởng của ông, ngoài những con chữ tràn lan?

Nếu không lấy tết làm mốc để ngó lại rồi lại đi, thì có lẽ không sợ? Chưa chắc, bởi sẽ đẻ ra những cái mốc khác, lúc đó sẽ than vô vàn câu rằng chẳng có cơ hội để biết mình đã đi đến đâu, làm chi, bao giờ dừng lại, ngày mai sẽ ra sao? Tết, nghĩ cho cùng là ân sủng chính con người đặt ra cho mình, như phép thắng lợi tinh thần dựa trên màu xanh lá non khi qua buổi đông tàn.  Có lúc nghĩ, những ai qua tuổi 30, tết nên biến mất đi, bởi đây là buổi trình diễn của tuổi trẻ.  Nhưng ngó lại, bên chiếc cầu uốn lượn qua sông kia, mấy bà U 50 - 60 còn áo xống xênh xang điệu đàng như bánh tét bẻ cong đứng “seo phì” trước gió, giật mình nghĩ, lòng ham sống mạnh hơn cái chết, đúng vậy không như bao tiểu thuyết đã viết?

Rồi tết sẽ qua, nỗi sợ đi không một lời từ biệt, rồi chừng vào đông là nó len lén đến. Mọi thứ đến và đi là lẽ thường hằng của trời đất, có sợ cũng không tránh được. Nghĩ tới đây, ngó cây mai vì bị rợp nên búp không có, lá thì loe hoe vài chiếc, tết này nó không ra bông, nhưng có thấy nó nói năng than vãn chi đâu. Nó sinh ra để người ngắm, bình phẩm, chứ tự thân nó có khi nó không cần chi cả. Biết đâu, không nở hoa, mới là một trời vô úy, lúc đó đúng là tết thật tết…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sợ tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO