Sôi động lễ hội ở Đông Nam Á

K.O (tổng hợp) 13/04/2013 15:22

Cứ vào trung tuần tháng 4 hằng năm, nhiều nước khu vực Đông Nam Á lại đắm mình trong các mùa lễ hội truyền thống.

Tết đón năm mới của người Lào (Bunpimay) diễn ra từ ngày 14 - 16.4, còn gọi là “tết buộc chỉ cổ tay” hay “lễ hội té nước”, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc. Đêm giao thừa là lúc người Lào có thói quen du xuân. Từ mấy ngày trước, trung tâm công viên Đài chiến thắng Patuxay ở thủ đô Viêng Chăn được trang trí đèn hoa lộng lẫy. Trong các rạp hát, nhà văn hóa, người dân được thưởng thức những tiết mục múa cổ truyền đặc sắc, mang đậm tín ngưỡng dân gian ở đất nước xem Phật giáo là quốc giáo. Dịp này, người dân chuẩn bị nước thơm để “té” lên nhau với những câu chúc tốt lành. Tết cũng là dịp người dân tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, tham gia rước tượng Phật ra một gian riêng trong 3 ngày, nhà chùa mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng mang về nhà xức vào người làm phước.

Lễ hội té nước tại Thái Lan. (Internet)
Lễ hội té nước tại Thái Lan. (Internet)

Tết của người Thái Lan (Tết Songkran - lễ hội té nước) diễn ra từ ngày 13 - 15.4. Đây được xem là một trong những lễ hội hấp dẫn, sôi nổi và thu hút  du khách thập phương. Cũng như người Việt Nam, người Thái chuẩn bị đón tết cổ truyền từ rất sớm. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng tươm tất. Vào sáng ngày đầu tiên của năm mới, người Thái diện thật đẹp, ăn bữa cơm gia đình và lên chùa sớm. Sau các nghi thức tại chùa, họ về nhà quây quần với gia đình, thưởng thức hương vị ngày tết, sau đó tham gia các hoạt động văn hóa sôi nổi của cộng đồng. Và một trong những hoạt động chính của Tết Songkran là lễ hội té nước, theo quan niệm của người Thái ai được “té” nhiều nước lên người sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Theo truyền thống Campuchia, tết Chol Chnam Thmay là dịp cùng nhau mở hội vui chơi, thư giãn trước khi bước vào mùa mưa. Trong suốt 3 ngày lễ (13 - 15.4), khắp cả nước đâu đâu cũng vang vọng tiếng nhạc, đèn hoa sáng rực từ các ngôi chùa kéo dài đến các nẻo đường dẫn đến hoàng cung. Người Campuchia đi viếng chùa, cúng dường để tỏ lòng thành kính đức Phật, cầu chúc những điều tốt đẹp trong năm mới. Đêm giao thừa, hàng ngàn hoa đăng được thả trôi lung linh trên các hồ. Người ta tin rằng đèn của nhà nào vừa đẹp vừa sáng suốt đêm thì nhà ấy gặp nhiều điều tốt lành trong năm mới. Các lễ hội đường phố nhộn nhịp như lễ té nước, bôi bột màu… được diễn ra thay cho những lời chúc tốt lành năm mới.

Ở nước ta, Lễ hội Đền Hùng (Giỗ tổ Hùng Vương) diễn ra vào 10.3 âm lịch hằng năm. Lễ rước kiệu và dâng hương diễn ra trang nghiêm tại đền để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 14-19.4 dương lịch, với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức rộng khắp từ thành phố Việt Trì cho đến trung tâm lễ hội Đền Hùng và các vùng phụ cận… Đặc biệt, Lễ hội Đền Hùng 2013  cũng là sự kiện chào đón bằng công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại do UNESCO vinh danh.

K.O (tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sôi động lễ hội ở Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO