Từng đoàn xe tải chở đất, bê tông hối hả nối đuôi từ quốc lộ 1 đến Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng. Đây là một trong 5 KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai đang được các nhà đầu tư tập trung xây dựng dự án.
KCN Tam Thăng có tổng diện tích 193ha, thuộc xã Tam Thăng và một phần diện tích thuộc xã Bình Nam (huyện Thăng Bình). KCN này do Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư của dự án là 366 tỷ đồng. Theo Trung tâm Giải phóng mặt bằng Khu kinh tế mở Chu Lai, trong KCN Tam Thăng có gần 1.000 hộ dân cần phải giải tỏa trên tổng diện tích ảnh hưởng là 6.000m2 đất nông nghiệp. Đến nay đã có hơn 500 hộ dân địa phương nhận tiền bồi thường với tổng kinh phí 60 tỷ đồng và được bố trí khu tái định cư rộng 5ha ở thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng. Giá đất bố trí tái định cư cho dân hiện nay là 210 nghìn đồng/m2 cũng sẽ là giá đất ở thống nhất áp dụng cho toàn KCN Tam Thăng.
Hạ tầng tại Khu công nghiệp Tam Thăng được đầu tư đồng bộ. Ảnh: H.PHÚC |
Ông Nguyễn Văn Chúng, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho biết, đến ngày 31.3.2016, KCN Tam Thăng đã có 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký gần 191 triệu USD và 40 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất 160ha. Trong đó, đã có 5 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn đăng ký đầu tư gần 132 triệu USD và sử dụng diện tích đất khoảng 60ha. Sau một năm khởi động, KCN Tam Thăng đã có quỹ đất sạch 120ha, đáp ứng nhanh nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp. |
Hơn 1.000 lao động đầu tiên vừa được tuyển dụng cho Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng để đào tạo tay nghề. Đây là công ty dệt may có quy mô lớn, đang xây dựng trên 33ha tại KCN Tam Thăng với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD. Ông Kim Yong Sock - Giám đốc Công ty Panko Tam Thăng cho biết, Quảng Nam có nhiều lợi thế về giá thuê đất, tiềm năng về lao động và cơ chế ưu đãi vượt trội nên Tập đoàn Panko Hàn Quốc quyết định đầu tư xây dựng nhà máy dệt nhuộm may tại KCN Tam Thăng với quy trình sản xuất hiện đại, khép kín. Nhà máy này có công suất lớn nhất tỉnh hiện nay (sản phẩm dệt đạt 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm nhuộm 24 nghìn tấn/năm; sản phẩm may 75 triệu sản phẩm/năm và 30 triệu sản phẩm phụ liệu/năm). Bên cạnh đó, Tập đoàn Panko Hàn Quốc cũng đầu tư một nhà máy phụ trợ ngành may, có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD trên diện tích 6,1ha tại KCN Tam Thăng. Ngay trong năm 2016 này, công ty cần tuyển dụng 10.000 lao động phổ thông để doanh nghiệp đào tạo tay nghề. Đặc biệt, công ty hỗ trợ nhà ở phục vụ cho 9.600 công nhân công ty cùng hệ thống nhà trẻ, trường học, khu văn hóa thể thao phức hợp, mang lại cuộc sống ổn định cho người lao động. Hiện khu nhà ở công nhân đang được khẩn trương xây dựng. Kỹ sư Trịnh Xuân Đông - Giám đốc Công ty Xây dựng và kinh doanh nhà Tam Kỳ cho biết, đơn vị trúng thầu công trình này, mới thi công ngày 5.3.2016, quy mô giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Công trình xây dựng trên 5ha tại phường An Phú (TP.Tam Kỳ), bao gồm 14.000m2 sàn xây dựng với 3 cụm nhà 2 tầng phục vụ cho 1.600 công nhân Panko Tam Thăng “an cư lạc nghiệp”, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9 năm nay.
Trong 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào KCN Tam Thăng thì Công ty Bê tông Hồng Tín Tam Thăng (Công ty BT Hồng Tín) là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đầu tư nhà máy bê tông xi măng công suất 120m3/giờ, đồng thời là nhà thầu thi công 3 công trình lớn nhất tại đây. Vào ngày 30.7.2015, Công ty BT Hồng Tín đã thi công 2 dự án FDI 100% vốn Hàn Quốc cùng lúc: nhà máy dệt, phụ liệu Ducksan Vina, công suất 4.800 tấn/năm cho mỗi thành phẩm, tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, với diện tích sử dụng đất 6,6ha; nhà máy dệt nhuộm may Panko Tam Thăng có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD trên tổng diện tích 33,6ha. Ông Hồ Phúc Tuy - Giám đốc Công ty BT Hồng Tín chia sẻ, hằng ngày có khoảng 1 nghìn công nhân thi công 2 ca trên công trường nhà máy dệt nhuộm may Panko Tam Thăng. Nhà máy BT Hồng Tín chạy hết công suất mà vẫn “cháy hàng”, phải huy động cùng lúc bê tông của các nhà máy khác mới đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng, có ngày cao điểm đổ đến 3 - 4 nghìn khối bê tông xi măng mới kịp tiến độ thi công. Đến nay, Công ty BT Hồng Tín đã hoàn thành được 60% tổng khối lượng 100 nghìn mét khối bê tông xi măng và 210 nghìn mét vuông nhà xưởng dệt may nhuộm… Đặc biệt, nhà máy xử lý nước thải trị giá đầu tư 330 tỷ đồng, công suất 28.000m3/ngày đêm (công suất gấp 7 lần nhà máy xử lý nước thải tại KCN Bắc Chu Lai hiện nay) cũng đang được thi công khẩn trương.
NGUYỄN THANH BÌNH