Sôi động thị trường bán lẻ

VIỆT NGUYỄN 28/07/2020 09:52

Thị trường bán lẻ tại Quảng Nam đang diễn ra sôi động, cạnh tranh lành mạnh, đem lại nhiều lựa chọn mua sắm của khách hàng. 

Người tiêu dùng chuộng mua hàng hóa ở siêu thị. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người tiêu dùng chuộng mua hàng hóa ở siêu thị. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Phát triển nhiều loại hình bán lẻ

Thị trường bán lẻ Quảng Nam đa dạng, nhiều phân khúc với sự góp mặt của các nhà bán lẻ gồm trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến... Quảng Nam đang thu hút đầu tư cộng với làn sóng hội nhập ngày càng sâu rộng nên hệ thống bán lẻ sẽ ngày càng phong phú hơn, nhất là sự có mặt của các nhà bán lẻ nước ngoài.

Chỉ riêng ở đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ), hàng loạt nhà bán lẻ lớn xuất hiện như Điện máy xanh, Thế giới di động, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, siêu thị điện máy - nội thất Chợ Lớn và hàng chục siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, Quảng Nam đang tập trung đầu tư, phát triển mạnh mẽ hạ tầng bán lẻ. Trước mắt, dần thay thế bán lẻ truyền thống bằng loại hình hiện đại, bảo đảm sự phát triển hài hòa, phù hợp với từng phân khúc thị trường. Theo đó, quy hoạch, kết hợp với doanh nghiệp (DN) phát triển hệ thống kho bãi tổng hợp và chuyên dụng nhằm phục vụ mục đích bình ổn thị trường, nhất là bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp có thể gây bất ổn về giá, đặc biệt với các mặt hàng nông sản và hàng tiêu dùng thiết yếu. 

Ở các khu vực đô thị, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Đó là nhờ tỉnh, các địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Ở các địa bàn như xã Tam Hiệp, thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành), các chợ tạm tự phát dần được xóa bỏ, nhường chỗ cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên.

Dễ dàng nhận thấy, khu vực nông thôn của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, chợ truyền thống tồn tại song song với cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa. Nhờ đó, đảm bảo nhu cầu tiếp cận nguyên liệu, vật tư nông nghiệp cho người dân cũng như ổn định đầu ra cho người sản xuất. Theo Sở Công Thương, thời gian đến, Quảng Nam củng cố, nâng cấp, phát triển nhiều loại hình bán lẻ, khuyến khích phát triển kênh phân phối hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường nông thôn.

Cạnh tranh mạnh mẽ

Sở Công Thương cho biết, ngày 31.7 tới đây, dự kiến sẽ cấp các giấy tờ về an toàn thực phẩm theo quy định để Chi nhánh Trung tâm thương mại, dịch vụ Tam Kỳ tại Quảng Nam có thể mở cửa buôn bán các loại hình hàng ăn uống, hàng hóa thiết yếu, hàng may mặc... tại đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ). Doanh nghiệp nói trên có vị trí rất đắc địa để bán lẻ. Hoạt động của DN này sẽ làm tăng cạnh tranh ở thị trường bán lẻ. Cạnh tranh giữa các kênh bán lẻ sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn.

Anh Lê Duy Khoa - quản lý của siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chi nhánh Quảng Nam cho biết, điều quan trọng mà DN cần là Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong cuộc đua bán lẻ, giữa trong nước và ngoài nước, giữa kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại. Trong cạnh tranh, siêu thị Điện máy - nội thất Chợ Lớn chi nhánh Quảng Nam đã xây dựng được thương hiệu rất nổi bật. Các hoạt động đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại được thực hiện theo chiến lược dài hơi, bài bản. Nhờ đó, nhiều người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của DN. 

Hội nhập đem đến cơ hội và thách thức cho các nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Công Thương, trước sức ép của hội nhập kinh tế và thực hiện cam kết mở cửa thị trường nội địa theo đúng nội dung các FTA (hiệp định thương mại tự do), DN cần thay đổi để thích ứng. Các nhà bán lẻ cần nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội có được từ các FTA. Đồng thời, chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới phát sinh. DN nên tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia chuỗi giá trị. Liên kết, hợp tác với các nhà sản xuất sẽ giúp DN bán lẻ thuận lợi tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng trong nước, khu vực, toàn cầu để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sôi động thị trường bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO