Nghề báo được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất hiện nay. Các nhà báo trên thế giới vẫn luôn đối mặt với nhiều thách thức và hiểm nguy trong qua trình tác nghiệp. Nguy hiểm hơn cả phải kể đến nhà báo chiến trường. Họ phải luôn có mặt trên trận tuyến để cập nhật tin tức cho cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận, chấm dứt chiến sự, cứu trợ dân thường gặp khó khăn, mất mát dưới làn bom đạn.
Năm 2015, thế giới ghi nhận 66 trường hợp các nhà báo tử vong, chủ yếu ở những khu vực xảy ra xung đột. Còn từ đầu năm đến nay, 25 nhà báo bị thiệt mạng, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Trong đó, Somalia được biết đến là một trong những lãnh thổ rất nguy hiểm cho cánh nhà báo. Vì vậy, trong những ngày đầu tháng 6 này, khóa tập huấn giữa các lực lượng an ninh và những người cầm bút được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tổ chức là một động thái rất thiết thực và ý nghĩa nhằm bảo vệ an toàn cho các nhà báo Somalia - nơi cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài từ nhiều năm qua vẫn chưa đến hồi kết.
Bộ trưởng Thông tin, văn hóa và du lịch Somalia khẳng định, những buổi tập huấn như vậy sẽ giúp xây dựng niềm tin, mối liên hệ mật thiết giữa cơ quan an ninh và các nhà báo chiến trường. Với sự hỗ trợ của lực lượng an ninh, những nhà báo được đảm bảo an toàn để tiếp cận và lấy được thông tin chân thật nhất từ hiện trường. Sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau nhằm góp phần đem lại sự thống nhất, hòa bình và ổn định cho Somalia. UNESCO nhấn mạnh vai trò của những người cầm bút - đối với Somalia hay nhiều nước nói chung trước những vấn đề nóng hiện nay, là an ninh, khủng bố và phát triển.
Trước nguy hiểm và rủi ro cho các nhà báo, tại Hội nghị báo chí quốc tế diễn ra ở Tunisia hồi tháng 5 vừa qua, đại diện hơn 90 nước cùng nhiều tổ chức quốc tế đã gióng hồi chuông cảnh báo và khẩn cấp kêu gọi các quốc gia trên thế giới bảo đảm an toàn cho nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ. Tiếp đó, Liên hiệp quốc ra nghị quyết về đảm bảo an toàn cho các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo chiến trường; lên án những hành động giết hại các nhà báo đã xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, như tại Syira, Iraq; yêu cầu các bên trong các cuộc xung đột vũ trang phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ các nhà báo, cũng như đối với người dân thuộc vùng chiến sự. Ngoài ra, Liên hiệp quốc yêu cầu phải thả ngay lập tức và vô điều kiện các nhà báo bị bắt cóc hay bị giữ làm con tin.
QUỐC HƯNG