Cách đây vài ngày, lên huyện Quế Sơn, Tư tôi tình cờ thấy vợ chồng anh Sáu Phước Chánh ở xã Phú Thọ đang lom khom lột vỏ những cây keo lai trưởng thành vừa đốn hạ. Anh cho biết số diện tích keo nguyên liệu này là của một người ở thôn khác trong xã, vợ chồng anh chỉ lột vỏ keo thuê.
Vợ chồng anh Sáu có 5 sào đất canh tác lúa. Tuy nhiên, do hạ tầng thủy lợi chưa được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ nên hằng năm anh chỉ gieo sạ được vụ lúa đông xuân, còn hè thu thì thường phải bỏ ruộng hoang, nếu có chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn chủ lực cũng không mang lại thành công. Trồng trọt cho hiệu quả kinh tế thấp, trong khi chăn nuôi lâm vào tình trạng khủng hoảng kéo dài khiến đời sống của gia đình anh rất chật vật. Để có tiền trang trải cho con cái ăn học, 2 năm nay vợ chồng anh Sáu phải bám víu với nghề rừng từ việc nhận khoán phát dọn thực bì, đào hố trồng cây con đến khai thác, lột vỏ keo thuê. Anh Sáu nói: “Kiếm được đồng tiền từ cái nghề này nó gian nan lắm. Khoảng 4 giờ sáng, cả vợ lẫn chồng phải dậy lấy gạo nấu cơm, hâm lại thức ăn rồi bỏ vào cà mèn xách đi để trưa ăn trong rừng. Làm quần quật cả ngày, chủ rừng trả công cho vợ chồng tui 460 nghìn đồng. Chỗ xa, việc đi lại vất vả thì người ta cho thêm vài chục nghìn đổ xăng”.
Ông Nguyễn Trường Sang – Chủ tịch UBND xã Phú Thọ cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 300ha đất sản xuất lúa. Thế nhưng, do quá bức bí về nguồn nước tưới nên vụ hè thu nào nhà nông nơi đây cũng phải chấp nhận bỏ hoang gần 170ha. Với lợi thế đất lâm nghiệp nên những năm qua người dân địa phương tập trung đầu tư khai hoang, cải tạo và đã đưa vào trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 1.300ha. “Khoảng 10 năm trở lại đây, việc phát triển mạnh mô hình trồng rừng kinh tế đã góp phần rất lớn trong vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Qua thống kê sơ bộ, ngoài các chủ rừng thì hiện toàn xã có không dưới 350 lao động chuyên nhận khai thác, phát dọn thực bì và trồng mới rừng nguyên liệu với mức thu nhập bình quân 220 - 250 nghìn đồng/người/ngày” – ông Sang chia sẻ.
Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, những năm qua nhờ ngành liên quan và chính quyền các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, đặc biệt là người dân tiếp cận được nhiều kênh vốn ưu đãi nên phong trào trồng rừng sản xuất phát triển rất mạnh tại hàng loạt nơi trên địa bàn tỉnh. Tính đến giữa tháng 10.2017 này toàn tỉnh có 136.000ha đất trồng keo nguyên liệu, tập trung chủ yếu tại các huyện thuộc khu vực trung du – miền núi như Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nông Sơn, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn và vùng tây Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành... “Theo thống kê, bình quân hằng năm nông dân Quảng Nam khai thác bán ra thị trường khoảng 15.000ha rừng trồng và tổng sản lượng đạt hơn 1 triệu mét khối gỗ. Thực tế cho thấy, không chỉ các chủ rừng thu về khoản tiền khá lớn mà ít nhất 40 nghìn lao động nông thôn cũng có nguồn thu nhập đáng kể từ việc được thuê khai thác gỗ, phát dọn thực bì, trồng mới rừng” – ông Hưng nói.
TƯ RUỘNG