Sống chung với lũ

TRUNG LỘ 16/09/2019 13:22

Những năm qua, để hạn chế thiệt hại do bão lũ, nhiều gia đình ở vùng lũ Đại Minh, Đại Cường, Đại An... (huyện Đại Lộc) đã chủ động đầu tư công trình sống chung với lũ.

Hầu hết công tơ điện, trạm biến áp cấp điện ở xã vùng lũ đều được Điện lực nâng cao, thường cao hơn 2 mét để cấp điện an toàn khi lũ đến. Ảnh: T.L
Hầu hết công tơ điện, trạm biến áp cấp điện ở xã vùng lũ đều được Điện lực nâng cao, thường cao hơn 2 mét để cấp điện an toàn khi lũ đến. Ảnh: T.L

Xây lầu cho trâu, bò

Xây lầu cho trâu bò trú ngụ, nghe có vẻ lạ nhưng là câu chuyện có thật ở huyện Đại Lộc. Tính đến nay, tại các xã được xem là vùng “rốn lũ” trên địa bàn của huyện đã có cả gần nghìn nhà lầu được xây dựng khá kiên cố để dành cho trâu bò tránh lũ. Ông Nguyễn Văn Tuấn (thôn Quảng Đại, xã Đại Cường) chia sẻ, những năm trước đây, cứ nghe thông tin lũ lụt về là bà con trong thôn lại dắt díu đưa trâu bò đến các địa phương khác không bị ngập lụt để ở nhờ. Thế là, người và trâu bò thức trắng đêm với căn lều che tạm bợ. Mưa gió bão bùng phải đành chịu đựng, chờ đến khi nước rút mới trở về nhà. Có năm lũ lớn bất ngờ, không dắt trâu bò chạy kịp nên mất trắng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn nuôi 4 con bò. Nhà ông nằm sát sông, trung bình mỗi năm bị ngập lũ 3 - 4 đợt là chuyện thường. Năm trước, nước lũ tràn về ngập nửa nhà, nước dâng lút nóc chuồng bò (cũ) nhưng nhờ gia đình xây cất được căn nhà lầu dành cho bò tránh lũ, nên cả 4 con bò của gia đình ông đều vô sự. Nhà lầu ở đây thực chất có diện tích khoảng như chuồng trâu bò trước đây nhưng được xây rất kiên cố. Nhà xây có chiều cao khoảng 4m trở lên, sàn đổ bê tông cốt thép, diện tích lớn nhỏ tùy theo số lượng trâu bò nuôi của mỗi hộ, cùng với lối cầu thang bộ cho trâu bò lên xuống. Trên tầng lầu thường bố trí  “kho lương thực” là rơm khô phòng cho trâu bò mỗi khi lên tránh lũ. Thường chiều cao của sàn nhà lầu lấy mốc đỉnh lũ lịch sử năm 1999 để xây cao hơn.

Mới đây, chúng tôi có dịp về xã Đại An, ghé thăm nhà ông Trần Nuôi (thôn Quảng Huế) trong lúc nhà ông vừa đổ xong mặt sàn của chuồng lầu dành cho trâu bò. Ông Nuôi cho biết, gia đình ông nằm trong diện khó khăn, cho nên xây nhà lầu cho trâu bò chậm so với nhiều gia đình khác trong thôn. Ông chỉ tay về nhà lầu đang xây với niềm vui sướng và thổ lộ tiền xây nhà là của  2 cha con tích góp. Đứa con trai út đã có gia đình, cũng sống chú yếu nhờ nuôi bò và làm ruộng. Những năm trước đây, mỗi khi dự báo có lũ về hai cha con đều phải dắt bò vào tận thị trấn Ái Nghĩa để tránh lũ. Nay xây được chuồng lầu cho bò tránh lũ, gia đình ông có điều kiện phát triển chăn nuôi bò với quy mô lớn hơn, đặc biệt nuôi bò cái sinh sản để tăng thêm nguồn thu nhập kinh tế gia đình.

Dời thiết bị điện lên cao

Trước đây, nhiều gia đình ở vùng lũ huyện Đại Lộc khi thiết kế các đường điện trong nhà thường đặt ổ cắm ở các vị trí khá thấp để tiện cho sinh hoạt. Điều này vô tình trở thành mối nguy hiểm cho người dân mỗi khi nước lũ ngập tràn vào nhà. Thường là, vào mùa mưa lũ, các thiết bị điện trong nhà bị ẩm ướt gây rò rỉ điện, trong khi đó, nhiều gia đình chủ quan, bất cẩn đã sử dụng thiết bị điện sinh hoạt không đảm bảo an toàn, để xảy ra khá nhiều vụ tai nạn về chập điện, gây thiệt hại về người và tài sản xảy ra trong thời điểm mưa lũ... Để phòng tránh các tai nạn trên, trong những năm gần đây, nhiều gia đình ở huyện Đại Lộc đã tiến hành tu sửa, thiết kế di dời các ổ điện trong gia đình lên cao hơn để tiện lợi cho sử dụng điện trong tình trạng nước lũ tràn vào nhà. Ông Nguyễn Văn Đâu (xã Đại Hòa) cho biết, hơn 2 năm trước, gia đình được cán bộ kỹ thuật  Điện lực Đại Lộc đến tận nhà trực tiếp  kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý an toàn điện trong mùa mưa bão. Gia đình đã tiến hành dời các thiết bị, đặc biệt ổ cắm điện lên cao không dưới 1,5m để đảm bảo an toàn sử dụng điện và lắp hệ thống điện riêng biệt cho tầng thấp để dễ dàng cắt điện khi nước lũ ngập tràn hoặc mỗi khi có sự cố về điện xảy ra. “Nhận thấy cách làm này mang lại hiệu quả về sử dụng an toàn điện trong mùa mưa lũ, không lo sự cố chập điện, rò rỉ do ẩm ướt, nhiều gia đình trong thôn học và làm theo” - ông Hòa nói.

Theo ông Trần Phước Một - Phó Giám đốc Điện lực Đại Lộc, việc thay đổi thiết kế các thiết bị, đặc biệt ổ cắm điện lên cao đối với gia đình nằm trong vùng lũ là công việc đơn giản, an toàn về điện nhưng đem nhiều tiện lợi. Trước hết, đảm bảo bảo tính mạng về người và tài sản; tiếp đến, tạo điều kiện cho ngành điện chủ động cấp điện trong mưa lũ. Nếu đồng loạt các hộ dân trong vùng lũ đều thay đổi nâng các thiết bị điện lên cao thì ngành điện sẽ chủ động cấp điện, không còn trường hợp tạm ngừng cấp điện sớm, đóng điện chậm do chưa đảm bảo an toàn kỹ thuật về điện.

Thực hiện chỉ đạo của Công ty Điện lực Quảng Nam, đầu mùa mưa lũ năm nay, Điện lực Đại Lộc đang mở đợt tuyên truyền trong nhân dân về nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn điện có thể xảy ra khi mưa, bão, ngập lụt. Trong đó, khuyến cáo người dân không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp. Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng điện kế, thùng cầu dao và không tự ý sửa chữa đường dây, thiết bị điện ngoài trời. Mặt khác, vận động các gia đình nằm trong vùng lũ cần thiết kế, di dời lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng - cắt có tính năng chống rò điện. “Nên cắt nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời mỗi khi mưa to, gió lớn. Nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết và lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ,... và báo ngay cho ngành điện để xử lý” - ông Một khuyến cáo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống chung với lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO