Nhận biết nguyên nhân và điều trị đục thủy tinh thể

V.THU (Theo suckhoedoisong.vn) 05/12/2021 21:48

(QNO) - Bệnh đục thủy tinh thể người dân hay gọi là bệnh cườm khô,cườm đá, cườm hạt hay đục nhân mắt. Bệnh hay gặp ở những người trên 50 tuổi. Đây là bệnh nguy hiểm diễn biến dẫn tới mù lòa ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Bệnh đục thủy tinh thể (cataract) luôn là một trong nhiều nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây là bệnh diễn biến chậm, ban đầu biểu hiện là giảm độ kính lão; khi nhìn ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu. Tiếp đó bệnh sẽ nặng hơn, mắt cảm giác như nhìn qua một lớp kính mờ, có thể thấy một điểm đen cố định; dần tiếp đến bệnh nhân sẽ mất thị lực.

1. Bệnh đục thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, hai mặt lồi. Đây là thành phần quan trọng giúp cho ánh sáng đi qua, giúp các tia sáng hội tụ đúng vào võng mạc.

Có thể nhận thấy công suất hội tụ của thể thủy tinh đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống khúc xạ, giúp tiêu điểm ảnh hội tụ đúng trên võng mạc khi nhìn xa. Độ dày của thể thuỷ tinh sẽ giúp mắt điều tiết nhìn rõ những vật ở gần.

Qua thời gian,thay bằng thủy tinh thể trong suốt sẽ thành tình trạng trong suốt này sẽ mất đi, thể thuỷ tinh sẽ chuyển thành mờ đục làm cho ánh sáng rất khó đi qua khiến người bệnh dần bị suy giảm thị lực, nhìn mọi vật mờ, thậm chí có thể gây mù loà.

Đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở các lớp khác nhau của thủy tinh thể như: Nhân trung tâm (đục nhân); ở dưới bao sau thủy tinh thể (đục dưới bao sau) hoặc đục vỏ thủy tinh thể (sẽ không gây giảm sút thị lực)

Nhìn mờ là biểu hiện quan trọng nhất của bệnh đục thủy tinh thể.
Nhìn mờ là biểu hiện quan trọng nhất của bệnh đục thủy tinh thể.

2. Nguyên nhân đục thủy tinh thể

2.1 Nguyên nhân nguyên phát

Có thể do bẩm sinh liên quan tới các rối loạn có yếu tố mang tính chất di truyền. Ngoài ra bệnh cũng có thể phát sinh do mẹ khi mang thai mắc các bệnh truyền nhiễm như giang mai, sởi…

Do tuổi tác và quá trình lão hóa tự nhiên có thể gây ảnh hưởng tới dinh dưỡng cho thủy tinh thể. Vì thế bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi.

2.2 Nguyên nhân thứ phát

- Do mắc các bệnh như tiểu đường, tăng nhãn áp hoặc bị béo phì … Dùng kéo dài một số thuốc như hạ mỡ máu, corticoid, thuốc điều trị trầm cảm, rối loạn nhịp tim… cũng làm tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể .

- Chấn thương mắt: Có một số chấn thương ở mắt có thể dẫn đến đục thủy tinh thể.

- Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tia X, ánh sáng tia hàn...

2.3 Các yếu tố liên quan

- Do lão hóa, mắt không được chăm sóc, luyện tập và cung cấp dưỡng chất cho mắt.

- Sử dụng các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá... thường xuyên

- Bị mất ngủ, stress và thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khói bụi.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể diễn biến âm thầm chậm chạp không gây đau cho bệnh nhân, ở giai đoạn mới hầu như không có dấu hiệu của bệnh. Đến khi bệnh tiến triển nặng sẽ có các biểu hiện:

- Mắt nhìn mọi vật mờ, hay nhức mỏi khi tập trung nhìn một vật nào đó. Dần dần thị lực bị suy giảm, đây là biểu hiện đầu tiên quan trọng nhất của bệnh.

- Mắt sẽ nhạy cảm với ánh sáng hơn, mắt có thể sẽ bị lóa. Có thể nhìn vùng sáng khó hơn ở nơi có bóng râm.

- Hay nhìn đôi, nhìn một vật thành nhiều vật, nhìn như có màn sương che trước mắt… Các triệu chứng này có thể thấy ở một mắt hay cả hai mắt.

4. Chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để phát hiện bệnh cần phải soi đáy mắt và kiểm tra bằng sinh hiển vi. Tốt nhất nên chẩn đoán khi đồng tử giãn. Đục thủy tinh thể tiến triển có dạng đục xám, trắng hoặc nâu vàng. Đánh giá ánh hồng đồng tử qua đồng tử giãn bằng đèn soi đáy mắt sẽ bộc lộ những dạng đục thủy tinh thể. Khám sinh hiển vi cung cấp các thông tin về đặc điểm, vị trí và mức độ đục của thủy tinh thể.

5. Điều trị bệnh đục thủy tinh thể

- Bệnh có thể gây mù lòa vì thế vì thế cần được phát hiện và chữa trị kịp thời. Hiện nay rất khó có thể làm thủy tinh thể trong trở lại. Ở những bệnh nhân mới chớm bị bệnh chưa cần phải phẫu thuật, các bác sĩ sẽ chỉ định một số vitamin như C, A, E… và một số hoạt chất khác để làm chậm lại tiến trình đục thủy tinh thể.

- Cho đến nay phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật. Phẫu thuật phacoemusification (mổ Phaco) ngày càng phổ biến và hiện nay đang là phương pháp điều trị tốt nhất. Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật này là vết mổ nhỏ và hồi phục thị lực nhanh, hiếm khi xảy ra biến chứng và người bệnh có thể nhanh chóng hồi phục bình thường. Các ca mổ phaco chỉ kéo dài khoảng 5 đến 10 phút, tuy nhiên đây lại được xếp vào nhóm đại phẫu vì đó là phẫu thuật tác động trực tiếp đến thị giác. Phẫu thuật phaco sử dụng đường mổ nhỏ nhất nên vết mổ liền nhanh và đây là lựa chọn ưa thích của nhiều phẫu thuật viên. Femtosecond laser có thể được sử dụng trong phẫu thuật khúc xạ thủy tinh thể để thực hiện một số thì trước thì tán nhân. Trong phẫu thuật thủy tinh thể ngoài bao (kể cả phaco), bao thủy tinh thể được bảo tồn.

- Những trường hợp được bác sĩ chỉ định mổ thông thường khi: Thị lực tối đa khi có dùng kính kém hơn 20/40 (< 6/12), hoặc thị lực giảm trong điều kiện ánh sáng chói, ở bệnh nhân nhìn có quầng màu; khi thị lực của bệnh nhân giảm nhanh chóng cản trở sinh hoạt hằng ngày khi lái xe, đọc sách, đi đường…; Bệnh nhân có thể cải thiện thị lực đáng kể sau phẫu thuật (nghĩa là có giảm thị lực do đục thủy tinh thể).

- Các chỉ định khác ít phổ biến hơn là khi đục thủy tinh thể gây bệnh glôcôm hoặc cản trở tầm nhìn. Bệnh nhân cần khám đáy mắt định kỳ để phát hiện các bệnh mạn tính: võng mạc do đái tháo đường hay thoái hóa hoàng điểm…

6. Chăm sóc hậu phẫu và biến chứng sau mổ

Đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh và corticoid tra tại chỗ trong 4 tuần sau khi mổ. Có thể tiêm kháng sinh tiền phòng khi kết thúc phẫu thuật giúp giảm biến chứng viêm mủ nội nhãn. Thường bệnh nhân được hướng dẫn che mắt khi ngủ; tránh ho, bê vác vật nặng, hạn chế dụi mắt...

Rất hiếm khi gặp các biến chứng sau khi phẫu thuật thủy tinh thể. Có thể có các biến chứng như:

-Trong khi mổ: xuất huyết dưới võng mạc, kẹt nội nhãn vào vết mổ- rất hiếm và gây mất thị lực không thể phục hồi, rơi mảnh nhân vào buồng dịch kính, kẹt dịch kính, bong nội mô giác mạc…

- Ở tuần tuần đầu tiên: có thể bị viêm nội nhãn, glôcôm… tuy nhiên rất hiếm gặp.

- Phù hoàng điểm trong tháng đầu tiên sau phẫu thuật

- Bong võng mạc, và đục bao sau… có thể xảy ra sau mổ vài tháng nhưng có thể điều trị bằng laze

Thường xuyên bổ sung vitamin C, E, A, lutein, kẽm zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây.
Thường xuyên bổ sung vitamin C, E, A, lutein, kẽm zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây.

7.Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

- Khám mắt định kì thường xuyên giúp phát hiện sớm các bệnh về mắt cũng như đục thủy tinh thể

‎- Kiểm soát điều trị sớm bệnh đái tháo đường. Có chế độ ăn uống luyện tập thường xuyên để tránh các biến chứng về mắt. Phát hiện và điều trị sớm các bệnh như viêm màng bồ đào, Glocom…

‎- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh. Bổ sung thêm các chất chống oxy hóa và cải thiện chức năng gan để phòng bệnh. Nên thường xuyên bổ sung vitamin C, E, A, lutein, kẽm zeaxanthin có trong rau xanh, trái cây, cá, ngũ cốc… Nên hạn chế ăn thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, bánh kẹo đồ ngọt…

- Ngoài ra nên tăng cường ánh sáng trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, khói bụi. Khi phải ra ngoài nên đeo kính đội mũ bảo vệ mắt. Thiết lập một lối sống thói quen khoa học hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhận biết nguyên nhân và điều trị đục thủy tinh thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO