Sống như "Anh"

HẢI CHÂU 26/03/2016 09:29

Xã Kỳ Mỹ (huyện Tam Kỳ) nay là xã Tam Phước, Phú Ninh, những năm kháng chiến chống Mỹ là địa bàn chiến đấu ác liệt của ta và địch. Trong chiến đấu đã có biết bao chiến sĩ nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này khi tuổi đời còn rất trẻ. Và những câu chuyện về các anh - những tấm gương “Sống vì Đảng, chết không rời Đảng” đến nay vẫn còn vang vọng.

“Cho em đánh trận cuối!”

Liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng (1954 - 1973) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha nguyên là Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Kỳ Mỹ, bị địch bắt và giết vùi xác trong một cái giếng cùng với nhiều đồng chí khác. Mẹ là Hội trưởng Phụ nữ xã, hy sinh trong một trận càn đẫm máu của kẻ thù. Hùng là anh trai đầu của 3 đứa em nhỏ dại. Nợ nước, thù nhà, anh xin vào du kích, công tác tại Đội du kích xã Kỳ Mỹ. Sau Hiệp định Pa-ri (1973) ký kết, chính quyền Sài Gòn trở nên hung hăng và hiếu chiến, ngoan cố, tráo trở phá vỡ hiệp định. Ngày giặc càn quét, đêm chúng mai phục gây không ít tổn thất cho nhân dân ta. Sự kiềm chế có hạn, không thể để kẻ thù tự tung tự tác. Bộ đội, du kích ta bắt đầu đánh trả. Những trận đánh liên tiếp diễn ra. Đúng thời điểm ấy, Hùng có lệnh điều động về công tác tại Văn phòng Huyện ủy Bắc Tam Kỳ. Nhưng anh vẫn chần chừ vì không muốn bỏ súng để cầm bút, lòng căm thù giặc sâu sắc thôi thúc anh cầm súng đánh đuổi quân thù.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Tấn Vinh lúc còn sống kể, Hùng hết năn nỉ Bí thư xã Kỳ Mỹ - Lê Đình Thoàn, rồi đến năn nỉ tôi - lúc đó là Xã đội trưởng kiêm Đội trưởng đội công tác Kỳ Mỹ. “Cho em đi đánh trận này nữa thôi, lên Văn phòng Huyện ủy lấy giặc đâu mà đánh, mai em lên cũng không muộn”. Nguyên Bí thư xã Kỳ Mỹ - Lê Đình Thoàn nhớ lại: “Hồi đó Hùng cứ bám riết lấy tôi. Lúc tôi móc võng nằm Hùng cũng ôm súng lại gần ngồi, tỉ tê “cho em đánh trận này nữa anh”. Không biết tin từ đâu ra mà Hùng biết được đêm đó bộ đội tỉnh phối hợp cùng với du kích địa phương tiến đánh đồn 10 và đồn 18 (Núi Trọc và Nổng Thịnh xã Tam Phước ngày nay). Trong lúc tôi tổ chức họp ban chỉ đạo thì Hùng xin phép lãnh đạo đi đánh giặc mà cứ y như là xin liên hoan để chia tay. Lúc đó tôi đắn đo nhiều lắm, Huyện ủy cần người có học thức. Lỡ trận này Hùng có chuyện chi, tôi biết ăn nói với cấp trên sao đây. Thôi thì… đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, tôi bèn nói với Hùng “để tao hỏi ông Vinh đã”. Chưa kịp nói gì với Vinh thì thấy Hùng cắp vai Vinh, mặt mày rạng rỡ, nói líu lo như chim. Không ai nghĩ đó là một ngày cuối cùng của Hùng. Đêm đó, đội công tác đi trước, sau là trinh sát của bộ đội tỉnh, khi đến đầu thôn Quý Xuân, xã Kỳ Mỹ (thôn Phú Xuân, xã Tam Phước ngày nay) bất ngờ gặp địch phục kích. Hùng đi trước vướng ngay quả mìn clây-mo của địch và hy sinh. Trận đánh diễn ra quyết liệt sau đó, bọn địch bỏ chạy. Ta đưa thi thể Hùng về mai táng hết sức trọng thể. Hôm làm lễ truy điệu có rất đông bà con nhân dân trong xã đến, ai nấy xúc động nghẹn ngào. Ông Thoàn rơm rớm nước mắt nói: “Giá như ngày ấy tôi cương quyết, cứng lòng, giá như hai đứa Vinh và Hùng đừng là bạn thân, giá như ngày ấy Hùng chấp hành lệnh điều động. Thì giờ đây…”.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Hùng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 19, trái tim chưa có chỗ dành cho tình cảm lứa đôi. Anh sống và chết như thế đó, giản dị, thanh bạch, hồn nhiên, hiền hòa chân chất như hạt lúa củ khoai. Sống như đất, chết hiền như đất.

Sống oanh liệt, chết vẻ vang

Chuyện đánh giặc của thanh niên Kỳ Mỹ lúc bấy giờ không chỉ có Nguyễn Văn Hùng mà còn có nhiều người khác. Lớp thanh niên của thế hệ chống Mỹ thứ 3 có cả một đội nào là Nguyễn Văn Hùng, Phạm Ngọ, Nguyễn Bá Đắc, Phạm Ba, Phan Tấn Vinh, Phạm Diện, Phạm Bông, Phạm Văn Tiến, Dương Văn Phước… Trong số họ, người còn thì ít, người hy sinh thì nhiều. Sự hy sinh của liệt sĩ Phạm Ngọ (1954 - 1972) cũng là câu chuyện đáng nhớ.

Chuyện của Ngọ dài lắm, mẹ mất sớm, cha một mình gà trống nuôi hai anh em. Đứa em phải đi ở đợ từ bé, một mình Ngọ ở nhà giúp cha mưu sinh. Đầu năm 1969, trong một trận càn của địch, cha Ngọ bị giặc bắt tra tấn dã man rồi giết một cách tàn ác, chúng xẻo hai lỗ tai, rồi lấy dây xâu lại đeo vào cổ, hỉ hả xem như chiến tích của trận càn. Lòng căm thù được dấy lên từ đấy, nước mắt khóc cha chưa ráo, mộ cha cỏ chưa kịp mọc, Ngọ xin vào du kích. Năm ấy Ngọ mới vừa tròn 15 tuổi. Anh vào du kích chưa được bao lâu thì được cử đi học lớp y tá. Thế mà trận nào anh cũng xin đi đánh cho bằng được. Đội du kích trên dưới chục người, giương đông kích tây lùng giặc mà đánh. Cuối thu năm 1972, vào một chiều tối, tranh thủ lúc giặc chưa đi phục, anh cùng với đồng đội Phạm Diện và Phạm Thị Tình xuống núi vào ấp cho nhanh. Bất ngờ vướng phải mìn địch, anh và Phạm Diện đều bị thương. Ông Phạm Diện kể: “Ngọ đi trước, tôi đi sau, cuối cùng là Tình. Ba người lẳng lặng đi, bất chợt một tiếng nổ vang trời cùng ánh sáng chớp lòe trước mắt. May mà không đoán được cự ly nên địch cho mìn clây-mo nổ sớm. Thấy Ngọ đứng quờ quạng, hay tay huơ trong khoảng không, tôi đoán Ngọ đã bị thương ở mắt. Tôi bảo Ngọ nằm xuống và bò đi tìm chỗ ẩn nấp, chờ anh em đến cứu. Lúc đó, tôi bị thương ở chân, cố lết vào một bờ rào gần đó. Nghe tiếng mìn, giặc khắp nơi la lối tiến thẳng về phía chúng tôi. Tôi mang hai khẩu súng, một khẩu M79, một khẩu AR15, thấy địch nhô lên ở đâu, tôi bắn ở đó. Tôi bắn trong đau đớn, trong mơ màng nên không phát nào trúng đích, tuy nhiên cũng chặn được các lần tiến công của địch. Ban đầu tôi còn nghe kiến cắn, chúng đánh hơi mùi máu kéo đến phủ kín mình tôi, rồi tôi thiếp đi lúc nào không biết. Nghe tiếng súng anh em các cánh kéo nhau đến ứng cứu. Phan Tấn Vinh tìm được tôi đập khẽ nói “đủ sức thì bò ra đường, anh em đến khiêng”. Rồi Vinh bò đi tiếp gọi Ngọ ơi! Ngọ ơi! Khi đến gần một đám ruộng bùn, Vinh và tôi đều nghe đánh bộp một cái. Vinh gần như té ngửa khi biết Ngọ tự vẫn để khỏi làm liên lụy đến đồng chí, đồng đội. Bên thi thể Ngọ còn một quả lựu đạn dành đó cho địch. Đáng lẽ phải bò ra xa nơi có tiếng súng, đằng này Ngọ cứ bò lại gần. Tôi đoán Ngọ quyết sống chết với địch lần cuối”.

Mình chết để đồng đội được sống, để họ có thời gian và tinh thần truy quét kẻ thù. Cái chết của Ngọ đè nặng trong lòng người sống, như thôi thúc, như nhắc nhở đồng đội sống oanh liệt, chết vẻ vang.

Giữ uy tín cho cách mạng

 Phạm Diện (SN 1952, tại Phú Mỹ xã Tam Phước, Phú Ninh). Ông tham gia đội du kích xã Kỳ Mỹ năm 1967, từng vào sinh ra tử đánh hàng chục trận đánh lớn nhỏ cùng đồng đội. Đáng chú ý nhất là ông cùng với Phạm Văn Tiến, Phan Tấn Vinh, ba người diệt gọn mâm hội đồng Kỳ Mỹ được sử sách ghi lại để lưu truyền cho hậu thế.

Có một chuyện về Phạm Diện mà ông chưa một lần kể, chỉ là đồng đội của ông nhắc đi nhắc lại trong các cuộc hàn huyên. Chuyện không phải là một chiến công, một thành tích chiến đấu xuất sắc mà là chuyện ông quyết giữ uy tín của cách mạng theo cách của mình.

Những ngày kháng chiến gian khổ, đội quân cơm nhà áo vợ phải ăn đói mặc rét, uống nước vũng bom là chuyện trường kỳ. Củ khoai, củ sắn thay cơm mà chân vẫn dồn, tay vẫn vững, mắt vẫn sáng, đầu óc vẫn minh mẫn lạ thường. Vào một đêm tối trời, Đội du kích Kỳ Mỹ hành quân xuống núi để chống càn. Người đi sau sờ người đi trước mà bước, ngửi mùi của nhau mà đi. Trong đêm mịt mùng ấy, đội du kích lọt thỏm vào trận địa phục kích của địch nên vừa chống trả vừa tản ra mỗi người một ngả. Sau trận chiến, anh em tìm gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, bởi tưởng chết hết cả rồi. Bất giác mọi người nhìn thấy trên tay Phạm Diện vẫn còn xách chiếc gióng treo có cái nồi nhôm méo mó, lằn in nhiều vết đạn. Trong nồi có hai trái dưa muối, khúc cá chuồn và bọc mắm nục. Đó là khẩu phần thực phẩm cho cả đội trong những ngày tới. Nói trong những ngày tới là những ngày chờ cơ sở bí mật tiếp tế, nhưng ai biết ngày đó là ngày nào, có khi cả tuần. Trong lúc nguy cấp như thế, mà cái nồi thức ăn đơn sơ vẫn được Phạm Diện giữ vẹn nguyên. Về sau có người hỏi tiếc gì mà giữ, ông cười nói: “Mình mà để mất, bọn giặc lấy được đem xuống Tam Kỳ “triển lãm” ngay. Khác nào mình tiếp tay cho bọn tâm lý chiến rêu rao bôi xấu cộng sản “ăn thế thì bảy thằng cộng sản bu cành đu đủ không gãy là phải”. Nguy hại hơn từ cái nồi và chiếc gióng treo chúng mò ra cơ sở của ta mà đánh, cách mạng sẽ bị tổn thất lớn”.

Nghe chuyện về Phạm Diện trong lúc cận kề cái chết vẫn giữ vẹn nguyên cái gióng thức ăn, cứ ngỡ là chuyện cổ tích. Giá ngày nay có thật nhiều những người như anh biết giữ uy tín cho Đảng thì Đảng ta vững mạnh, trong sạch biết bao?

Trên đây là vài câu chuyện về những con người “do chân lý sinh ra” trên mảnh đất Kỳ Mỹ anh hùng, để nhắc nhớ thế hệ hôm nay “Hãy sống như các Anh”.

HẢI CHÂU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống như "Anh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO