Hơn 10 hộ dân sống phía dưới đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua thôn Phong Thử 2 (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng bày tỏ lo lắng về nguy cơ nhà cửa sẽ bị xói lở khi xảy ra mưa lũ.
Cầu LRB06 chỉ cách nhà dân khoảng 20m nên người dân trong vùng lo sợ xảy ra xói lở khi có mưa lũ. Ảnh: VĨNH LỘC |
Đối diện cống thoát lũ
Theo ông Phan Quang Dần, trú tổ 3, thôn Phong Thử 2, trước đây khi chưa có đường cao tốc, khu vực này là vùng đất thông thoáng nên mỗi khi đến mùa mưa lũ nước chảy tràn về hướng xuôi và thoát chủ yếu theo kênh N3. Nay việc làm đường cao tốc giống như con đê chắn ngang, trong đó đường thoát nước chỉ là cống Bàu Thịnh (rộng 25m) nên sẽ gây nguy hiểm cho các hộ dân sống phía dưới đường khi mưa lũ đến. “Tuy lũ lụt chưa xảy ra nhưng tôi nghĩ đường cao tốc án ngữ như hiện nay sẽ tạo nên một áp lực rất lớn đối với dòng chảy qua cống chui gây ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình tôi do nước tập trung, dồn ép nơi đây quá nhiều” - ông Dần phân tích. Hiện tại, ngoài hộ ông Dần, phía dưới cống Bàu Thịnh còn có 2 hộ khác sinh sống là Phan Minh Xanh và Phan Minh Y cũng đang trong cảnh lo lắng này.
Tương tự, cách cống Bàu Thịnh khoảng 80m về hướng đông (tổ 4, thôn Phong Thử 2) là công trình thoát nước cầu LRB06. Phía dưới cầu LRB06 hiện đang có 8 hộ dân sinh sống. Giống như 3 hộ ở phía dưới cống Bàu Thịnh, 8 hộ dân nơi đây cũng đang lo lắng về sự an toàn của gia đình khi mưa lũ vì hầu hết nhà cửa đều nằm trực diện với cầu, thậm chí có nhà chỉ cách mép taluy cầu chưa đầy 20m. Ông Phan Quang Thọ, một trong 8 gia đình sống gần cầu LRB06 cho rằng, dù bây giờ lũ lụt chưa xảy ra nhưng về lâu dài thì chưa thể lường trước chuyện gì do vị trí cầu thoát nước nằm quá sát nhà dân. “Chúng tôi đã báo lên xã về nguy cơ bị xói lở, sụp đổ hoặc trôi nhà cửa khi có mưa lũ, đồng thời cũng bày tỏ nguyện vọng được di dời đi nơi khác” - ông Thọ kiến nghị.
Ông Trần Công Luyến - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ cho biết, với chức trách của địa phương cũng chỉ trình báo lên cấp trên và các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp và giải thích cho 8 hộ dân sống phía hạ lưu cầu LRB06 để yên tâm. Hiện tại, xã cũng chỉ mới nhận được thông báo về 3 phương án gia cố bờ ta luy chống xói lở từ chủ dự án và đã mời các hộ dân lên bàn lựa chọn phương án tối ưu nhất để báo chủ đầu tư. “Muốn di dời phải xin ý kiến thị xã, tỉnh và nhà đầu tư vì các hộ này nằm ngoài vạch ảnh hưởng của đường cao tốc và không trong phạm vi giải phóng mặt bằng. Chưa nói nếu đồng ý cho di dời những hộ này thì cũng sẽ dẫn đến hiệu ứng liên hoàn đối với các hộ phía xa hạ lưu” - ông Luyến cho biết.
Chờ kết quả đánh giá ảnh hưởng
Trong báo cáo ngày 28.7.2016 của UBND thị xã Điện Bàn gửi UBND tỉnh, Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các bên liên quan về nguy cơ xói lở khu vực hạ lưu cầu LRB06 có nêu, qua các năm tại vị trí này, mực nước lũ dâng cao, dòng nước chảy xiết. Trước đây các hộ dân có trồng tre và gia cố cọc để tránh xói lở phần móng nhà. Tuy nhiên, theo thiết kế khi xây dựng cầu LRB06 phần hạ lưu không có hệ thống kè, gia cố mái ta luy để chống xói lở. Do đó, khi có mưa lũ các hộ dân khu vực hạ lưu cầu LRB06 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ bị xói lở, sụp đổ và trôi nhà cửa là rất lớn. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến tuyến đường liên xã ĐT609 đi Bến Hục, là tuyến giao thông quan trọng khu vực Hợp tác xã 2 Điện Thọ. UBND thị xã Điện Bàn đã kiến nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra để phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trạng, lập hồ sơ đánh giá mức độ ảnh hưởng để có giải pháp xử lý.
Sau khi nhận được báo cáo, ngày 2.8.2016 UBND tỉnh đã có công văn số 3655 đề nghị VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND thị xã Điện Bàn, UBND xã Điện Thọ tổ chức kiểm tra đánh giá mức độ ảnh hưởng xói lở phía hạ lưu cầu LRB06 để có giải pháp xử lý, khắc phục và trả lời người dân. Tuy nhiên, theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hiện chưa thể tổ chức kiểm tra đánh giá được vì người phía Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi quá ít trong khi quản lý toàn tuyến quá dài nên phải chờ. “Thị xã đã giao Phòng Quản lý đô thị phối hợp với VEC khảo sát đánh giá lại tác động trên cơ sở tính toán thiết kế, nếu thực sự có ảnh hưởng trực tiếp (lưu tốc dòng chảy, mức độ ảnh hưởng… ) phải chủ động phương án ứng phó hoặc di dời chứ không phải chờ lũ lụt xảy ra gây thiệt hại rồi mới tính. Do đó, sau khi kiểm tra đánh giá xong sẽ mời các hộ dân phía hạ lưu, kể cả Điện Tiến, Điện Quang… để thông tin trở lại chứ không riêng Điện Thọ. Thật ra, trước đây khi thiết kế cũng đã có đánh giá chung rồi nhưng bây giờ trước kiến nghị của dân cũng phải khảo sát đánh giá lại để chủ động. Nếu thật sự ảnh hưởng đến người dân, khi thị xã đề xuất, các bên sẽ đồng ý thôi vì đó là điều hợp lý, chưa kể đất tái định cư dự án vẫn còn” - ông Úc nói.
Ông Hà Phước Lộc - Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông Sở Giao thông vận tải cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi tổ chức kiểm tra, khảo sát tổng thể trên toàn tuyến chứ không chỉ riêng tuyến ngang qua Điện Bàn. Từ đó có đánh giá những tác động của xói lở ảnh hưởng đến đất ruộng và nhà cửa dân sinh nhằm có hướng xử lý. “Chủ đầu tư phải có trách nhiệm làm việc này trước với dân về mức độ ảnh hưởng. Khi nào có vướng mắc, các sở ban ngành của tỉnh sẽ tham gia làm trung gian xử lý” - ông Lộc nói.
VĨNH LỘC