Rác thải nguy hại tràn ngập khu dân cư, đồng ruộng; các cơ sở y tế quá tải trong xử lý chất thải, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, nhiễm mặn… đã và đang đe dọa sức khỏe người dân và môi trường sống.
|
Nguồn nước bị ô nhiễm nên cá tôm chết hàng loạt. Trong ảnh: Cá chết trên sông Bàn Thạch thời điểm năm 2010. Ảnh: H.PHÚC |
Thiếu nước sạch
Hơn 10 năm trước, hàng trăm hộ dân sống dọc ven sông Trường Giang (đoạn qua xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) khấp khởi mừng bởi được Nhà nước bố trí đất tái định cư trên nền đất cao ráo thuộc thôn Phú Đông và Phú Bình (xã Tam Phú). Ước mơ thoát khỏi vùng ngập úng vào mùa lũ của người dân đã thành hiện thực, thế nhưng từ đó đến nay họ lại khổ sở vì vùng đất mới khan hiếm nguồn nước ngọt. Hầu hết người dân đều khoan giếng để lấy nước ngầm nhưng nước có màu vàng đục, chua phèn. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, người dân địa phương rầu rĩ: “Vào mùa khô, nơi đây kiếm giọt nước sạch cũng không ra. Nước sau khi bơm lên có màu vàng đục tựa như lớp dầu mỡ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, mùi hăng hắc rất khó chịu. Người dân dùng hệ thống lọc nước nhiều lần cũng chỉ để rửa chén bát. Nước dùng cho ăn uống, giặt giũ quần áo phải chở từ các làng khác hoặc mua nước đóng bình. Dân vùng cát vốn nghèo lại gánh thêm cái khó”. Chính quyền, cử tri xã Tam Phú nhiều lần phản ảnh tình trạng “khát” nước sạch trong mỗi lần tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có hướng xử lý.
Quan trắc mẫu nước tại khu vực xã Tam Phú của cơ quan chức năng cho kết quả, hàm lượng kim loại sắt vượt mức từ 1,7 - 2,3 lần so với quy chuẩn cho phép. Về mặt vi sinh, nguồn nước giếng chứa E.coli, Coliform tại Tam Phú đã cảnh báo cực kỳ ô nhiễm, có vị trí gấp 80 lần mức cho phép. Tương tự, nước giếng ở một số nơi tại thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn), các tổ 3 và 4 thị trấn Núi Thành các chỉ số vi sinh cũng vượt gấp nhiều lần giới hạn cho phép. Độ pH của nước giếng tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Hiệp, KCN Bắc Chu Lai, Cẩm Hà – Hội An và thị trấn Núi Thành không đảm bảo chất lượng. Ở nhiều khu dân cư, đô thị, phân và nước thải chăn nuôi đã thấm sâu vào mạch nước ngầm làm cho các giếng có mùi tanh, váng nước có màu vàng đục nên người dân chuyển sang sử dụng nước đóng chai, phát sinh tăng chi phí cho sinh hoạt.
Sở Tài nguyên – môi trường đang hướng dẫn các huyện, thành phố xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Năm 2013 tiếp tục triển khai chương trình quan trắc môi trường nhằm đánh giá diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh và định kỳ tổ chức đánh giá hiện trạng môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Cạnh đó, ngành xây dựng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, Chương trình quan trắc môi trường ven biển phục vụ chiến lược quản lý vùng bờ tỉnh Quảng Nam. |
Tại đô thị Tam Kỳ, các hồ điều hòa cải thiện môi trường lại phát sinh ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho người dân. Do tiếp nhận lượng nước thải chưa qua xử lý từ các khu dân cư và nước thải từ các bệnh viện nên đã gây nên hiện tượng phú dưỡng, vào mùa khô nguồn nước dưới hồ bốc mùi hôi thối, cá chết hàng loạt. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường), ở nhiều khu vực Núi Thành, Tam Kỳ, Duy Xuyên…, người dân sống ven sông Trường Giang thiếu nước ngọt kéo dài nhiều năm song vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Nguồn nước bị ô nhiễm là tác nhân của nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Nghẹt thở với khói bụi
Các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút hơn 100 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, mỗi ngày hàng trăm phương tiện cơ giới vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng thi công vô tư nhả khói bụi ra môi trường. Ông Nguyễn Hóa, sinh sống tại xã Tam Hiệp (Núi Thành) sát với KCN Bắc Chu Lai nói: “Vào mùa khô gió thổi mạnh, nhà tôi lúc nào cũng then cài cửa đóng để chống bụi và tiếng ồn phát ra từ các nhà máy. Tường nhà dính đầy đất đỏ của xe thi công công trình”. Theo ông Hóa, vì sống gần KCN, ngày đêm ngửi khói bụi, nghe tiếng ồn riết rồi quen. Gần đây, nhiều trường hợp người dân mắc phải các bệnh liên quan đến hô hấp, lảng tai… Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực đô thị đang trực tiếp đe dọa sức khỏe người dân. Do quá bức xúc với tiếng ồn, bụi đất vương vãi đầy đường từ các xe thi công dự án, thời gian qua người dân ở Tam Xuân 1 (Núi Thành), xã Tam Ngọc, phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ), hoặc gần KCN Đông Quế Sơn buộc phải dựng rào chắn “cấm đường”.
Tại các điểm quan trắc ở hai TP.Tam Kỳ và Hội An, các KCN Bắc Chu Lai, Điện Nam – Điện Ngọc, Đông Quế Sơn… vào các thời điểm khác nhau đều có hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí vượt giới hạn. Tiếng ồn đo được tại ngã ba thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), ngã tư Ái Nghĩa (Đại Lộc), ngã ba Mai Hạc (TP.Tam Kỳ) cũng vượt gấp đôi mức cho phép. Nguy hại hơn là khí thải từ các lò đốt nhiên liệu, lò hơi của các nhà máy công nghiệp, cơ sở sản xuất với nhiều loại khí độc hại (CO, NOx, SOx, H2S), bụi lơ lửng... qua các ống khói rồi thải vào môi trường. Điều ngạc nhiên, bụi bặm không khí tấn công trực tiếp vào môi trường sống nhưng lực lượng chức năng hầu như rất “nhẹ tay” khi xử lý. Số vụ xử phạt hành chính liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Một nghịch lý khác, ngay cả các cơ sở y tế, bệnh viện cũng ngập tràn rác thải độc hại. Báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên – môi trường khẳng định, phần lớn các bệnh viện, cơ sở y tế đều chưa đăng ký báo cáo xả nước thải vào nguồn nước và chưa thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ hằng năm. Đáng lo là nhiều bệnh viện chưa xây dựng nhà chứa chất thải rắn như Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần, Trung tâm Y tế các huyện Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Quế Sơn, Bắc Trà My. Trong khi đó, có 4/9 bệnh viện xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không đảm bảo yêu cầu.
HỮU PHÚC