Sống yêu thương

KHIẾU THỊ HOÀI 08/06/2018 13:02

Sáng sớm đầu hạ, trời Hội An vẫn còn se lạnh sau những ngày mưa trái mùa. Mình đến nhà thờ Hội An tham dự thánh lễ tiễn đưa linh hồn Phaolo Quang - con của anh chị bạn vừa đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông. Và câu chuyện buổi tiễn đưa hôm ấy, lại gợi mở mầm sống trong tâm hồn người ở lại.

Cha chánh xứ giảng chuyện “cô dại, cô khôn” trong Kinh thánh. Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Các cô dại mang đèn mà không mang dầu. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!”. Bấy giờ các trinh nữ ấy đều thức dậy và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi”. Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”. Đang lúc các cô dại đi mua dầu thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng đèn dầu thì được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ dại cũng đến gọi: “Thưa Ngài, Ngài mở cửa cho chúng tôi với!”. Nhưng người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!”. Câu chuyện khuyên anh em hãy canh thức, hãy sẵn sàng vì anh em không biết ngày nào, giờ nào. Cuộc sống thật bất toàn và mọi sự dữ đều có thể xảy đến mà chẳng hề báo trước.

Thật kỳ lạ, mình không theo đạo Kito nhưng trong cuộc đời, mình có nhiều dịp được nghe câu chuyện này. Lần đầu tiên nghe Cha giảng về câu chuyện này là hồi mình còn rất trẻ, là sinh viên, đi lễ Chúa nhật với cô bạn gái ở nhà thờ Thái Hà, Hà Nội. Câu chuyện 5 cô khờ dại, 5 cô khôn ngoan ấy, mỗi lần mình nghe trong một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều nhắc nhớ mình hãy luôn trong tình trạng tỉnh thức, sẵn sàng. Với câu chuyện này cha lý giải, dầu ấy là gì? Là đời sống luôn sẵn sàng yêu thương, san sẻ, hòa bình, bác ái, là những giá trị mà Thiên Chúa muốn lan tỏa.

Chúng ta không biết chúng ta sẽ ra đi vào lúc nào, ra đi vì lý do như thế nào. Thì đó, Phaolo Quang hôm kia còn nói cười nhưng chỉ một tích tắc, vì tai nạn giao thông mà đột ngột ra đi. Trong giáo đường, vợ của Phaolo Quang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, trên tay bồng đứa con lớn mới hơn 10 tháng tuổi. Ai trông thấy cảnh ấy cũng xót xa và ái ngại. Nhưng anh Sửu, chị Lợi (bố mẹ của Phaolo Quang) và vợ của Phaolo đều rất bình tĩnh. Có lẽ họ đã khóc nhiều rồi và có lẽ họ đã chuẩn bị một tinh thần để chấp nhận sự mất mát này.

Lúc đứng trong nhà thờ, mình nhớ những đoạn trích trong cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang, đại loại: Khi bạn mất bố mẹ, họ gọi bạn là mồ côi cha mẹ, khi bạn mất vợ/chồng, họ gọi bạn là góa vợ/góa chồng. Nhưng khi bạn mất con, không có từ nào diễn tả được điều đó... Mình nhớ cô Ánh - một nhân vật trong cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời”, đã tìm đến cái chết sau khi con cô ấy qua đời, vì không chịu được nỗi đau. Nhưng chị Hà, một nhân vật khác trong cuốn sách ấy cũng là một người mẹ bị mất đứa con trai lại có thể vượt qua nỗi đau. Đó là nhờ chị đã tỉnh thức, biết chấp nhận sự thật và hơn cả, vì chị Hà đã tìm được cách để chia sẻ yêu thương nhiều hơn với các bệnh nhân ung thư, ngay trong lúc con chị đang gặp đau đớn vì bệnh tật cũng như lúc ra đi. Yêu thương. Tha thứ. Trao tặng. Chia sẻ. Đó là những điều khiến cho chúng ta thanh thản hơn, khi chính ta hoặc người thân của ta đi về điểm cuối của cuộc đời.

KHIẾU THỊ HOÀI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO