Chính phủ Lào đã công bố nguyên nhân dẫn đến sự cố vỡ công trình đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy thuộc tỉnh Attapeu (Lào) với thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Từ sự cố này, đặt ra cho Quảng Nam lời cảnh báo cần thiết về chuyện an toàn hồ đập; quản lý, giám sát quá trình xây dựng, vận hành của các nhà máy thủy điện trước mùa mưa…
Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 gặp sự cố vỡ hầm dẫn dòng vào tháng 9.2016. Ảnh: H.P |
An toàn tuyệt đối từ khi thi công
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã từng xảy ra sự cố vỡ đập công trình thủy điện. Đó là thủy điện Đak Krong 3 (Quảng Trị), Đắk Mếk 3 (Kon Tum) và Ya Krel 2 (Gia Lai). Còn tại Quảng Nam, hồi tháng 9.2016 đã xảy ra sự cố vỡ đường hầm dẫn dòng công trình nhà máy thủy điện Sông Bung 2 (Nam Giang). “Mẫu số chung” là các công trình đang trong quá trình thi công hoặc mới bắt đầu tích nước, nên khi vỡ đập hậu quả ít khủng khiếp hơn. Thấy gì từ hậu quả nhãn tiền Sông Bung 2? Hàng loạt lỗi kỹ thuật đã được Bộ Công Thương chỉ ra với sự cố nhà máy này như thiếu tính toán chi tiết kết cấu thiết kế, xây dựng; không đạt chất lượng bê tông. Ở giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn thiết kế có tính toán nhưng phương pháp tính toán chưa phù hợp nên vẫn thiếu cốt thép chịu lực trụ pin tháp van hầm dẫn dòng. Sai phạm của chủ đầu tư về quyết định tiến độ, thời điểm tích nước, chất lượng, kết quả đóng cống tích nước.
Toàn tỉnh hiện có 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ (tổng công suất 450,76MW). Trong đó, có 11 công trình đã phát điện với công suất thiết kế 140,46MW; 6 công trình đang xây dựng. Ngoài ra, có 10 dự án thủy điện bậc thang (7 công trình đã phát điện) trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được Bộ Công Thương phê duyệt. Trước sự cố vỡ công trình thủy điện ở Lào, Sở Công Thương vừa yêu cầu các ngành và địa phương rà soát, kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện. Theo quy định, trước mùa mưa, tất cả nhà máy thủy điện đều nằm trong kế hoạch kiểm tra an toàn hồ chứa, đập, cũng như hệ thống máy móc vận hành. Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương, với công trình đang xây dựng, các ngành chức năng tập trung vào đánh giá chặt chẽ các khâu khảo sát, thiết kế đến giai đoạn thi công và vận hành; giám sát chất lượng công trình, quan trắc, dự báo lũ… Thực tế cho thấy, các thảm họa vỡ đập thường hay xảy ra trong giai đoạn thi công. Còn theo các chuyên gia đầu ngành thủy lợi thì vào đầu mùa mưa, nhà máy thủy điện phải có được dung tích phòng lũ tối thiểu. GS.Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, các hồ chứa, bất kỳ thủy lợi hay thủy điện, vào đầu mùa lũ, phải hạ thấp mực nước trong hồ chứa so với thiết kế. Không phải vì lợi ích kinh tế cục bộ mà nhà máy thủy điện tích nước dự trữ. Điều cốt yếu, cần có chế tài và cơ chế giám sát thực hiện các quy định quản lý nghiêm ngặt về an toàn hồ đập.
Cần kịch bản ứng phó vỡ đập
Các nhà khoa học xác định, vỡ đập ngoài nguyên do thi công xây dựng không đảm bảo, quản lý vận hành cẩu thả còn có yếu tố khách quan như động đất, sạt lở, mưa lớn gây nên lũ lớn vượt quá tần suất thiết kế công trình. Chính điều này cũng khiến người dân trong vùng động đất hoang mang. Chỉ trong ngày 26.7, tại 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My xảy ra 4 trận động đất liêp tiếp gây rung lắc nhà cửa, đồ đạc. Nhiều năm nay, người dân ở đây quá quen thuộc với hiện tượng thiên tai này nên không còn bất an tâm lý như giai đoạn đầu. Thời gian qua, Viện Khoa học vật lý địa cầu theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình động đất tại khu vực này và luôn cập nhật thông tin, đưa ra phương án, khuyến cáo cần thiết. Nếu xảy ra rung chấn vượt mức cho phép của khu vực nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thì cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ báo cáo nhanh với Viện Vật lý địa cầu để họ phân tích, theo dõi, chỉ đạo. Theo thiết kế, thủy điện Sông Tranh 2 có thể chịu mức độ động đất là 5,5 độ Richter, và tại vùng này đã xảy ra trận động đất lớn nhất là 4,7 độ Richter. Trong khi đó, phía chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 khẳng định, hiện nay thông số của đập thủy điện Sông Tranh 2 ở mức vận hành bình thường. Ngay thời điểm động đất ngày 26.7, hồ đập vẫn hoạt động bình thường.
Trước đây, đầu tư vào thủy điện khá dễ dàng, đánh giá môi trường và báo cáo tác động môi trường chưa thực sự nghiêm túc nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Một thời phát triển nóng thủy điện, nảy sinh bất cập nên bây giờ phải gỡ. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tỉnh đã nhiều lần rà soát, báo cáo Chính phủ giảm các dự án thủy điện. Ít nhất 7 thủy điện bị loại khỏi quy hoạch vài năm gần đây. Các dự án thủy điện vừa và nhỏ được UBND tỉnh trình, HĐND tỉnh thông qua gần đây đều đánh giá thận trọng hài hòa các mục đích phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tuy nhiều thủy điện ra đời, nhưng người dân không phải quá lo vì hệ thống thủy điện lớn như Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 6, Đăk Mi 4 nằm gần hạ lưu có đủ sức chứa lượng nước khổng lồ nếu không may dự án thủy điện khác nằm ở thượng nguồn gặp sự cố. Phần nhiều thủy điện vừa và nhỏ nằm ở thượng lưu không có hồ chứa hoặc dung tích rất nhỏ. Tuy nhiên, từ sự cố vỡ nhà máy thủy điện ở Lào mới đây cũng như thủy điện Sông Bung 2 hồi năm 2016, theo các chuyên gia thủy lợi, các dự án thủy điện có hồ chứa cần xây dựng các kịch bản vỡ đập như các nước trên thế giới đã làm. Kịch bản phải tính toán mô phỏng quá trình vỡ của đập, mô phỏng quá trình lũ tràn xuống hạ lưu gây nên ngập lụt bằng các mô hình số. Từ đó, lên kế hoạch phòng tránh hoặc giảm thiệt hại tối đa.
Được biết, cho đến nay, Thanh tra Bộ TN&MT mới chỉ xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước 810 triệu đồng đối với nhà máy thủy điện Đăk Mi 4. Trong đó, xử phạt 400 triệu đồng nhà máy này vì hành vi không xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập và các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình.
HỮU PHÚC