Sứ giả đưa Trúc chỉ ra thế giới

TƯỜNG MINH (thực hiện) 06/01/2018 10:39

Trúc chỉ - một loại hình nghệ thuật mới, được tiếp biến từ truyền thống của Việt Nam - vừa “oai phong” bước ra sân chơi thế giới bằng giải thưởng American Graphic Design Award 2017, do tạp chí “Graphic Design USA” tổ chức hàng năm. Và sứ giả của Trúc chỉ là họa sĩ thiết kế Đặng Thị Bích Ngọc (23 tuổi, cựu sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) với bộ poster quảng bá tuồng San Hậu.

Đặng Thị Bích Ngọc - sứ giả mang Trúc chỉ ra thế giới.Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đặng Thị Bích Ngọc - sứ giả mang Trúc chỉ ra thế giới.Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đây là bộ thiết kế tôn vinh văn hóa Việt bằng cách kết hợp một loại hình nghệ thuật truyền thống với một loại hình nghệ thuật mới đựợc tiếp biến từ truyền thống: Nghệ thuật Tuồng và nghệ thuật Trúc chỉ. Bộ poster tập trung vào vở tuồng kinh điển San Hậu, với bốn khuôn mặt nhân vật đặc trưng cho tinh thần vở diễn: Khương Linh Tá - dũng tướng, bộc trực. Tạ Ôn Đình - phản Tề, dữ dằn. Phàn Định Công - lão tướng, trung can, nghĩa khí. Phàn Diệm - con trai tướng Phàn, cổ quái, phi thường. Còn nghệ thuật Trúc chỉ là một loại hình nghệ thuật mới của Việt Nam do họa sĩ Phan Hải Bằng - giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế sáng lập. Bằng cách kết hợp nghề giấy thủ công truyền thống và nguyên lý của nghệ thuật đồ họa, thuật ngữ kỹ thuật “trucchigraphy” đã ra đời và được sử dụng để chỉ nghệ thuật Trúc chỉ. Và sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật đã làm nên sự khác biệt và đặc trưng của thiết kế này.

Thú vị là bộ poster San Hậu là một… tiếp biến của đồ án tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa của của Đặng Thị Bích Ngọc. Và Ngọc là người Việt Nam thứ hai (sau nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông) nhận được giải thưởng của American Graphic Design Award 2017 với tư cách là nhà thiết kế đồ họa, hạng mục posters.

Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông - cố vấn cho đồ án dự thi - nhận xét về Ngọc: “Thiết kế poster về đề tài sân khấu hay điện ảnh, luôn cần có hiệu ứng ánh sáng đặc trưng. Giấy nghệ thuật Trúc chỉ - chất liệu tạo được vẻ tân cổ điển (neo-classic) giàu chất đồ họa, lại hiện hình khi xuyên sáng. Ám ảnh với đề tài cổ truyền, nhà thiết kế đồ họa tinh khôi Đặng Thị Bích Ngọc đã hòa quyện chúng trong bộ poster liên hoàn - tuồng cổ San Hậu - tạo nên sắc thái dân gian đương đại. Bằng đồ họa, cô đã đem Trúc chỉ đến Mỹ, và thành công”.

Trước khi làm sứ giả “đem Trúc chỉ đến Mỹ và thành công”, Ngọc đến với tuồng cổ và Trúc chỉ như thế nào? Và vì sao Ngọc chọn Trúc chỉ làm chất liệu cho bộ poster của mình?

- Ban đầu là cảm giác thú vị khi đi sâu tìm hiểu về kịch hát cổ truyền và di sản của nó. Sau đó là cảm giác buồn nản khi chứng kiến sự thờ ơ của giới trẻ đối với nghệ thuật truyền thống. Tôi nghĩ mình nên làm cái gì đó với di sản này và đã đăng ký đề tài tốt nghiệp đại học có tên: “Thiết kế bộ poster quảng bá cho đêm nhạc truyền thống Nhạc của Đình” do các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh cổ nhạc biểu diễn. Chương trình được xây dựng theo tinh thần nghi thức của một lễ hội làng Việt ở chốn đình xưa, được biên tập từ nhiều thể ca nhạc cổ truyền và nhiều lối hát dân gian Bắc Bộ như tuồng, chèo, hát cửa đình, xẩm, hát đúm, hát ru, hát cò lả… Đồ án tốt nghiệp của tôi là cụm 4 poster quảng bá chương trình với 3 loại hình diễn xướng đặc trưng là: Tuồng, Chèo và Ca trù.

Do cần tìm hướng thể hiện hiệu quả, tôi mong muốn bộ poster được tạo tác bằng kỹ thuật đặc biệt để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống, nên sau khi tìm hiểu, lắng nghe những góp ý của thầy cô, bạn bè, tôi đã tìm đến Vườn nghệ thuật Trúc chỉ tại Huế. Ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng đây là phương án hay nhất để thể hiện đồ án. Từ đó, tôi được sự giúp đỡ, tư vấn tận tình của các thầy giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế là Trần Thanh Bình và Phan Hải Bằng (người sáng lập Trúc chỉ). May mắn nữa là đồ án được họa sĩ thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông biết đến qua Facebook của một giảng viên trong khoa ngay sau khi bảo vệ. Và từ Mỹ, họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông đã chủ động góp ý, động viên tôi chỉnh sửa đồ án để đem đi dự thi quốc tế.

Vì sao Ngọc lại chọn các nhân vật tuồng San Hậu?

Sau khi nhận được những tư vấn và hướng dẫn cụ thể của họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông, tôi giữ nguyên ý tưởng ban đầu là sử dụng nghệ thuật tiếp biến truyền thống Trúc chỉ để thể hiện, nhưng chuyển đổi hướng đề tài từ quảng bá “Đêm nhạc truyền thống” sang giới thiệu thể loại ca kịch cổ truyền là Tuồng với các lý do: Tuồng là loại hình ca kịch cổ, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điển hình cho nghệ thuật cổ truyền Việt Nam. Nghệ thuật Tuồng đặc trưng bởi điệu hát, diễn xuất và hóa trang khuôn mặt, những ngôn ngữ nghệ thuật này đậm chất đồ họa ước lệ, và có thể tạo nên ấn tượng thông qua Trúc chỉ. Và San Hậu có tuyến nhân vật với tính cách nhân vật điển hình, có thể biểu đạt tốt hơn bằng ngôn ngữ đồ họa.

Bộ poster tuồng San Hậu đoạt giải của Đặng Thị Bích Ngọc.
Bộ poster tuồng San Hậu đoạt giải của Đặng Thị Bích Ngọc.

Họa sĩ Trần Thanh Bình - giảng viên hướng dẫn cho đồ án tốt nghiệp của Ngọc nhận xét: “Ngọc là một cô gái kiên cường, can đảm vượt qua khó khăn và thử thách giới hạn của bản thân, dám dấn thân tìm tòi khám phá cái mới. Chính Bích Ngọc đã đề xuất “mượn” chất liệu Trúc chỉ làm phương thức biểu đạt cụm poster của mình. Đây quả là một ý tưởng bất ngờ ngay cả đối với tôi là giảng viên hướng dẫn chuyên môn cho em. Có thể nói, cụm poster “Nhạc của Đình” của Bích Ngọc… chẳng giống ai từ xưa đến nay vì hầu như nó không dùng các ngôn ngữ biểu đạt thông thường mà ta thường thấy trên các poster quảng cáo quen thuộc lâu nay. Có lẽ chính điều này đã giúp cho cụm poster San Hậu giành được giải thưởng American Graphic Design Award 2017”.

Bộ poster của Ngọc là sự kết hợp một loại hình nghệ thuật truyền thống với một loại hình nghệ thuật được tiếp biến từ truyền thống. Điều này có ý nghĩa gì và quá trình kết hợp này diễn ra như thế nào?

Tôi nghĩ rằng đây là sự kết hợp hoàn hảo bởi vì Trúc chỉ sử dụng các chất liệu ở địa phương kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một tiếp biến, một giá trị truyền thống giữa bối cảnh hiện đại. Bản thân tôi là một người trẻ yêu thích âm nhạc dân tộc, tôi mong muốn có thể tiếp biến được giá trị nghệ thuật truyền thống đến những con người hiện đại. Đề tài tôi chọn là nghệ thuật biểu diễn dành cho công chúng. Vì thế khi nhìn những tác phẩm Trúc chỉ lung linh qua ánh đèn (xuyên sáng), ví dụ như các poster dạng hộp đèn, tôi đã nghĩ rằng đây là sự kết hợp tuyệt vời nhất cho tác phẩm của mình.

Qua giải thưởng này, nghệ thuật Trúc chỉ đã đĩnh đạc bước ra thế giới bằng con đường design và Ngọc chính là sứ giả của Trúc chỉ. Ngọc nghĩ về điều này như thế nào?

Tôi tìm đến với Trúc chỉ như là duyên tiền định. Tôi may mắn được trải nghiệm cùng với Trúc chỉ nhiều lần và “tận nguồn”. Những gì tôi tiếp nhận từ Vườn Trúc chỉ không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà còn có những tình cảm, kỷ niệm khó quên với những anh chị nơi đây. Hơn cả may mắn, với tôi, còn là vinh dự khi có thể mang tiếng nói của Trúc chỉ cùng với ca kịch truyền thống của Việt Nam ra với quốc tế.

Và Ngọc có dự kiến gì tiếp theo với Trúc chỉ hay không?

Với bộ poster này, trong khi chờ kết quả của hai cuộc thi đang dự  cũng ở Mỹ gồm: HOW International Design Award 2017 và Graphis Competition - New Talent Annual 2018, tôi định sẽ tiếp tục dự hai cuộc thi thiết kế nữa trong năm 2018, theo tư vấn của thầy Nguyễn Tri Phương Đông. Và tôi mong muốn được quay trở lại làm việc với Vườn Trúc chỉ Huế với các thiết kế ứng dụng cụ thể.

TƯỜNG MINH (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sứ giả đưa Trúc chỉ ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO