Kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ khi nguồn lực ngày càng hạn hẹp thực sự đã tạo ra sức ép trong quá trình phát triển. Vì vậy, chọn dự án động lực, không đầu tư dàn trải, tăng cường huy động các nguồn vốn là định hướng xuyên suốt của Quảng Nam.
Hạ tầng dần hoàn thiện
Sở KH&ĐT công bố tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015 hơn 76.700 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 với tốc độ tăng bình quân 10,2%/năm, tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng thiết yếu dần hoàn thiện. Kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông chiếm gần 62% cơ cấu vốn đầu tư hạ tầng. Hình ảnh dễ dàng nhìn thấy là cầu Cửa Đại bắc ngang sông Thu Bồn đang hứa hẹn biến vùng đất miệt đông nghèo khó lâu đời trở thành khu vực kinh tế năng động trong tương lai. Việc mở rộng, nâng cấp trên 60km tuyến quốc lộ 1, hơn 200km đường ĐT604 và Nam Quảng Nam đã “nâng cấp” thành quốc lộ, 70km đường ĐT, hình thành 6 cây cầu quan trọng kết nối khu vực đông - tây. Hơn 1.500km đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa lên 4.200km, góp phần nâng tỷ lệ đường huyện có mặt đường từ 50% lên hơn 70%, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa từ 49% lên 66%... đã biến những vùng đất xa xôi trở nên gần gũi và tiếp cận nhiều hơn cơ hội phát triển.
Hệ thống giao thông được đầu tư, tạo cơ hội cho nhiều vùng khó khăn phát triển.Ảnh: T.PHONG |
Không chỉ kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp thay đổi từng ngày mà mạng lưới điện, cấp nước, bưu chính - viễn thông, hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, các khu đô thị... cũng đã dần hoàn thiện. Sự nâng cấp 14 hồ chứa nước lớn, 300 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu, trên 400km kênh mương đã giúp 87,6ha lúa và 13.700ha đất màu chủ động nước tới với trên 60% xã có hệ thống thủy lợi, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, với 99% tỷ lệ hộ sử dụng điện, 98,4% số xã có điện hay 93% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm... đã chứng minh hiệu quả đầu tư từ vốn nhà nước vào kiến thiết xã hội.
Thành công của phát triển cơ sở hạ tầng lẫn việc thu hút được nhiều nguồn vốn từ các dự án lớn, đã tạo cơ sở, điều kiện cho Quảng Nam dựa vào nguồn lực ấy phát triển. Tuy nhiên, ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng hiện kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc huy động vốn đầu tư phát triển vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều công trình trọng điểm thiếu vốn. Sự điều chỉnh quy mô dự án ngày càng có xu hướng tăng lên nhưng nguồn vốn buộc phải dần ổn định theo kế hoạch trung hạn. Đó là chưa kể chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu cập nhật, bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch phát triển hạ tầng hay thiếu nghiêm túc quản lý đầu tư xây dựng ở các ngành, địa phương, các chủ đầu tư... đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng cơ bản và tạm ứng ngày càng khó kiểm soát.
Chọn dự án đầu tư
Theo nhận định của chính quyền và các cơ quan quản lý, tốc độ đầu tư hạ tầng không mạnh bởi thiếu nguồn lực đầu tư. Nếu các doanh nghiệp nội địa mong muốn được hưởng lợi, trông chờ những tác động từ ưu đãi về thuế, cải thiện môi trường pháp lý thì khối FDI trông chờ nhiều nhất từ việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Điều này vừa là lý do cũng là sức ép lớn nhất của khối doanh nghiệp này khi thương thảo với chính quyền, trước khi quyết định đặt dự án hay mở rộng đầu tư. Những yếu kém của hệ thống cơ sở hạ tầng như kết nối giao thông, cảng biển và hạ tầng xã hội… luôn là những vấn đề được nêu ra nhiều nhất tại các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư. Thực tế cho thấy, trong vòng 5 năm qua, tổng vốn đầu tư hạ tầng chỉ mới đáp ứng khoảng từ 25 đến 35% nhu cầu. Từ thực trạng này, chính quyền Quảng Nam đã tuyên bố chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, tăng cường huy động các nguồn vốn phát triển khác. Không thể để tình trạng manh mún hay dở dang, tiếp tục “điệp khúc” đợi vốn. Có thể tạm dừng các dự án có nguồn vốn quá lớn hoặc loại bỏ những dự án thiếu khả thi. Không để tràn lan, kiểm soát quy mô và đầu tư dứt điểm, xúc tiến tìm nguồn vốn từ các tổ chức, định chế tài chính để có thể phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hoàn thiện kết nối các tuyến giao thông nam - bắc, đông - tây và hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị, cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá...
Ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở GTVT cho rằng ấn tượng đầu tiên là giao thông đến đâu đô thị mở đến đó. Không tham vọng nhiều vì nguồn lực yếu và thiếu nhưng nếu đầu tư phát triển như 5 năm qua thì giao thông chắc chắn sẽ được khớp nối đồng bộ, đủ khả năng trở thành động lực phát triển liên kết các vùng đông - tây Quảng Nam. Trong góc nhìn khác, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay hiện tại cả nước lao đao vì hạn thì nhờ vào 73 hồ chứa nước và 400km kênh mương… đã được thường xuyên đầu tư nâng cấp, nên Quảng Nam vẫn đủ nước để sử dụng cho tưới tiêu. Nếu như kết cấu hạ tầng nông thôn thay đổi thì khả năng sẽ thu hút đầu tư vào nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng định hướng kết cấu hạ tầng vẫn là tiếp tục phát triển giao thông, kết nối giao thông đối ngoại và đối nội liên vùng, nâng cấp phát triển các tuyến giao thông nối đông - tây hiện có. Nguồn lực đầu tư lâu nay sử dụng ngân sách là chính nên đầu tư tăng không đáng kể. Nếu để đột phá, cần phải huy động nguồn lực của kinh tế tư nhân. Sẽ có kế hoạch, tìm giải pháp cụ thể huy động nguồn lực từ phương thức đầu tư hợp tác công tư (PPP).
TÙY PHONG