Gần như tất cả địa phương của tỉnh đều có nhu cầu bức thiết để đầu tư phát triển nhưng nguồn lực lại dường như không thể. Nguồn vốn đều không bảo đảm so với tổng mức đầu tư, nợ khối lượng xây dựng cơ bản các công trình qua các năm vẫn còn khá lớn... thì việc tăng thu ngân sách là chuyện buộc phải đặt ra.
Tăng thu ngân sách là điều đáng mừng. Đó là cơ sở để chính quyền có thêm nguồn lực chi cho các chương trình thiết yếu, bổ sung thêm vốn cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, nguồn thu chủ yếu vẫn chỉ dựa vào sự tăng trưởng của một vài doanh nghiệp trọng điểm chưa hẳn là điều tốt. Sự thiếu bền vững này chỉ rõ rằng thu ngân sách chưa thực sự bắt nguồn từ năng lực nội sinh của nền kinh tế. Ngân sách đang dựa vào những yếu tố mang tính ngắn hạn, nhưng nhiều xu hướng khác đang tác động đến nguồn thu. Thuế suất thuế nhập khẩu đang giảm theo lộ trình giảm thuế khi ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đó là chưa kể các khoản viện trợ không hoàn lại, nguồn trái phiếu chính phủ cũng đang chiều hướng giảm, trong khi nguồn chi trả nợ ngày càng gia tăng. Chưa biết chính quyền và cơ quan quản lý ứng biến thế nào để nhanh chóng tìm ra nguồn thu thay thế và cân nhắc khi đưa ra chính sách trong tương lai. Điều quan trọng phải được tính đến là việc sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách cho các công trình, dự án đầu tư, khôi phục sức mua thị trường, giúp doanh nghiệp giảm chi phí cùng với sự hỗ trợ khác thay vì chỉ việc “tăng thu” trong tầm nhìn ngắn hạn.
Tăng thu ngân sách trong ngắn hạn là điều rất khó, trong khi thiếu kinh phí đầu tư hay chi thường xuyên luôn là câu chuyện đau đầu của ngân sách lâu nay. Thu ngân sách khó, tất yếu dẫn đến chi ngân sách bị căng kéo, kéo theo chi đầu tư phát triển liên tục sụt giảm dù biết rất rõ hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế thì việc gia tăng đầu tư công là hết sức cần thiết. Nhưng hiện có một nghịch lý là chi đầu tư phát triển bị giảm mạnh trong khi các khoản chi khác như chi thường xuyên lại tiếp tục gia tăng. Nếu thu ngân sách gặp khó khăn, chi thường xuyên tiếp tục tăng lên sẽ dẫn đến thu không đủ bù chi thì việc tạm ứng, vay là điều tất yếu, dễ dàng đoán trước chi trả nợ cũng sẽ không bao giờ chấm dứt, bởi rất ít địa phương tự cân đối được ngân sách. Hiện tại, tính chủ động của các địa phương trong vấn đề tạo nguồn lực đầu tư phát triển gần như bằng không, bởi nếu không tự tạo được nguồn lực tại chỗ thì chỉ còn cách đi xin. Địa phương vẫn loay hoay với bài toán cân đối ngân sách cho tình trạng quá tải về đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhiều địa phương vẫn “sống” trong cơ chế bao cấp, trợ cấp ngân sách từ trung ương, tỉnh, khiến tính năng động sáng tạo bị triệt tiêu, tâm lý ỷ lại trông chờ ngày càng nảy sinh. Việc phân cấp thu chi ngân sách đang là vấn đề lớn, đặt ra một cách cấp bách trong quá trình tái cơ cấu đầu tư công.
Một vài chuyên gia kinh tế cho rằng để giải quyết gốc rễ “căn bệnh” này thì phải phân bổ lại các khoản chi ngân sách sao cho hiệu quả nhất. Đó là việc tái cơ cấu các khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang cho đầu tư phát triển. Giải quyết hợp lý điều này sẽ giải quyết đồng thời hai vấn đề về hậu quả đầu tư và thâm hụt ngân sách. Nhưng để đạt được điều này, có lẽ phải có một cuộc “cách mạng” từ những người làm chính sách vì tăng chi dễ, giảm chi lại rất khó…
TÙY PHONG