Sức hút của Sesame

QUỐC HƯNG 21/11/2019 15:38

Ra đời cách đây 50 năm, Sesame Street (tạm dịch: Phố Vừng) - một trong những chương trình thiếu nhi phổ biến nhất mọi thời đại, vẫn tỏa sức hút mãnh liệt đối với khán giả nhí và cả người lớn.

Những chú rối Muppet trong Sesame nổi tiếng diễu hành trên đường phố để chào mừng sinh nhật 50 của chương trình. Ảnh: @Dejiki
Những chú rối Muppet trong Sesame nổi tiếng diễu hành trên đường phố để chào mừng sinh nhật 50 của chương trình. Ảnh: @Dejiki

Sesame Street lần đầu tiên được phát sóng trên truyền hình Mỹ vào tháng 11.1969, được xem mở đường cho các chương trình thiếu nhi mang tính giải trí và giáo dục trên toàn thế giới. Thậm chí, các nhà phê bình phim khẳng định Sesame Street là nguồn cảm hứng để thay đổi giáo dục mầm non trên toàn cầu. Sesame Street nổi tiếng với những chú rối Muppet do cố nghệ nhân Jim Henson (1936-1990) sáng tạo và được tổ chức phi lợi nhuận Sesame Workshop (do Joan Ganz Cooney và Ralph Rogers thành lập) sản xuất. Trong Sesame Street, mỗi nhân vật ở một độ tuổi khác nhau và có tính cách rất độc đáo. Mỗi tập như thế luôn có các vị khách mời sẽ nói về một chủ đề riêng cho các con rối cũng như các vị khán giả đang xem chương trình tại nhà.

Chương trình xen lẫn cả hoạt hình, con rối đầy màu sắc, và diễn viên thật - thường là các ngôi sao Hollywood, với những tiết mục rất vui nhộn, hài hước để thêm tính hấp dẫn, lôi cuốn. Sesame Street đồng thời kích thích sự phát triển trí não của trẻ, cải thiện khả năng đọc biết, giải các bài toán đơn giản hay cách trẻ băng qua đường an toàn, vệ sinh, thói quen ăn uống lành mạnh, thể hiện cảm xúc, khả năng quan sát, tư duy để ứng xử nhanh trong cuộc sống, niềm đam mê khoa học. Như vào năm 2006, trong lúc tỷ lệ béo phì ở trẻ em đến mức báo động, Sesame Street nhận được nhiều lời khen khi phát sóng các phân đoạn về việc dạy trẻ em các thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe và tập thể dục chống lại béo phì.

Sesame Street là chương trình thiếu nhi đầu tiên trên toàn cầu đưa vào nhân vật là trẻ tự kỷ, đó là cô rối Julia có mái tóc da cam. Những em nhỏ theo dõi chương trình sẽ thấu hiểu hơn về chứng tự kỷ, bớt đi những định kiến, thậm chí xa lánh những người bạn kém may mắn của mình. Để chuẩn bị cho việc đưa nhân vật Julia vào chương trình, ê-kíp sản xuất Sesame Street phải tìm đến các chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em, các nhà giáo dục và các tổ chức chuyên giúp đỡ trẻ tự kỷ hòa nhập vào cuộc sống cùng các bạn nhỏ bình thường khác.

Mới đây, thành phố New York (Mỹ) tổ chức lễ đặt tên đường Sesame Street nhân kỷ niệm 50 năm phát sóng chương trình truyền hình cùng tên. Một chương trình đặc biệt kỷ niệm 50 năm của Sesame Street vừa được phát sóng trên kênh truyền hình HBO với một cuộc diễu hành của những chú rối Muppet vui nhộn trên khắp các đường phố tại Mỹ, thu hút đông đảo người hưởng ứng tham gia. Ben Lehmann, nhà sản xuất điều hành chương trình Sesame Street cho biết, chương trình luôn được thay đổi, sáng tạo cùng thông điệp ý nghĩa nhằm đuổi kịp nhu cầu của khán giả, những thay đổi chóng mặt trong đời sống giải trí để tạo nên sức hút trường tồn của chương trình danh tiếng từ hàng chục năm qua.

Quả vậy, Sesame Street với gần 5.000 tập được khán giá 150 quốc gia trên thế giới chào đón. Một cuộc khảo sát năm 1996 cho thấy 95% trẻ mẫu giáo Mỹ đã xem chương trình này khi chúng được ba tuổi. Năm 2018, ước tính có 86 triệu người Mỹ đã xem loạt phim này khi còn nhỏ. Đặc biệt, tính đến năm 2018, Sesame Street giành được 189 giải thưởng phim truyền hình cao quý nhất Emmy và 11 giải thưởng trong ngành công nghiệp thu âm Grammy, nhiều hơn bất kỳ chương trình thiếu nhi nào khác. Sesame Street cũng là một trong số ít chương trình truyền hình được Bộ Giáo dục Mỹ khuyến khích theo dõi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức hút của Sesame
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO