Lễ hội văn hóa Senggigi 2013 diễn ra trong suốt nhiều ngày qua tại Indonesia đang thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương thuộc tỉnh miền tây Nusa Tenggara của nước này cũng như du khách thập phương.
Hàng loạt buổi diễu hành trên đường phố kết hợp biểu diễn các điệu múa, hát truyền thống, trưng bày các sản phẩm du lịch sáng tạo, các sản phẩm lưu niệm truyền thống cùng những món ăn đặc sản của vùng đã được phô diễn, bày tiệc. Lễ hội Senggigi 2013 còn kích thích sự hiếu kỳ của du khách với phần trình diễn các nghi lễ cưới truyền thống… Các quan chức tỉnh miền tây Nusa Tenggara cho biết, đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh được tổ chức hằng năm nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của khu vực thông qua các đột phá, tận dụng các lợi thế phát triển du lịch của vùng.
Những điệu múa truyền thống tại Lễ hội Senggigi 2013. |
Ông Regent Zaini Arony, một quan chức tỉnh này cho biết, miền tây Nusa Tenggara từng được đánh giá là khu vực kém phát triển nhất của Indonesia. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ vào các kế hoạch kích thích phát triển ngành du lịch đúng hướng đã tạo nguồn thu cho vùng cũng như tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nơi đây trở thành điểm đến của Indonesia, là sự lựa chọn của du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội lần này, du khách được dịp tham quan làng thủ công truyền thống nổi tiếng như làng chuyên làm gốm Banyumulek ,Penujak, Masbagik hay những làng dệt như Sukarare, Puyung và Pringgasela.
Miền tây Nusa Tenggara, nơi diễn ra lễ hội còn được ví như là “viên ngọc mới của Indonesia”. Trong đó, quần đảo Lombok nổi tiếng với hàng trăm hòn đảo nằm trên vùng biển Thái Bình Dương. Với diện tích 100 nghìn km2 và dân số 2,5 triệu người, nơi đây có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, khí hậu nóng và mưa nhiều. Từ trên máy bay nhìn xuống, Lombok có hình dáng giống như một chuỗi ngọc khổng lồ. Do nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nên Lombok là nơi nổi tiếng với bãi biển trải dài vô tận và bầu không khí trong lành. Trong thời gian gần đây, các dịch vụ homestay được phát huy và đem lại hiệu quả cao. Du khách sẽ được chỉ dẫn những kỹ thuật đánh bắt cá, trồng trọt, săn bắn của người Sasak, chế biến các món ăn truyền thống hay làm những tác phẩm thủ công…
Thống kê của Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo Indonesia cho biết, Indonesia đang hướng tới phát triển nền kinh tế gắn liền với du lịch, nhằm quảng bá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đến bạn bè quốc tế. Và chính nền văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng là một trong những động lực phát triển chủ chốt của ngành du lịch. Toàn ngành du lịch đóng góp 321.570 tỷ rupiah, hay 3,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 11.570 tỷ rupia tiền thuế. Ngân sách dành cho đầu tư phát triển du lịch năm 2012 tăng 3%, đạt 8,86 tỷ USD; dự kiến vượt quá 10 tỷ USD vào năm 2015. Indonesia đã thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch vào năm 2012 và dự kiến tăng lên 9,5 triệu lượt vào năm 2014.
KIM OANH (tổng hợp)