Doanh nghiệp rất cần sự minh bạch, khách quan, trung thực, chính xác, thể hiện vai trò của các cơ quan báo chí, nhà báo trong việc góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng. Đây cũng là câu chuyện được các doanh nhân đề cập, đóng góp ý kiến nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam ngày 26.3.2017. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Phạm Văn Tài - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Thaco:
“Cần sự phản ánh trung thực về sứ mệnh của doanh nghiệp chân chính”
Nhiều người nói cam kết mở rộng đầu tư, sản xuất của Thaco trong bối cảnh đầy khó khăn này giống như người đi ngược gió. Đó cũng chỉ là một cách nói khi Thaco quyết định sản xuất nhiều hơn thay vì nhập khẩu. Thực ra, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải chủ động đầu tư vào sản xuất, ngày càng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm bớt nhập khẩu… Một nền kinh tế chỉ nhập khẩu, không sản xuất thì không thể nào phát triển bền vững. Sẽ trở thành một nền kinh tế lệ thuộc và nền công nghiệp ô tô mà phụ thuộc nhập khẩu là đi ngược với chủ trương của Đảng và Nhà nước là tiến tới một quốc gia công nghiệp.
Thaco đầu tư trong khi thị trường ô tô gặp khó khăn, nhưng khó khăn chỉ là tạm thời. Bất kỳ doanh nghiệp nào, đất nước nào trên thế giới này cũng phải trải qua những giai đoạn khốn khó. Nói Thaco đi ngược gió hay lội ngược dòng là chưa chính xác, mà đây là chiến lược đầu tư của Thaco. Chính sự đầu tư như vậy mới tăng năng lực cạnh tranh. Và tất cả điều này đều cần những sản lượng lớn, chuyển từ thế bị động sang vị thế chủ động, đón đầu cơ hội. Không chỉ cho thị trường nội địa mà cho cả xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thông qua các phương tiện báo viết, báo hình, báo mạng, các kênh thông tin khác nhau của giới truyền thông, trong đó có báo Quảng Nam, hình ảnh, thương hiệu của Thaco đã được nhiều người biết đến. Sự tương tác này cũng đã làm cho các giới, các tầng lớp công chúng trong xã hội có thể tự hào khi có một doanh nghiệp Việt dám đầu tư vào lĩnh vực ô tô đầy khó khăn và rất rủi ro. Sắp tới cũng mong báo, đài một lần nữa gióng lên tiếng chuông thông tin cho xã hội biết rằng việc Thaco đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp là sự cần thiết để đưa đất nước đi đến giai đoạn hiện đại hóa, công nghiệp hóa, nhất là làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã len lỏi và hình thành. Truyền thông phải cho mọi người thấy nếu không chủ động phát triển ngành công nghiệp ô tô thì các ngành công nghiệp phụ trợ khác như điện, điện tử, cao su, kính… cũng sẽ bị ảnh hưởng, khó có thể lan tỏa đến các ngành ngư, nông nghiệp đang là tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam. Như vậy, phát triển công nghiệp ô tô vô hình trung kéo theo sự phát triển của nhiều ngành khác. Giới truyền thông cũng nên xác tín điều này, hỗ trợ Thaco, để giải thích cho cộng đồng biết vì sao Thaco đầu tư vào khu vực đầy khó khăn này. Nếu sắp tới, không thể vượt qua được những rủi ro năm 2018 thì sẽ là thách thức rất lớn tới hàng vạn công nhân, ảnh hưởng an sinh xã hội và nguồn thu ngân sách. Thaco đầu tư cho giai đoạn này, không chỉ đầu tư cho chính mình mà thực hiện sứ mệnh trở thành một doanh nghiệp nội địa của Việt Nam có thể tạo dựng hình ảnh vươn ra thị trường thế giới.
Hội thảo “Báo chí với doanh nghiệp - Kết nối và chi sẻ”. Ảnh: DOÃN HOÀNG |
Bên cạnh lực kéo của thị trường, lực đẩy của công nghệ thì chúng tôi cần lực nâng của chính sách và sự hỗ trợ của giới truyền thông. Điều mong đợi, cần nhất ở các cơ quan báo chí, nhà báo là phản ánh trung thực những gì mà chúng tôi đang làm và giải thích vì sao chúng tôi phải đặt cược số mệnh mình khi đầu tư ở Khu kinh tế mở Chu Lai. Không chỉ góp sức cho nền kinh tế Quảng Nam mà còn cho cả nền công nghiệp ô tô Việt Nam. Kỳ vọng báo chí ngày càng xác thực hơn, thể hiện tính đa chiều, kịp thời để giúp thay đổi những tồn tại, bất cập trong quản lý kinh tế. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam mạnh mẽ.
Ông Phạm Văn Du - Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Duy Sơn 2:
“Mong hiến kế, tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể”
Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng đã có nghị quyết về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí. Trước đây, vì những lý do khác nhau, có những vấn đề hay bị quy vào “vùng nhạy cảm” nên ít tờ báo, nhà báo đụng đến. Ngay cả những bức xúc của đời thường cũng ít được nhà báo nhìn với con mắt phản biện. Hiện nay vấn đề này đã thay đổi. Báo chí ngày càng đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước, thực hiện tốt hơn vai trò phản biện.
Là người đứng đầu một doanh nghiệp, loại hình HTX, tôi cho rằng báo chí đã tham gia tích cực trong việc phản biện chính sách. Báo chí và doanh nghiệp đã có sự gắn bó, tạo ra những thay đổi về cải cách hành chính, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tốt hơn, thực tiễn hơn, không phải vì lợi ích cá nhân mà vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động. Họ đã thể hiện được tính độc lập, có tiếng nói trong nhiều lĩnh vực như kê khai hoàn thuế, nâng mức trần thuế, thủ tục giấy phép con, phân tích cần tăng giá điện hay không, bảo vệ môi trường… Điều ấy phần nào đã làm cho các bộ, ngành chức năng của Nhà nước phải xem xét lại, góp phần tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các HTX. Quan trọng hơn các tờ báo đã mạnh dạn nói thẳng, góp ý để các cơ quan quản lý nhà nước thay đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Không chỉ phản biện chính sách, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, báo chí đã đồng hành với doanh nghiệp, động viên doanh nghiệp vượt khó, phát triển, đồng thời phê phán những hoạt động sai trái. Sự quan tâm, theo sát doanh nghiệp như hiện tại có lợi rất nhiều cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của truyền thông, đã dẫn đến sự phân hóa khá rõ. Những tờ báo chính thống thông tin trung thực, còn một số các tờ báo “thị trường” khó có thể đảm bảo điều đó nên đã thông tin thiếu kiểm chứng, vội vàng đưa tin chưa chính xác, tạo sự hiểu lầm cho công chúng…, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và xã hội. Chẳng hạn như câu chuyện về nước mắm truyền thống có chứa chất arsen đã gây cho doanh nghiệp khổ sở. Một số ít phóng viên lợi dụng thẻ nhà báo hù dọa doanh nghiệp. Báo chí là con dao hai lưỡi. Nếu góc nhìn thiên về một nhóm lợi ích nào đó sẽ gây hại cho doanh nghiệp.
Một điều cũng cần nói, về lĩnh vực kinh tế hợp tác còn nhiều khó khăn, song chưa được báo chí quan tâm đúng mức để góp phần hiến kế, tháo gỡ cho kinh tế tập thể. Chúng tôi mong đợi báo chí tiếp tục thực hiện tốt là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, làm đúng vai trò, chức năng phản ánh, phản biện, dự báo, định hướng xã hội, kinh tế. Sự trung thực, khách quan, công bằng, chính xác cần đặt lên hàng đầu, hướng đến mục tiêu góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Đưa thêm nhiều thông tin về mô hình HTX kiểu mới, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng nông thôn mới. Tôi tin rằng viết được một bài báo phản biện chính sách hay, để chính sách ấy thiết thực hơn với người dân và doanh nghiệp thì điều đó sẽ chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của những người cầm bút.
Ông Phan Xuân Thanh - Tổng Giám đốc Công ty EMIC HOSPITALITY HỘI AN, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp Hội An:
“Nhà báo phải có những phản biện công bằng và văn minh”
Tính phản biện của báo chí hiện nay so với nhiều năm trước đã có cải thiện hơn, nhất là phản biện xã hội. Những thông tin nóng của báo chí đã giúp cho xã hội và cơ quan nhà nước có cái nhìn tích cực giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển của bán đảo Sơn Trà là một ví dụ. Chúng tôi luôn ủng hộ phản biện tích cực của báo chí hướng tới một môi trường minh bạch để cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp như chúng tôi cũng tự soi mình vào đó để có những quyết sách đúng đắn hơn, công bằng hơn. Nhất là hạn chế được rất nhiều tính độc đoán trong quyền lực cũng như lợi ích nhóm trong chính sách.
Không thể phủ nhận, hiện nay, báo chí đã tích cực hơn trong việc đồng hành, có nhiều chia sẻ cùng doanh nghiệp, doanh nhân, giúp đỡ những doanh nghiệp làm ăn tử tế được xã hội công nhận. Tuy nhiên, cũng có một số ít cơ quan báo chí, nhà báo dựa vào quyền lực mềm của mình để ép doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, có thể do một phần trình độ chuyên môn không cao. Không hiểu hết những góc khuất của doanh nghiệp, có trường hợp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến nhận thức chung của xã hội về hoạt động kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp. Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của những doanh nghiệp, doanh nhân phụng sự cho sự phát triển công bằng và văn minh. Sống thật và kinh doanh tử tế. Họ mong đợi cơ quan báo chí, nhà báo cũng phải có những phản biện công bằng và văn minh.
Câu chuyện khởi nghiệp của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng chỉ mới bắt đầu. Cái gì mới thường rất khó. Từ cơ chế đồng bộ ở trung ương đến địa phương, nguồn tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và quan trọng nhất là nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo chưa thật sự đi sâu vào đời sống thường nhật. Câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo Hội An không ngoài khó khăn đó, nên triển khai hoạt động vẫn chưa quyết liệt, cũng chỉ mới tiếp cận học hỏi từ các tổ chức khởi nghiệp sáng tạo các tỉnh khác, các tổ chức nước ngoài và tiếp nhận một số thành viên mong muốn khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ một cách thực chất, khách quan và tử tế từ các cơ quan truyền thông để sớm có những tổ chức, cá nhân thực sự mong muốn khởi nghiệp sáng tạo, có thêm nhiều sáng kiến, sản phẩm mới, đặc biệt là ngành nông nghiệp và du lịch để Quảng Nam phát triển.
Kinh doanh hiện tại không dễ. Doanh nhân thời nào cũng vất vả, gặp nhiều sóng gió. Không ai dám nới mạnh vì lằn ranh giữa thành công và phá sản đôi khi rất mong manh. Bối cảnh thực tế phong phú, rất cần có những tờ báo, nhà báo có lương tâm trong sáng, trung thực. Có cách nhìn tổng quan, sâu sắc, dũng cảm nói đúng, nói thực với mục đích xây dựng. Nếu người làm báo không tự xem xét kỹ lưỡng, khách quan, dũng cảm thì sẽ khó có tính phản biện cao.
Bà Nguyễn Thi Anh - Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị SILK SENSE HOIAN RIVER RESORT:
“Nên nhìn nhận sự việc một cách khách quan, vì sự phát triển của doanh nghiệp”
Trong thời buổi công nghệ thông tin bùng nổ “siêu tốc”, báo chí càng khẳng định vai trò kết nối thông tin, giúp các doanh nghiệp, doanh nhân tìm cơ hội hợp tác, phát triển; giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu hình ảnh ra bên ngoài. Năm 2017, Chính phủ lựa chọn là “Năm doanh nghiệp”, khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Sự phát triển của doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó có vai trò của báo chí.
Báo chí chính thống là cơ quan thông tin xác thực nhất, giúp doanh nghiệp, doanh nhân nắm bắt được cơ chế, chính sách của Nhà nước, từ đó có thể tiếp cận, đưa ra các giải pháp phát triển phù hợp. Tôi tin, nếu báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, theo đúng sự định hướng của Đảng, Nhà nước thì chắc chắn sẽ góp phần vào sự phát triển của đất nước nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Doanh nhân không phải kinh doanh chỉ vì mình, vì nếu vậy họ không cần vất vả đến thế. Việc báo chí đưa tin sai lệch, một nhận xét không đúng, một phê phán thiếu khách quan vì định kiến có thể làm cho cộng đồng doanh nghiệp nhụt chí. Báo chí có vai trò rất quan trọng với doanh nghiệp. Vì quan trọng nên khi viết về doanh nghiệp càng phải cẩn trọng bởi quá trình kinh doanh, sản xuất, khó có doanh nghiệp nào tránh khỏi những sai sót. Thực lòng, các nhà báo đã chia sẻ nhiều thông tin quý giá cho doanh nghiệp. Nhiều phóng viên có tâm với nghề. Vấn đề là người làm báo nên nhìn nhận sự việc một cách khách quan, công bằng, trung thực và lắng nghe 2 chiều vì sự phát triển của doanh nghiệp, khả năng đóng góp cho xã hội. Không nên thổi phồng sự việc hoặc quy chụp để gây chú ý của dư luận, khiến doanh nghiệp có thể điêu đứng vì mất thương hiệu.
Vai trò phản biện xã hội của một người làm báo, có lẽ mãi mãi sẽ quan trọng và thiết yếu. Sau một giai đoạn báo chí phát triển - thoái trào, sẽ trở lại một giai đoạn báo chí mới, báo chí phản ánh xã hội sâu sắc. Tôi tin báo chí chính thống sẽ khởi sắc khi nhà báo giữ được lửa nghề và sự tử tế!
Ông Nguyễn Viết Linh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc:
“Mong muốn báo chí nhiệt tình phản biện chính sách”
Đánh giá sự khác biệt trong tính phản biện của báo chí giữa “thời buổi” thông tin khác nhau là một câu trả lời khó. Tôi chỉ nhận ra rằng, thời gian gần đây, thông qua những trang mạng xã hội, người dân đã tham gia “làm báo” một cách nhiệt tình. Những trang cá nhân thường cập nhật những vấn đề, sự kiện nổi trội và đã tạo được sự chú ý nhất định từ người đọc bởi những thông tin không né tránh, những phân tích thấu đáo, logic và thuyết phục. Tôi tự đặt câu hỏi, liệu họ có phải là những nhà báo hay không? Liệu khi làm thấu suốt vấn đề, họ có chịu những tác động để bảo vệ quan điểm của mình? Khi họ bảo vệ được quan điểm trước những tác động (nếu có) là họ đã có thể đảm bảo tính phản biện tích cực cho bài viết của mình (trong tâm thế một nhà báo).
Trước đây thông tin đối chiếu còn hạn chế. Tính phản biện của báo chí trước đây cũng được “gói ghém” kỹ hơn. Bây giờ thì khác. Những trang báo chính thống nếu không đảm bảo được tính phản biện (tích cực) của mình thì “những nhà báo công chúng” sẽ chiếm sự chú ý nhiều hơn từ xã hội.
Doanh nghiệp rất mong muốn và nhiệt tình phản biện chính sách. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, mà còn vì sự mong muốn đóng góp cho việc hình thành một môi trường hỗ trợ tốt nhất cho kinh doanh. Với báo chí, đó cũng chính là mong mỏi, tiêu chí, thiên hướng của báo chí. Tuy nhiên, việc đóng góp có mạnh mẽ, nhiệt tình hay không, thực tế lại liên quan chặt chẽ đến thái độ tiếp nhận của các đơn vị được đóng góp. Thời gian qua, cũng đã có xu hướng nhiều doanh nghiệp bắt đầu thiếu mặn mà với việc đóng góp và ý kiến về chính sách. Nhiều khảo sát, hỏi ý kiến đã gặp sự im lặng từ phía doanh nghiệp. Vì họ thấy có nhiều đóng góp không thật sự được tiếp thu, hoặc chí ít là phản hồi từ phía cơ quan hữu quan, là ý kiến đó có được tiếp nhận không, và tiến độ cũng như mức độ như thế nào - phần lớn là sự im lặng. Báo chí phải làm điều này. Đó mới thực sự là một kênh tương tác với doanh nghiệp, lấy lại niềm tin từ xã hội!
TRỊNH DŨNG (thực hiện)