Qua 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều làng quê ở Núi Thành đã thay da đổi thịt, một sức sống mới trỗi dậy mạnh mẽ sau những lũy tre làng...
Cơ giới hóa đồng ruộng ở huyện Núi Thành. Ảnh: V.PHIN |
Ông Châu Ngọc Đình (thôn Phú Quý 1, xã Tam Mỹ Đông) bày tỏ: “Từ nhỏ gắn bó với ruộng đồng, nay nhìn những cánh đồng qua dồn điền đổi thửa, chỉnh trang, tôi thấy sướng con mắt. Vào vụ đông xuân, máy cày ầm ầm xuống đồng nghe vui lắm, rồi mùa gặt đến, những máy gặt đập liên hợp lại lội ruộng một loáng là xong...”.
Người dân ở Tam Mỹ Đông đang vui vì những cánh đồng dồn điền đổi thửa, những con đường bê tông trải dài, những cổng nhà, ngõ xóm sạch đẹp... và nhiều mô hình sản xuất, công trình dân sinh mọc lên từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Bùi Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông cho biết: “Tam Mỹ Đông là xã đầu tiên phát động xây dựng nông thôn mới ở huyện Núi Thành và là một trong 4 xã điểm của huyện. Vượt qua nhiều trở lực, 4 năm qua (từ 2011 đến nay), xã chúng tôi đã đạt được 14/19 và phấn đấu cán đích 19 tiêu chí vào cuối năm 2015 cùng với 3 xã điểm khác”.
Năm 2015, huyện Núi Thành đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015, tất cả xã đều nâng mức độ hoàn thành các tiêu chí bình quân tăng thêm ít nhất 2 tiêu chí/năm; 4 xã điểm hoàn thành 19 tiêu chí, các xã còn lại mỗi xã tăng từ 2 - 4 tiêu chí. |
Với chủ trương huy động tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Núi Thành xác định sản xuất là yếu tố cốt lõi của xây dựng nông thôn mới nên đã coi trọng việc xây dựng và thực hiện đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả ngày càng tăng. Trong 4 năm qua, huyện đã phê duyệt 31 mô hình có nguồn vốn hỗ trợ của chương trình nông thôn mới với tổng vốn đầu tư gần 12,2 tỷ đồng, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng triều, nuôi heo F1, nuôi gà thả vườn, bò sinh sản, cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch… Các mô hình kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2014 xuống còn 6,98%. Núi Thành đã thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong ngành nông nghiệp, góp phần ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn…
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của trung ương, tỉnh, huyện và các nguồn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, các xã đã tiến hành xây dựng nhiều công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh như đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã... Qua gần 4 năm xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã đầu tư gần 8 tỷ đồng mua 16 máy gặt đập liên hợp và 50 máy cày, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,7 tỷ đồng. Nhiều nhất là xã Tam Xuân 1 mua đến 11 máy gặt đập liên hợp. Tạo điều kiện cho cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, 4 năm qua, các xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Núi Thành gồm Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Hòa, Tam Mỹ Đông đã dồn điền đổi thửa được hơn 400ha đất nông nghiệp tại 17 thôn, đồng thời cứng hóa 36km đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa 15km kênh mương... Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng ở huyện Núi Thành. Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Núi Thành vào cuộc, tạo được phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng khắp trong toàn huyện, đặc biệt là phong trào phát triển kinh tế, làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, vệ sinh môi trường... Tuy nhiên, sắp tới huyện cũng phải khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại của một số địa phương và một số tồn tại khác”.
VĂN PHIN