Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã nghèo miền núi Đại Hồng (Đại Lộc) đã đạt được kết quả vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, khoác lên mình diện mạo khang trang, khởi sắc.
Cải thiện thu nhập
Là xã miền núi vùng tây Đại Lộc, có điểm xuất phát thấp, xã Đại Hồng gặp rất nhiều khó khăn khi bắt tay xây dựng NTM. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và đồng thuận của nhân dân, địa phương đã tận dụng tiềm năng, khai thác thế mạnh vốn có, vượt khó đi lên và hoàn thành 19/19 tiêu chí, được công nhận là xã NTM. Chia sẻ về thành quả này, bà Nguyễn Thị Lạc - Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho hay, cốt lõi của xây dựng NTM chính là nâng cao thu nhập trong nhân dân, xóa hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo, làm cho diện mạo quê hương thay da đổi thịt… nên mục tiêu xóa đói giảm nghèo được địa phương chú trọng đầu tiên. Ngoài thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo, chính sách cho người có công, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội thì địa phương đã tích cực hỗ trợ nông dân vay vốn để phát triển kinh tế. Hàng năm, từ nguồn vốn vay thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, số hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế rất lớn. Cụ thể là đến cuối năm 2015, tổng nguồn vốn vay từ kênh này đạt khoảng 10 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với năm 2014.
“Cửa ngõ” dẫn vào địa phận xã Đại Hồng. Ảnh: Bích Liên |
Theo bà Nguyễn Thị Lạc, việc nâng cao thu nhập là nhiệm vụ cấp bách nên địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất dựa trên tiềm năng và thế mạnh vốn có. Toàn xã có 45ha đất lúa đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa, việc áp dụng các giống lúa cho năng suất và sản lượng cao được chú trọng. Có 150ha trong tổng số 337ha đất màu toàn xã đã được quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm. Phần lớn vùng quy hoạch đất màu sản xuất chuyên canh được bố trí tại các bãi biền ven sông, phù sa màu mỡ, lại chủ động nguồn nước tưới với các loại cây trồng chủ lực như sắn, ớt, thuốc lá, bông vải, dưa hấu…
Ông Phạm Ích Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng thông tin thêm, ngoài quy hoạch vùng chuyên canh cây màu, địa phương còn tích cực thu hút đầu tư vào địa bàn, mục tiêu là giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và tạo thu nhập ổn định cho nhân dân. Trên địa bàn xã hiện có 3 doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở may gia công, giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động nữ. Từ khi có tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở may gia công tư nhân, không chỉ lao động nhàn rỗi tại địa phương có việc làm, thu nhập mà nhiều con em cũng hồi hương về quê làm ăn, chung tay xây dựng quê hương. Tin vui là mới đây, nhà máy chế biến tinh dầu từ các loại nông sản sả, gừng, nghệ, vỏ bưởi… vừa đi vào hoạt động tại Đại Hồng. Đây là một tín hiệu tốt, giúp người dân có thêm nguồn thu từ việc trồng các loại cây nông sản và tận thu sản phẩm từ những loại cây trồng này. “Nhờ xác định tiềm năng và thế mạnh, khuyến khích phát triển đúng hướng nên thực tế chứng minh là chính nguồn thu nhập từ kinh tế vườn rừng kết hợp chăn nuôi đã giúp đại bộ phận nhân dân Đại Hồng thoát nghèo” - ông Khiêm nói…
Thời điểm này, Đại Hồng đã đạt được tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người toàn xã hơn 23,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn dưới 3%. Với đà nỗ lực này thì trong tương lai gần, diện mạo vùng quê NTM Đại Hồng bên bờ sông Vu Gia sẽ càng thêm khởi sắc.
Xây dựng hạ tầng
Những năm qua, Đại Hồng đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tại vùng trung tâm xã và tại 10/10 thôn trên địa bàn. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, trường trạm, kiên cố hóa kênh mương nội đồng được tập trung đẩy mạnh theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Năm năm qua, Đại Hồng đã sửa chữa hội trường, xây mới trung tâm thể thao xã, sửa chữa 9 nhà văn hóa thôn, xây mới 10 khu thể thao thôn. Toàn xã đã cứng hóa đạt chuẩn hơn 10,3km đường giao thông trục xã, liên xã; cứng hóa hơn 15,1/16,9km đường trục thôn, xóm; cứng hóa 0,8km đường ngõ, xóm và bê tông hóa 7,5km đường nội đồng, tạo điều kiện thuận tiện cho xe cơ giới đi lại.
Hạ tầng nông nghiệp được chú trọng đầu tư tại các cánh đồng mẫu như Nà Ngọc Kinh, Dục Tịnh, Phước Lâm, Lập Thuận, Đông Phước. Cụ thể như, đường dây điện dài 10.000m đã phủ khắp vùng sản xuất chuyên canh, 20 giếng bơm, 240 máy bơm được mua sắm hỗ trợ phục vụ thủy lợi hóa đất màu ở các vùng này. Việc liên kết với doanh nghiệp cũng mở ra hướng phát triển ở các vùng chuyên canh cây màu. Từ những mối liên kết này, nhà nông Đại Hồng được hỗ trợ, cung ứng giống, phân bón, vật liệu nông nghiệp, được hỗ trợ kỹ thuật cho tới khâu thu mua, bao tiêu sản phẩm, hướng tới sản xuất ổn định, bền vững.
Ngày nay, về Đại Hồng, dễ dàng nhận thấy những đổi lớn. Cầu Hà Nha nối liền đôi bờ Vu Gia tô điểm cho cổng ngõ dẫn vào địa phận xã. Bức tranh vùng tây Đại Lộc không còn quạnh vắng nhờ vệt quốc lộ 14B đi qua. Nhiều khu dân cư Đại Hồng đã trở nên khang trang, những con đường đất đã được bê tông sạch đẹp, môi trường cảnh quan đường làng ngõ xóm được cải thiện, không còn cảnh mưa lầy nắng bụi. Trường lớp tại Đại Hồng đã khang trang hơn trước, phần lớn đã đạt chuẩn quốc gia. Những ngôi nhà xây mới, tầng hóa kiên cố dần mọc lên. Dọc tuyến quốc lộ 14B, mặt hàng nông sản thơm, keo lá tràm được thu hoạch chất đầy những chuyến xe về xuôi. Băng qua những cánh đồng, nà phù sa bồi đắp, vùng rau màu chuyên canh tô điểm thêm cho bức tranh mùa màng cây trái. Vào tiết nông nhàn (từ tháng 6 kéo dài tới tháng 10 âm lịch), về Đại Hồng sẽ thấy bạt ngàn “thảo nguyên” xanh với đàn trâu bò đông đúc nhởn nhơ gặm cỏ. Đất mới đã hồi sinh nhờ công cuộc NTM lan tỏa đến từng nhà, từng khu dân cư.
BÍCH LIÊN